Tác dụng của thuốc Dimercaprol

Thuốc Dimercaprol thường được dùng trong các trường hợp nhiễm độc cấp. Dimercaprol sẽ tạo phức với kim loại nặng, sau đó giải phóng trở lại các nhóm SH tự do cho hệ thống pyruvat – oxydase (trước đó đã gắn vào kim loại nặng). Phức tạo thành sẽ nhanh chóng được thận đào thải qua nước tiểu.

1. Thành phần thuốc Dimercaprol

Thuốc Dimercaprol chứa thành phần chủ yếu:

  • Dimercaprol 100 mg.
  • Tá dược vừa đủ 1 ống.

Dạng thuốc và hàm lượng: Dung dịch tiêm 50 mg/ml, 100 mg/ml pha trong dầu lạc trung tính và chất ổn định benzyl benzoat. ống tiêm 2 ml.

2. Tác dụng của thuốc Dimercaprol

Do tính chất nhờn, Dimercaprol không được hấp thu qua đường uống. Dimercaprol cần được tiêm sâu vào cơ bắp, di chuyển dẫn đến não, làm tăng tác dụng gây độc thần kinh.

Mặc dù điều trị bằng Dimercaprol làm tăng bài tiết cadmium, nhưng có sự gia tăng đồng thời nồng độ cadmium ở thận. Vì vậy nên tránh sử dụng nó trong trường hợp nhiễm độc cadmium.

Dimercaprol dùng để điều trị ngộ độc kim loại nặng. Một số kim loại nặng (đặc biệt là asen, vàng, chì và thủy ngân) khi vào cơ thể liên kết với các nhóm sulfhydryl (SH) của hệ thống enzym pyruvat - oxydase, ức chế sự hoạt động bình thường của những enzym này. Nhờ Dimercaprol có ái lực mạnh hơn đối với kim loại nên tạo phức với những kim loại này và giải phóng trở lại các nhóm OH· tự do cho các enzym nói trên.

Phức hợp dimercaprol - kim loại tương đối bền vững, nhanh chóng được đào thải ra ngoài chủ yếu qua thận. Dimercaprol có hiệu quả hơn nhiều khi được dùng càng sớm càng tốt ngay sau khi tiếp xúc với kim loại. Vì thuốc có hiệu quả hơn trong việc ngăn ngừa sự ức chế enzym sulphydril hơn là trong việc tái hoạt chúng.

Sau khi tiêm, thuốc phân bố vào mọi tổ chức, bao gồm cả não. Nồng độ cao nhất ở gan và thận. Nồng độ đỉnh đạt 30 - 60 phút sau khi tiêm bắp. Tác dụng xuất hiện sau khoảng 30 phút và kéo dài 4 giờ. Chính vì vậy để duy trì hiệu quả điều trị, cứ 3 - 4 giờ phải tiêm 1 lần.

3. Chỉ định thuốc Dimercaprol

Thuốc Dimercaprol được chỉ định trong một số trường hợp sau:

  • Ngộ độc cấp tính bởi kim loại nặng như thủy ngân vô cơ, vàng, asen.
  • Ngộ độc với antimony và bismuth (cần trao đổi với bác sĩ nếu sử dụng thuốc trong trường hợp này).
  • Ngộ độc chì.

4. Chống chỉ định

Dimercaprol được chống chỉ định cho những trường hợp sau:

  • Những người mẫn cảm với bất cứ thành phần nào có trong thuốc.
  • Những người thiếu hụt G6PD
  • Bệnh nhân bị suy gan.
  • Ngộ độc hơi, ngạt asen (trong trường hợp này thuốc không thể ngăn ngừa được huyết tán).
  • Các trường hợp ngộ độc bạc, urani, sắt, cadimi, selen (phức hợp giữa Dimercaprol và các kim loại trên gây ngộ độc nghiêm trọng).
  • Ngộ độc thủy ngân hữu cơ và methyl thủy ngân. Trong trường hợp này, Dimercaprol làm tăng phân bố thủy ngân vào tế bào não).

