Cây đơn châu chấu có tác dụng giải độc, thanh nhiệt, tiêu thũng, tán ứ, khư phong trừ thấp. Do vậy hay được dùng để chữa các bệnh như viêm gan cấp, viêm amidan, viêm khớp, sưng đau vú, viêm thận phù thũng
1. Đặc điểm cây đơn châu chấu
Cây đơn châu chấu thuộc họ nhân sâm với tên khoa học là Aralia armata, . Cây còn có các tên gọi khác là: cây cuồng, rau gai, cẩm giàng, độc lực, cây đuống, cây răng, đinh lăng gai...
Đây là một loại cây nhỏ, có thân mảnh, cao tầm 1-2m, cành mọc lòa xòa có nhiều gai cong quắp. Lá cây đơn châu chấu thường có 2 mặt nhẵn, trên gân có những gai nhỏ mảnh như sợi tơ, cuống lá có bẹ. Hoa đơn châu chấu nhỏ có màu lục, vàng nhạt. Quả hạch hình tròn, màu đen. Mùa ra hoa và ra quả thường vào tháng 7-9.
Cây đơn châu chấu có xuất xứ từ vùng núi Himalaya lan qua Ấn Độ, Lào rồi đến nước ta, Malaysia. Cây thường mọc hoang ở ven rừng hay nương rẫy, chủ yếu ở các tỉnh Cao Bằng, Hòa Bình, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên...
2. Tác dụng của cây đơn châu chấu. Cây đơn châu chấu chữa bệnh gì?
Cây đơn châu chấu có tác dụng gì? Nhiều nghiên cứu y học cho thấy, trong lá đơn châu chấu có chứa các thành phần hoạt chất như sau:
- 84,5g nước;
- 1,5g tro;
- 3,1g protid;
- 2,5g chất xơ;
- 8,3 glucid;
- 1,65mg caroten;
- 12,5mg vitamin C.
Và trong rễ đơn châu chấu có chứa chất saponin triterpen, genin acid oleanolic. Ngoài việc dùng làm rau ăn (người dân vùng núi thường lấy lá non, chồi non đem luộc hay xào ăn) thì cây đơn châu chấu còn được dùng làm thuốc chữa bệnh. Bộ phận dùng làm thuốc là: rễ, vỏ rễ, lá, lõi thân.
Trong khi lá đơn châu chấu được dùng ở dạng tươi, thì rễ, vỏ rễ, thân sau khi thu hái sẽ được rửa sạch, phơi hay sấy khô để dùng dần. Theo Đông Y, loại cây này có vị cay, hơi đắng, tính ấm, lá có khả năng tiêu độc. Phần thân cây (đặc biệt là lõi thân cây) có tác dụng bồi bổ sức khỏe. Phần vỏ rễ có công dụng tiêu thũng, tán ứ, thanh nhiệt giải độc, trừ thấp, khu phong. Rễ có công dụng kháng sinh mạnh tương ứng với khả năng giải độc.
Theo các nghiên cứu Y Học Hiện Đại, vỏ rễ đơn châu chấu có tác dụng kháng viêm, ức chế hiệu quả quá trình gây viêm khi mắc một số bệnh ở giai đoạn mãn tính. Do vậy, cây đơn châu chấu thường được dùng để điều trị các bệnh lý như:
- Vỏ rễ và rễ: được dùng để điều trị viêm gan cấp, viêm khớp, viêm họng, viêm amidan, viêm thận phù thũng, sưng đau vú. Ngoài ra, đây còn là vị thuốc dân gian hay dùng để chữa thương tích do dao chém, rắn cắn, phong thấp tê bại, bệnh sốt rét...
- Lõi thân: dùng làm thuốc bổ;
- Lá cây: đắp ngoài để chữa mụn nhọt. Phần nhựa ở bộ phận nõn non có thể giúp tan chắp lẹo tại mắt;
- Quả: sao khô lên tán thành bột mịn và thổi vào mũi để chống ngạt mũi.
3. Ứng dụng thực tiễn của cây đơn châu chấu
Để chữa bệnh từ cây đơn châu chấu, người bệnh có thể tham khảo các bài thuốc sau đây:
- Điều trị hen suyễn: 12g rễ đơn châu chấu, 8g rễ cây ngấy tía, 8g rễ cây han tía. Mang đi rửa sạch, xắt nhỏ, phơi khô. Sau đó cho vào ấm rồi sắc với nước để uống. Uống thường xuyên sẽ thấy hiệu nghiệm;
- Trị viêm khớp: Rửa sạch 10-30g rễ đơn châu chấu rồi sắc với nước uống. Hoặc có thể phối thêm vị thuốc này với 10g xà cừ, 10g mặt quỷ để tăng hiệu quả điều trị;
- Trị ho lâu ngày, viêm họng, viêm amidan: 20g rễ đơn châu chấu, 20g vỏ cây khế chua, mang đi rửa sạch, thái nhỏ rồi cho vào ấm sắc chung với nước để uống (ngậm 2-3 lần/ngày) theo liệu trình 3-5 ngày;
- Trị bệnh bạch cầu, bí tiểu: 8-12g rễ cây sắc với nước uống hàng ngày;
- Trị sưng đau vú do tắc tuyến sữa: 20g rễ đơn châu chấu, 10g vỏ rễ cây sản, 20g bồ công anh, 20g kim ngân, 20g lá mua đỏ; mang đi giã nát cùng với muối rồi trộn cùng nước vo gạo. Đắp hỗn hợp trên lên vị trí bị sưng 2 lần/ngày (liệu trình 2 ngày) sẽ thấy tình trạng sưng thuyên giảm;
- Trị chứng phù thũng: Sao vàng 12g rễ đơn châu chấu, 10 lá cây cối xay, 10kg thóc lép, sắc cùng với nước để uống;
- Trị rắn cắn: rửa sạch phần vỏ của rễ đơn châu chấu, giã nát lấy nước uống, còn bã thì đắp lên vị trí bị cắn.
Trên đây là những thông tin cần biết về tác dụng của cây đơn châu chấu, gợi ý các bài thuốc chữa bệnh từ loại cây dân gian này. Để nắm rõ hơn về cách điều phối, sử dụng thuốc, vui lòng liên hệ với bác sĩ hoặc các lương y có chuyên môn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.