Thuốc Philmoxista được bào chế dưới dạng dung dịch nhỏ mắt với thành phần chính là Moxifloxacin. Thuốc nhỏ mắt Philmoxista được sử dụng trong điều trị bệnh viêm kết mạc mắt.
1. Philmoxista là thuốc gì?
Trong mỗi ml thuốc nhỏ mắt Philmoxista có chứa 5,45mg Moxifloxacin hydroclorid tương đương 5mg Moxifloxacin cùng các tá dược như acid boric, natri clorid, acid hydrocloric, natri hydroxyd và nước cất pha tiêm.
Công dụng của Moxifloxacin trong công thức:
- Là một loại kháng sinh thế hệ 4 thuộc nhóm kháng sinh Fluoroquinolon có công dụng diệt khuẩn;
- Cơ chế tác dụng: Moxifloxacin ức chế topoisomerase IV và ADN gyrase ở vi khuẩn, ức chế giai đoạn nhân đôi, tái tổ hợp của ADN. Do vậy, thuốc làm chết vi khuẩn;
- Phổ tác dụng của thuốc là:
- Vi khuẩn Gram dương hiếu khí: Staphylococcus aureus nhạy cảm với Methicillin, Streptococcus pyogenes, Streptococcus aureus,...;
- Vi khuẩn Gram âm hiếu khí: Haemophilus influenzae, Enterobacter cloacae, Moraxella catarrhalis,...
- Vi khuẩn kỵ khí: Propionibacterium acnes;
- Vi khuẩn Chlamydia trachomatis.
Chỉ định: Thuốc Philmoxista eye drops được sử dụng trong điều trị bệnh viêm kết mạc gây ra bởi các chủng vi khuẩn nhạy cảm với Moxifloxacin.
Chống chỉ định: Không sử dụng Philmoxista thuốc nhỏ mắt đối với bệnh nhân quá mẫn cảm đối với bất cứ thành phần nào có trong thuốc và người bệnh dị ứng với các kháng sinh thuộc nhóm quinolon.
2. Cách dùng và liều dùng thuốc Philmoxista
Cách dùng:
- Thuốc Philmoxista chỉ được sử dụng để nhỏ mắt;
- Để tránh làm nhiễm bẩn thuốc Philmoxista, người bệnh hãy cẩn thận không để đầu ống nhỏ giọt chạm vào mí mắt và các vùng xung quanh, bề mặt khác của lọ thuốc;
- Đậy nắp cẩn thận ngay sau khi sử dụng thuốc Philmoxista xong.
Liều dùng: Liều sử dụng của thuốc Philmoxista được điều chỉnh để phù hợp với từng người bệnh cũng như tình trạng bệnh. Bệnh nhân có thể dùng thuốc theo liều chỉ định của bác sĩ hoặc tham khảo liều dùng như sau:
- Liều dùng khuyến cáo: Nhỏ 1 giọt/lần với tần suất 3 lần/ngày;
- Triệu chứng của bệnh có thể được khải thiện trong 5 ngày. Sau đó bệnh nhân vẫn cần sử dụng thuốc thêm 2 - 3 ngày nữa;
- Nếu sau 5 ngày mà tình trạng bệnh không thuyên giảm thì người bệnh nên đi khám để được chẩn đoán lại bệnh và có phương pháp điều trị phù hợp, hiệu quả.
Quên liều: Khi quên 1 liều thuốc nhỏ mắt Philmoxista, bệnh nhân hãy sử dụng ngay sau khi nhớ ra. Nếu gần với thời điểm dùng liều sau, hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều Philmoxista tiếp theo đúng lịch trình. Bệnh nhân không được nhỏ nhiều thuốc cùng lúc để bù liều đã quên bởi vì có thể gây ra các tác dụng không mong muốn.
Quá liều: Hiện nay vẫn chưa có báo cáo lâm sàng về việc dùng quá liều thuốc Philmoxista. Bệnh nhân chú ý cần tuân thủ liều sử dụng đã được chỉ định. Nếu không may sử dụng quá liều và thấy những biểu hiện, triệu chứng bất thường thì người bệnh cần báo ngay với bác sĩ để được hướng dẫn phương pháp xử trí kịp thời.
3. Tác dụng phụ của thuốc nhỏ mắt Philmoxista
Trong quá trình sử dụng thuốc Philmoxista, đã thấy báo cáo về các tác dụng bất lợi mà người bệnh có thể gặp phải với tần suất khác nhau. Cụ thể như sau:
- Thường gặp:
- Trên hệ thần kinh: Hiện tượng rối loạn vị giác;
- Mắt: Kích thích mắt, đau mắt, ngứa mắt, khô mắt, sung huyết kết mạc, sung huyết mắt;
- Ít gặp:
- Trên máu và hệ bạch huyết: Hiện tượng giảm hemoglobin;
- Trên hệ thần kinh: Dị cảm, nhức đầu;
- Mắt: Viêm giác mạc có đốm, khuyết tật biểu mô trước giác mạc, xuất huyết kết mạc, giác mạc nhuộm màu, phù mắt, viêm kết mạc, nhìn mờ, rối loạn mi mắt, giảm thị lực, đỏ mi mắt, bất thường ở mắt;
- Hô hấp: Đau họng thanh quản, khó chịu ở mũi và cảm giác có vật lạ tại cổ họng;
- Hệ tiêu hóa: Nôn ra máu;
- Gan mật: Sự tăng enzyme gan GCT, ALT.
Nếu gặp bất cứ triệu chứng bất thường nào kể trên, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời. Nên ngừng dùng thuốc khi có biểu hiện của phản ứng quá mẫn hoặc tác dụng phụ trên thần kinh (co giật, lú lẫn, ảo giác, trầm cảm, run rẩy, có suy nghĩ muốn tự sát), đau, viêm, bong gân,...
4. Thận trọng khi sử dụng thuốc nhỏ mắt Philmoxista
Một số vấn đề bệnh nhân cần lưu ý trước và trong khi sử dụng thuốc nhỏ mắt Philmoxista là:
- Chỉ sử dụng thuốc Philmoxista bằng đường nhỏ mắt, không được uống hoặc tiêm;
- Ở các người bệnh sử dụng quinolon toàn thân, đã ghi nhận báo cáo về các phản ứng mẫn cảm (phản vệ) nghiêm trọng, đôi khi gây ra tử vong trong một vài trường hợp sau khi sử dụng liều đầu tiên. Có một vài phản ứng theo sau như trụy tim mạch, mất ý thức, phù mạch (bao gồm họng, hầu hoặc phù mặt), khó thở, ngứa, nghẽn khí quản, nổi mày đay;
- Nếu phản ứng dị ứng với moxifloxacin xảy ra thì dừng sử dụng thuốc. Khi có phản ứng mẫn cảm cấp tính nghiêm trọng do moxifloxacin hay bất kỳ thành phần nào của thuốc, bệnh nhân cần được điều trị cấp cứu. Nên sử dụng oxy và thông khí khi có chỉ định lâm sàng;
- Cũng tương tự các loại kháng sinh khác, việc sử dụng lâu dài thuốc nhỏ mắt Philmoxista có thể gây bội nhiễm các vi khuẩn không nhạy cảm, kể cả nấm. Nếu xảy ra bội nhiễm, nên dừng sử dụng thuốc và áp dụng các biện pháp điều trị thay thế;
- Hiện có rất ít dữ liệu về hiệu quả cũng như tính an toàn của moxifloxacin trong điều trị viêm kết mạc ở đối tượng trẻ sơ sinh. Do đó, khuyến cáo không nên sử dụng thuốc này để điều trị bệnh viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh;
- Không nên sử dụng moxifloxacin điều trị hoặc dự phòng viêm kết mạc do lậu cầu, bao gồm bệnh mắt ở trẻ sơ sinh do lậu cầu hay do vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae đề kháng với các kháng sinh fluoroquinolon. Những người bệnh nhiễm khuẩn mắt do vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae nên sử dụng thuốc điều trị toàn thân phù hợp;
- Không khuyến cáo sử dụng thuốc Philmoxista để điều trị nhiễm Chlamydia trachomatis cho người bệnh từ 2 tuổi trở xuống vì chưa có đánh giá ở đối tượng này. Người bệnh trên 2 tuổi bị nhiễm khuẩn mắt do Chlamydia trachomatis nên sử dụng thuốc điều trị toàn thân phù hợp;
- Nên khuyến cáo người bệnh không nên sử dụng kính áp tròng nếu có triệu chứng nhiễm khuẩn mắt;
- Hiện chưa có đầy đủ dữ liệu về việc sử dụng thuốc moxifloxacin cho phụ nữ có thai. Tuy nhiên, các chuyên gia dự đoán là thuốc không có ảnh hưởng đến thai vì lượng moxifloxacin đi vào cơ thể không đáng kể. Vì vậy, có thể dùng thuốc nhỏ mắt Philmoxista khi có thai nhưng cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ;
- Các nghiên cứu ở động vật cho thấy thuốc Philmoxista bài tiết một lượng nhỏ vào trong sữa nhưng vẫn chưa rõ khả năng thuốc đi vào sữa mẹ ở người. Tuy nhiên có thể dự đoán rằng ở liều điều trị moxifloxacin không gây ảnh hưởng đến trẻ bú mẹ. Vì vậy, có thể sử dụng loại thuốc này ở phụ nữ đang cho con bú nhưng cần đặc biệt thận trọng, tuân theo chỉ định của bác sĩ;
Thuốc nhỏ mắt Philmoxista gây ra hiện tượng rối loạn thị giác, nhìn mờ tức thời nên có thể gây những ảnh hưởng bất lợi đối với việc vận hành máy móc và lái xe. Do đó, người bệnh cần thật sự cẩn thận, nên chờ đến khi nhìn rõ rồi mới lái xe và vận hành máy móc để bảo đảm an toàn.
5. Tương tác thuốc Philmoxista
Hiện nay, các dữ liệu ghi nhận vẫn chưa có báo cáo về tương tác giữa thuốc nhỏ mắt Philmoxista với các thuốc sử dụng cùng. Tuy nhiên, người bệnh vẫn cần liệt kê các loại thuốc cũng như thực phẩm chức năng đang sử dụng với bác sĩ để được theo dõi, đề phòng xảy ra các tương tác thuốc và xử trí kịp thời nếu có trường hợp không mong muốn xảy ra.
Trong quá trình sử dụng thuốc Philmoxista eye drops, bệnh nhân hãy lắng nghe rõ và làm theo chỉ định của bác sĩ điều trị để mang lại hiệu quả tốt nhất. Người bệnh không nên tự ý dùng thuốc, thay đổi liều dùng thuốc, cách dùng thuốc hoặc thời gian sử dụng,... nếu chưa có sự cho phép của bác sĩ.