5. Cách dùng và liều lượng

Thuốc Dimercaprol được sử dụng bằng đường tiêm trực tiếp vào bắp. Liều dùng thông thường:

  • Đối với người lớn: Dùng 2,5 – 3 mg/ kg/ lần, tiêm sau mỗi 4 giờ đồng hồ trong 48h đầu tiên. Tiếp tục tiêm từ 2 – 4 lần trong ngày thứ 3.Dùng duy trì 1 – 2 lần trong 10 ngày, hoặc tiêm cho đến khi hồi phục hoàn toàn.
  • Đối với trẻ nhỏ, liều dùng cần tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo an toàn cho trẻ.
  • Đối với người cao tuổi và bệnh nhân suy giảm chức năng thận: Cần chú ý cân chỉnh liều và giãn khoảng cách tiêm thuốc.

6. Tác dụng phụ của thuốc

Các tác dụng phụ ngoại ý muốn có thể xảy ra và phụ thuộc vào liều dùng cụ thể.

Một số tác dụng phụ thường gặp:

  • Tăng huyết áp (có thể đi kèm với nhịp tim nhanh).
  • Đau đầu, buồn nôn.
  • Đau bụng.
  • Rát bỏng môi, đau họng.
  • Đau ngực.
  • Viêm kết mạc.
  • Chảy nước mắt, chảy nước mũi.
  • Đổ mồ hôi trán.
  • Giật nhẹ ở tay.
  • Cảm giác bỏng rát ở dương vật.

Một số tác dụng phụ hiếm gặp:

  • Sưng, đau và nhiễm trùng ở vị trí tiêm.
  • Gây hiện tượng sốt ở trẻ nhỏ trong thời gian đầu.

Xử trí khi gặp phải các tác dụng phụ: Đối với những trường hợp có nguy cơ cao gặp phải tác dụng phụ, bác sĩ sẽ đề nghị uống từ 30 – 60mg Ephedrine sulfat trước 30 phút khi tiêm Dimercaprol. Hoặc thực hiện phương pháp kiềm hóa nước tiểu để tránh tổn thương thận ở bệnh nhân có nguy cơ.

7. Tương tác thuốc

Thuốc Dimercaprol có thể sẽ tạo phức với một số kim loại ( ví dụ như Sắt) và gây độc cho người sử dụng. Chính vì vậy hạn chế bổ sung thực phẩm giàu sắt và tuyệt đối không dùng viên uống hoặc thuốc tiêm có chứa thành phần này trong thời gian điều trị bằng Dimercaprol.

8. Một số lưu ý khác

Trong thời gian điều trị, với những người bệnh nhạy cảm với thuốc và tăng huyết áp nếu xảy ra suy thận cấp cần phải ngừng thuốc.

Với bệnh nhân bị suy thận kèm theo một số trường hợp ngộ độc arsin hoặc arsen thì thuốc Dimercaprol có thể không hiệu quả.

Khi sử dụng thuốc Dimercaprol, nếu thấy bất kỳ triệu chứng không bình thường nào xảy ra sau khi tiêm liều đầu (ví dụ: Đau đầu, sốt...) cần phải cân nhắc về việc tiếp tục sử dụng hay ngừng thuốc.

Với phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai: Thuốc Dimercaprol đã được sử dụng điều trị bệnh Wilson ở những phụ nữ mang thai. Tuy nhiên vẫn chưa đủ thông tin để sử dụng cho người đang trong thời kỳ mang thai trong trường hợp bị ngộ độc. Chính vì vậy việc sử dụng thuốc dimercaprol ở những trường hợp này phải rất thận trọng.

Với những phụ nữ đang trong thời kỳ cho con bú: Trường hợp này chỉ sử dụng Dimercaprol khi thật sự cần thiết.

Trên đây là thông tin về công dụng, liều dùng và lưu ý khi sử dụng Dimercaprol. Lưu ý, Dimercaprol là thuốc kê đơn, người bệnh tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe