Thuốc Florinef thuộc nhóm thuốc Hormon, nội tiết tố, có tác dụng điều trị thay thế trong chứng suy vỏ thượng thận nguyên phát và thứ phát, hội chứng quá sản vỏ thận bẩm sinh mất muối. Thuốc Florinef là thuốc được sử dụng dưới sự chỉ định của bác sĩ.
1. Thuốc Florinef là thuốc gì?
Thuốc Florinef có thành phần chính là hoạt chất Fludrocortisone acetate 0,1mg và các tá dược khác vừa đủ. Thuốc được điều chế dưới dạng viên nén, đóng gói thành hộp 100 viên.
2. Tác dụng của thuốc Florinef
2.1. Công dụng - chỉ định
Cơ chế hoạt động: hoạt chất Florinef là một loại steroid có tác dụng làm giảm viêm trong cơ thể. Bên cạnh đó, trong Florinef có chứa hoạt chất Fludrocortisone acetate có tác dụng điều trị tình trạng khi mà cơ thể không thể tự sản xuất đủ lượng Steroid. Vì vậy, thuốc Florinef được chỉ định sử dụng cho những trường hợp sau:
- Điều trị thay thế trong bệnh suy vỏ thượng thận nguyên phát và thứ phát, hay còn gọi là bệnh addison
- Điều trị hội chứng quá sản vỏ thượng thận bẩm sinh bị mất muối.
2.2. Chống chỉ định
Thuốc Florinef chống chỉ định sử dụng cho các trường hợp sau:
- Người bị nhiễm nấm toàn thân, nhiễm khuẩn cấp tính
- Người bị dị ứng với hoạt chất Fludrocortisone acetate, corticoid hoặc bất cứ thành phần nào có trong thuốc
3. Cách dùng và liều dùng thuốc Florinef
Cách dùng:
- Thuốc được điều chế dưới dạng viên nén nên được sử dụng bằng đường uống. Khi uống người bệnh có thể sử dụng kèm hoặc không kèm với thức ăn, tốt nhất nên sử dụng cùng với một lượng nước lọc vừa đủ.
- Để có được kết quả điều trị tốt và dễ dàng ghi nhớ liều thì người bệnh nên sử dụng thuốc cùng một thời điểm trong ngày, không tự ý tăng giảm liều lượng và đột ngột ngưng sử dụng thuốc.
Liều lượng sử dụng thuốc Florinef phải dựa trên mức độ bệnh và khả năng đáp ứng thuốc của cơ thể người bệnh. Chính vì vậy, người dùng phải luôn được theo dõi liên tục để có thể điều chỉnh được liều phù hợp:
Điều trị bệnh addison:
- Với người lớn: sử dụng liều thông thường: dùng 0,05 - 0,1mg/24 giờ hàng ngày. Người bệnh có thể sử dụng dao động từ 0,1mg/3 lần/ tuần hoặc 0,2mg/lần/ngày. Lưu ý, với những trường hợp xuất hiện tình trạng tăng huyết áp nhất thời trong quá trình điều trị thì cần phải giảm liều lượng xuống còn 0,05mg/ngày.
- Với trẻ em: sử dụng liều 0,05 - 0,1mg/24 giờ mỗi ngày.
- Với trẻ nhỏ: sử dụng 0,1 - 0,2mg/24 giờ mỗi ngày vì trẻ nhỏ cơ thể sẽ tương đối ít nhạy cảm hơn với Mineralocorticoid.
Điều trị bệnh tăng sản vỏ tuyến thượng thận bẩm sinh mất muối: sử dụng liều 0,1 - 0,2mg/24 giờ
Trường hợp quên liều:
- Người bệnh có thể bỏ qua liều thuốc Florinef đã quên và tiếp tục sử dụng liều lượng đúng với chỉ định. Tuyệt đối không nên tự ý gấp đôi số liều để bù cho lượng thuốc đã quên.
Trường hợp quá liều và xử trí:
- Khi sử dụng thuốc Florinef quá liều, người bệnh sẽ gặp phải một số triệu chứng sau: phù, tăng huyết áp, tăng cân quá mức, giảm kali huyết, tim to,
- Cách xử trí: Ngưng sử dụng thuốc các triệu chứng sẽ dần biến mất sau một vài ngày, sau đó sử dụng lại với liều lượng thấp nhất có thể. Nếu xảy ra tình trạng nhão cơ vì mất nhiều K+ thì cần phải bổ sung lại lượng kali và thường xuyên kiểm tra huyết áp.
4. Tác dụng phụ của thuốc Florinef
Trong quá trình sử dụng, ngoài công dụng chính mà thuốc Florinef mang lại, người dùng còn có thể gặp phải một số tác dụng phụ không mong muốn dưới đây:
Một số tác dụng phụ thường gặp:
- Ảnh hưởng đến khả năng chuyển hóa: giảm K+ huyết, giữ Na+, tăng huyết áp, phù
- Ảnh hưởng đến cơ xương: yếu cơ
Một số tác dụng phụ ít gặp:
- Ảnh hưởng đến máu: huyết khối
- Ảnh hưởng đến thần kinh trung ương: gây rối loạn tâm thần qua biểu hiện cảm xúc
- Ảnh hưởng đến nội tiết: xuất hiện các hội chứng giống bệnh Cushing, suy vỏ thượng thận, kìm hãm sự phát triển của trẻ em, đái tháo đường, suy giảm sức đề kháng với nhiễm khuẩn
- Ảnh hưởng đến cơ xương: teo cơ, loãng xương, lâu liền các vết thương, vết loét, suy dinh dưỡng
- Ảnh hưởng đến mắt: hiện tượng glocom, đục thủy tinh thể nếu sử dụng thuốc kéo dài.
Một số tác dụng phụ hiếm gặp:
5. Tương tác thuốc Florinef
Người dùng thuốc cần lưu ý một số phản ứng tương tác giữa Florinef với các loại thuốc khác như:
- Với Amphotericin B, các loại thuốc lợi tiểu: làm tăng tình trạng giảm K+ huyết nên phải cung cấp thêm K+ nếu cần và thường xuyên theo dõi lượng K+ huyết định kỳ.
- Với các glycosid trợ tim Digitalis: làm giảm đi lượng K+ huyết và dễ tăng độc tính của Digitalis. Người bệnh cần theo dõi lượng K+ huyết thường xuyên và thực hiện điện tâm đồ.
- Với các loại thuốc chống đông máu đường uống: làm giảm đi thời gian hấp thụ prothrombin, ngoài ra corticosteroid có thể còn gây viêm loét dạ dày kèm theo xuất hiện.
- Với các loại thuốc chống đái tháo đường như Sulfamid, insulin,...: làm tăng lượng glucose huyết, đôi khi còn gây ra tình trạng nhiễm ceton huyết.
- Với các salicylat: làm giảm đi nồng độ salicylate có trong máu do tăng khả năng đào thải, gây viêm loét dạ dày
- Với Phenytoin, Barbiturat, Rifampicin: làm giảm đi hiệu quả của corticoid do tăng khả năng chuyển hóa ở gan, gây ra các hiệu quả nghiêm trọng ở những người bị addison, ghép thận. Trong trường hợp này người bệnh cần được tăng liều corticoid.
- Với các loại vaccin: làm nguy cơ bệnh bị lan rộng, đặc biệt là ở những người bị suy giảm hệ miễn dịch do một loại bệnh tiềm ẩn nào đó, làm mất đi khả năng sản sinh ra kháng thể. Chính vì vậy tuyệt đối không được sử dụng kết hợp với các loại vaccin sống.
- Với các steroid đồng hóa như Methandrostenolon, Oxymetholone, Norethandrolone,...: gây ra hiện tượng phù nề. Đặc biệt thận trọng, nhất là với những người mắc các bệnh tim, gan.
6. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Florinef
Khi dùng thuốc Florinef, người bệnh cần lưu ý một số điều sau:
- Vì có tác dụng mạnh giữ natri trong cơ thể nên tuyệt đối không sử dụng thuốc cho bất cứ trường hợp nào ngoài những trường hợp chỉ định ở trên.
- Hoạt chất Corticosteroid có thể che giấu đi các dấu hiệu nhiễm khuẩn trong quá trình điều trị, làm giảm đi sức đề kháng và khiến cho hiện tượng nhiễm khuẩn lan rộng. Chính vì vậy, nếu xảy ra tình trạng nhiễm khuẩn thì cần phải sử dụng ngay các loại thuốc kháng sinh phù hợp.
- Thận trọng khi sử dụng thuốc cho những người mắc bệnh loãng xương, mới thực hiện phẫu thuật tạo nối thông ruột, người bị bệnh tâm thần, loét dạ dày tá tràng, đái tháo đường, lao, tăng huyết áp, suy tim, viêm loét đại tràng không đặc hiệu, nhược cơ, suy thận, herpes mắt
- Cực kỳ thận trọng với trường hợp trẻ em đang sử dụng thuốc mà bị thủy đậu, sởi vì có thể dẫn đến tử vong. Tuyệt đối không thực hiện tiêm phòng chủng đậu trong quá trình sử dụng thuốc.
- Cần sử dụng thêm liều hỗ trợ khi bị stress trong quá trình điều trị và trong vòng 1 năm để tránh tình trạng bị suy thượng thận.
- Với những người bị xơ gan hoặc mắc bệnh tuyến giáp: tác dụng của corticosteroid có thể sẽ tăng.
- Với người đang trong thời kỳ mang thai: chỉ nên sử dụng khi thực sự cần thiết vì đã có trường hợp ghi nhận thuốc gây ảnh hưởng đến tuyến thượng thận của thai nhi
- Với người đang trong thời kỳ cho con bú: thuốc bài tiết qua sữa mẹ nên cần phải thật thận trọng khi sử dụng thuốc. Lịch trình điều trị của người mẹ nên ghi chép vào y bạ của con để có thể tiện theo dõi cho sau này.
Hy vọng với những thông tin trên sẽ giúp bạn đọc có thêm kiến thức về tác dụng của thuốc Florinef. Lưu ý, Florinef là thuốc kê đơn, người bệnh cần dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị tại nhà.