Là một thuốc thuộc nhóm thuốc kháng virus, Cidofovir được sử dụng cho các tình trạng bệnh do nhiễm virus. Tuy nhiên, vì còn thiếu kinh nghiệm điều trị với Cidofovir nên thuốc này chỉ được sử dụng khi không còn phương pháp điều trị nào khác. Vậy Cidofovir chữa bệnh gì, mời bạn đến với bài viết sau.
1. Thuốc Cidofovir chữa bệnh gì?
Thuốc Cidofovir chữa bệnh gì? Cidofovir là thuốc thuộc nhóm thuốc kháng virus, dùng đường tiêm có dạng dung dịch với nồng độ Cidofovir trong mỗi lọ 5ml là 75mg/ml.
Tác dụng của Cidofovir là gì?
- Cidofovir được sử dụng để điều trị viêm võng mạc do cytomegalovirus (CMV) ở những bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh AIDS không bị suy thận.
- Thuốc có tác dụng ngăn chặn sự sao chép của CMV thông qua việc ức chế có chọn lọc sự tổng hợp DNA của virus, làm giảm tốc độ tổng hợp DNA của chúng.
- Ngoài ra, thuốc còn có thể còn có tác dụng đối với virus kháng Aciclovir và Foscarnet. Tuy nhiên, do còn thiếu kinh nghiệm sử dụng nên thuốc này chỉ được sử dụng khi không có phương pháp điều trị phù hợp.
- Đối với các tình trạng nhiễm Cytomegalovirus khác (như viêm phổi, viêm đường tiêu hóa), bệnh Cytomegalovirus bẩm sinh hay bệnh ở người không mắc HIV độ an toàn và hiệu quả của thuốc hiện chưa được xác định.
- Thuốc này chỉ có tác dụng làm giảm nhẹ triệu chứng, phòng ngừa mù lòa chứ không có tác dụng chữa khỏi bệnh
- Điều trị tai biến do vắc-xin đậu mùa và điều trị bệnh đậu mùa (trong trường hợp đậu mùa tái xuất hiện).
2. Thuốc Cidofovir được sử dụng như thế nào?
- Thuốc Cidofovir được truyền vào tĩnh mạch. Các nhân viên y tế sẽ tiêm và theo dõi quá trình sử dụng thuốc của bạn.
- Trong vòng 48 giờ trước mỗi liều Cidofovir bạn sẽ được kiểm tra chức năng thận (creatinin huyết thanh, protein trong nước tiểu).
- Hãy chắc chắn rằng bác sĩ cũng biết nếu bạn đang dùng Zidovudine để điều trị HIV. Có thể cần thay đổi liều hoặc ngừng dùng thuốc vào ngày truyền Cidofovir.
- Cidofovir có thể gây hại cho thận chỉ sau một hoặc hai liều. Bạn sẽ được truyền dịch tĩnh mạch (IV) và uống Probenecid trong khi bạn đang nhận Cidofovir ( cụ thể là uống 2 g Probenecid 3 giờ trước mỗi lần tiêm truyền Cidofovir và 1 g probenecid 2 giờ và 8 giờ sau khi ngừng tiêm truyền Cidofovir, tổng cộng là 4 g Probenecid).
- Phải pha dung dịch thuốc trong 100 ml Natri clorid 0,9% để truyền tĩnh mạch.
- Thận trọng khi pha thuốc, tránh để dính vào da, niêm mạc, nếu dính phải rửa ngay và cọ mạnh bằng nhiều nước và xà phòng.
- Xử lý lọ đựng thuốc và dung dịch thuốc bằng cách đốt.
- Trước khi truyền Cidoforvir từ 1 đến 2 giờ cần truyền trước một lít dung dịch natri clorid 0,9%. Nếu dung nạp được, trong vòng từ 1 -3 giờ cùng lúc (hoặc ngay sau) khi truyền Cidofovir có thể truyền thêm 1 lít dung dịch natri clorid 0,9%.
- Uống Probenecid với thức ăn nếu thuốc này làm rối loạn dạ dày của bạn. Tiếp tục dùng Probenecid trong khoảng thời gian quy định. Bỏ qua liều có thể làm tăng nguy cơ biến chứng do Cidofovir gây ra.
- Kiểm tra y tế thường xuyên và lần truyền Cidofovir tiếp theo của bạn có thể bị trì hoãn dựa trên kết quả.
- Thuốc phải được truyền đúng liều đúng tốc độ và số lần đã được khuyến cáo.
Liều lượng cụ thể của thuốc Cidoforvir như sau:
- Với người lớn trong 2 tuần đầu tiên (liên tiếp) dùng liều cảm ứng, mỗi tuần một lần, 5 mg cho một kg cân nặng mỗi lần mỗi lần, truyền vào tĩnh mạch với tốc độ không đổi trong 1 giờ. 2 tuần sau khi hoàn thành điều trị (cảm ứng), bắt đầu dùng liều duy trì, mỗi 2 tuần một lần, mỗi lần 5 mg/kg thể trọng và cũng truyền tĩnh mạch trong 1 giờ với tốc độ không đổi.
- Với người bị suy giảm chức năng thận trong quá trình điều trị có thể cần điều chỉnh liều hoặc ngưng sử dụng Cidofovir.
- Với trẻ em và sơ sinh hiện dữ liệu điều trị còn ít. Không nên dùng thuốc này cho trẻ dưới 16 tuổi.
- Ở người bị suy gan hiện chưa xác định được độ an toàn và hiệu quả của thuốc.
3. Cần lưu ý gì khi sử dụng thuốc Cidofovir?
Trước khi dùng Cidofovir:
- Báo cho bác sĩ nếu bạn dị ứng với Cidofovir
- Mắc bệnh thận từ trung bình đến nặng
- Có tiền sử phản ứng dị ứng nặng với thuốc Probenecid hoặc Sulfa .
Không nên tiêm Cidofovir nếu đã sử dụng một số loại thuốc khác trong vòng 7 ngày trước. Cho bác sĩ biết nếu bạn đã dùng bất kỳ thuốc nào sau đây:
- Thuốc điều trị huyết áp;
- Thuốc chữa bệnh ung thư;
- Thuốc tiêm điều trị loãng xương hoặc bệnh Paget xương
- Thuốc ngăn thải ghép nội tạng;
- Thuốc điều trị nhiễm trùng;
- Thuốc điều trị rối loạn đường ruột;
- Một số thuốc giảm đau hoặc điều trị viêm khớp.
Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn từng bị:
- Bệnh thận;
- Bệnh tiểu đường;
- Các vấn đề về tuyến tụy.
Cidofovir có thể gây hại cho thai nhi nếu người mẹ hoặc người cha đang sử dụng Cidofovir. Nếu là nữ, không sử dụng Cidofovir khi đang mang thai. Dùng biện pháp tránh thai hiệu quả trong khi thời gian sử dụng thuốc này và ít nhất 1 tháng sau liều cuối cùng. Nếu bạn là nam, hãy dùng biện pháp tránh thai hiệu quả nếu bạn tình của bạn có thể mang thai. Tiếp tục dùng biện pháp tránh thai ít nhất 3 tháng sau liều cuối cùng.
Hãy cho bác sĩ biết ngay lập tức nếu phát hiện có thai xảy ra trong khi người mẹ hoặc người cha đang sử dụng Cidofovir. Phụ nữ nhiễm HIV hay AIDS không nên cho con bú. Ngay cả khi đứa trẻ được sinh ra không bị HIV, vi rút có thể được truyền sang con qua sữa mẹ. Không tiêm trực tiếp thuốc vào trong nhãn cầu (vì gây giảm nhãn áp mạnh và làm rối loạn thị giác).
- Quên liều: Gọi cho bác sĩ để được hướng dẫn nếu bỏ lỡ cuộc hẹn tiêm Cidofovir hoặc nếu bỏ lỡ bất kỳ liều Probenecid nào.
- Quá liều: Vì Cidofovir được tiêm trong cơ sở y tế, bạn sẽ được theo dõi chặt chẽ để đảm bảo rằng bạn không nhận quá nhiều Cidofovir. Nhân viên y tế sẽ nhanh chóng điều trị nếu bạn có các triệu chứng của quá liều.
Bảo quản thuốc Cidofovir ở nhiệt độ từ 15 đến 30 °C. Dung dịch đã được pha có thể tạm thời bảo quản trong tủ lạnh ở 2 đến 8 độ C tối đa 24 giờ, không được đông lạnh thuốc hay giữ quá 24 giờ sau khi đã pha. Để dung dịch về nhiệt độ thường trước khi tiêm.
4. Tác dụng phụ của thuốc Cidofovir
Nhận trợ giúp y tế khẩn cấp nếu có các dấu hiệu của phản ứng dị ứng: nổi mề đay; khó thở; sưng họng, mặt, lưỡi, môi.
Gọi ngay cho bác sĩ nếu có bất kỳ tác tác dụng phụ nghiêm trọng nào dưới đây xảy ra:
- Thay đổi thị lực, các mảng trắng/vàng trên mắt;
- Các vấn đề về thận - sưng, tăng cân nhanh, tiểu ít hoặc không đi tiểu, khát nhiều, chán ăn, táo bón, đau lưng dưới hoặc bên hông;
- Giảm số lượng tế bào máu - ớn lạnh, sốt, choáng váng hoặc khó thở, mệt mỏi, tay và chân lạnh, da nhợt nhạt, lở loét da, miệng dễ bầm tím, chảy máu bất thường;
- Viêm tụy - đau dữ dội ở bụng trên lan ra sau lưng, nôn, buồn nôn.
Một số tác dụng phụ thường gặp của Cidofovir như:
- Buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy;
- Suy nhược;
- Phát ban;
- Nhức đầu;
- Rụng tóc .
Vì bạn cần dùng cả Probenecid nên cũng có thể gặp các tác dụng phụ của thuốc này như:
- Buồn nôn, nôn;
- Phát ban da;
- Sốt, ớn lạnh;
- Đau đầu.
Đây không phải danh sách đầy đủ các tác dụng phụ không mong muốn có thể xảy ra của Cidofovir và Probenecid. Báo cho bác sĩ nếu bạn cảm thấy lo lắng với bất kỳ dấu hiệu bất thường nào mới xuất hiện trong quá trình sử dụng thuốc.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.