Tác dụng của cây mía dò

Cây mía dò là một vị thuốc nam rất thường được sử dụng trong y học cổ truyền để điều trị tình trạng tiểu buốt, tiểu rắt, phù thũng... Vậy việc sử dụng mía dò như thế nào và có cần lưu ý gì hay không?

1. Đặc điểm cây mía dò

Mía dò hay còn gọi là tậu chó, đọt đắng, đọt hoàng, cát lồi, củ chóc. Có tên khoa học là Costus speciosus Smith. Thuộc họ Gừng Zingiberaceae

Cây mía dò thường thấy mọc hoang khắp nơi trong nước ta, miền núi và cả đồng bằng, thường ưa những nơi ẩm ướt. Ngoài ra, cây mía dò còn thấy ở nhiều nơi ở các nước vùng Đông Nam Á. Có nhiều nơi trồng mía dò để lấy thân rễ ăn.

Bộ phận dùng làm thuốc: Bộ phận dùng làm thuốc là thân rễ của cây mía dò. Thu hoạch thân rễ vào mùa thu, sau đó rửa sạch, loại bỏ bớt rễ, thái nhỏ, đồ chín và đem phơi khô, rồi sử dụng. Ngoài ra, bộ phận thân, cành non và lá của cây mía dò cũng được dùng làm thuốc.

Thành phần hóa học: Trong mía dò có chứa thành phần là saponin steroid, thuỷ phân diosgenin, tigogenin...

2. Cây mía dò có tác dụng gì?

2.1 Tác dụng dược lý của cây mía dò

Một số nghiên cứu đã được thực hiện cho thấy tác dụng của mía dò trên thực nghiệm, bao gồm:

  • Tác dụng gây thu nhỏ tuyến ức: Thí nghiệm trên chuột cống trắng đực còn non, cao mía dò dùng để tiêm dưới da với liều 0,3g/kg và 0,5g/kg có tác dụng trọng lượng tuyến ức 34,5% và 49,7% so với nhóm chuột đối chứng.
  • Tác dụng chống viêm: Trên nghiên cứu thấy việc sử dụng cao mía dò đều có tác dụng chống viêm rất rõ rệt trong các bệnh lý về viêm cấp tính và mạn tính.
  • Tác dụng của cây mía dò với bà bầu: Mía dò có thể được dùng làm thuốc an thai cho phụ nữ mang thai. Theo nghiên cứu trên động vật thì sử dụng cao mía dò không gây ảnh hưởng tới quá trình mang thai và sinh đẻ của chuột. Tuy nhiên, chưa đánh giá cụ thể trên người vì vậy bà bầu không tự ý dùng.
  • Tác dụng giảm đau: Hỗn hợp saponin được chiết xuất từ mía dò có tác dụng chống viêm, giảm đau rõ rệt, tương đương với tác dụng của betamethasone.
  • Giảm viêm thận, viêm ganviêm đường tiết niệu: Theo các nghiên cứu của viện khoa học, cây mía dò còn có tác dụng điều trị viêm thận, viêm gan, viêm đường tiết niệu. Do mía dò có đặc tính chống viêm, kháng khuẩn và lợi niệu.
  • Hỗ trợ điều trị tăng lipid máu và tăng đường huyết: Cây mía dò giúp làm giảm rõ rệt đường huyết và lipid máu trên chuột thực nghiệm, bên cạnh đó còn làm giảm nguy cơ xơ vữa mạch máu.
  • Khánh khuẩn và hạ sốt: Nước sắc cây mía dò có tác dụng tiêu diệt nhiều loại vi khuẩn, giúp trị cảm sốt hiệu quả. Khi dùng mía dò vừa có tác dụng trên các loại vi sinh vật gây ra tình trạng sốt, lại còn giúp hạ thân nhiệt giảm các triệu chứng khó chịu.
  • Lợi niệu: Việc sử dụng mía dò giúp lợi niệu, giảm phù thũng, giảm tình trạng tăng khối lượng tuần hoàn gây tăng huyết áp, giúp hỗ trợ điều trị tăng huyết áp.
  • Một công dụng đang được nghiên cứu và có triển vọng tốt là công dụng chống ung thư.
  • Không chỉ có công dụng chữa bệnh, người ta còn sử dụng lá mía dò như một loại rau dùng để ăn kèm với bánh xèo rất ngon.

2.2 Tác dụng theo y học cổ truyền

Vị thuốc mía dò có vị chua, đắng, cay, tính mát, có ít độc; Có tác dụng lợi thủy tiêu thũng, thanh nhiệt giải độc. Thân rễ có tác dụng xổ, trừ giun.

Từ lâu các thầy thuốc đã dùng vị thuốc mía dò với công dụng trong các bệnh như phù thũng, tiểu buốt, tiểu rắt, điều trị viêm tai, đau tai, hạ sốt...

3. Một số bài thuốc điều trị bệnh từ cây mía dò

Một số bài thuốc có thể dùng cây mía dò để điều trị bệnh:

  • Chữa viêm tai: Dùng ngọn cây mía dò tươi giã nhuyễn vắt lấy nước, nằm nghiêng để tai bị bệnh hướng lên trên rồi nhỏ trực tiếp vào tai để trong vòng 5 phút rồi lấy bông thấm cho khô, ngày làm khoảng 3 lần.
  • Viêm thận phù thũng cấp: Dùng khoảng 15g Mía dò đun sôi 15-20 phút rồi chắt nước uống.
  • Chữa mày đay, ngứa, mụn nhọt sưng đau: Thân rễ của mía dò 100g sắc lấy nước đặc như dạng cao để xoa, rửa, đắp lên chỗ mày đay mẩn ngứa hoặc pha loãng nước để tắm hàng ngày.
  • Chữa tiểu rắt, tiểu buốt: Dùng phối hợp các vị thuốc như Mía dò, bồ công anh, bông mã đề, rau má, Râu ngô, cam thảo dây, bạch mao căn mỗi thứ 10g, sắc uống mỗi ngày một thang, chia làm 2-3 lần, nên uống vào ban ngày, tránh uống vào buổi tối.
  • Chữa viêm gan virus: Dùng các vị thuốc Mía dò 12g, Nhân trần 20g, Chi tử 12g, Thổ phục linh 12g, Xa tiền 12g, Bồ công anh 12g, Mạch môn 10g, Thủy xương bồ 8g, Sâm bố chính 12g, cam thảo đất 6g. Sắc uống ngày một thang, nên kiểm tra chức năng gan khi dùng.
  • Chữa đau nhức khớp như đau vai, đau dây thần kinh: Dùng khoảng 20g mía dò sắc uống mỗi ngày hoặc kết hợp các vị khác để tăng tác dụng.
  • Chữa cảm sốt: Dùng thân rễ luộc ăn hay sắc lấy nước uống giúp giảm sốt và cho ra mồ hôi.

4. Những lưu ý khi sử dụng mía dò

Nếu bạn dùng quá liều cây mía dò tươi thì có thể bị ngộ độc. Các triệu chứng ngộ độc Mía dò phổ biến bao gồm chóng mặt, đau bụng, buồn nôn và nôn mửa. Cho nên, không tự ý dùng tươi với lượng lớn và liên tục.

Mặc dù, có tác dụng an thai đối với phụ nữ mang thai nhưng không nên tự sử dụng khi thai đang phát triển bình thường. Bạn chỉ nên dùng khi có chỉ định của thầy thuốc đông y.

Hy vọng, qua bài viết bạn đã biết cây mía dò chữa bệnh gì? Cây mía dò là một vị thuốc đông y có tiềm năng trong việc chống ung thư, giảm đau, hạ sốt, kháng viêm, kháng khuẩn, lợi niệu. Tuy nhiên, không nên tự ý sử dụng thuốc để tránh rủi ro và những tác dụng không mong muốn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe