Tác dụng chữa bệnh của đào nhân

Theo Đông y Trung Quốc, đào nhân còn được gọi là Thoát hạch nhân, Đào hạch nhân, Thoát hạch anh nhi, Đào nhân nô, Đào nhân hạch, Đào nhân đơn. Loại dược phẩm này được sử dụng khá nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh của phụ nữ sau khi sinh, các bệnh về phụ khoa, trị táo bón, viêm tắc động mạch,... Hãy tham khảo bài viết dưới đây để biết thêm những tác dụng chữa bệnh của đào nhân.

1. Đặc điểm đào nhân và vị thuốc đào nhân

Đào nhân chính là nhân của quả đào, có tên khoa học là Prunus persica Stokes (Persica vulgaris Mill.), đây là cây thuộc họ hoa hồng (Rosaceae).

Cây có thân nhỏ, cao chừng 3-4m, thân cây nhẵn, có loại nhựa thường được đùn ra từ thân cây gọi là nhựa đào. Lá cây đơn, dài thuôn như ngón tay và có cuống ngắn, mọc so le với nhau, phiến lá dài chừng 5 đến 8cm, rộng từ 1 đến 1,5cm, phần mép lá có răng cưa nhọn nhưng không sắc, khi vò nát lá có mùi của hạnh nhân. Hoa đơn, màu hồng nhạt hoặc hồng đậm, hoa có 5 cánh với nhiều nhụy. Quả đào có hình cầu, phần đầu hơi nhọn tuỳ từng giống khác nhau, có một ngấn lõm vào chạy dọc cả quả, phần vỏ ngoài có lớp lông trắng rất mịn. Lúc quả còn non có màu xanh nhạt, khi quả chín chuyển màu trắng vàng có đốm màu hồng đỏ đậm.
Cây đào nhân phân bố chủ yếu ở các tỉnh Miền Bắc và vùng núi phía bắc nước ta nhất là Lạng Sơn, Sapa, cây mọc hoang hoặc được trồng lấy hoa làm cảnh vào mỗi dịp Tết hoặc lấy hạt.
Thu hoạch, sơ chế:

Quả đào được thu hoạch vào mùa hè thu từ tháng 6 đến tháng 8 hàng năm, đập vỡ phần vỏ chỉ lấy hạt, có thể dùng tươi hay sấy khô. Hạt có hình bầu dục, một đầu nhọn và một đầu hơi tròn, khá giống với hạnh nhân nhưng dẹt và to hơn một chút và phần giữa phình to, các cạnh tương đối mỏng, có chiều dài chừng 1,2 đến 1,8cm, rộng chừng 0,8 đến 1,2cm, dày chừng 0,2 đến 0,4cm. Đầu hạt tròn có màu sẫm hơn, có hợp điểm nhưng không rõ, từ hợp điểm đó toả ra nhiều bó mạch dọc nhỏ. Vỏ hạt mỏng, có hai lá mầm màu trắng, bóp thấy nhiều dầu. Mùi thơm nhẹ, vị béo ngậy nhưng hơi đắng. Loại hạt dùng tốt nhất là loại hạt còn nguyên vỏ mỏng, màu nâu nhạt hay hơi đỏ, có nhiều đường nhăn chạy dọc hạt, nhân có màu trắng ngà, bóp thấy có nhiều dầu là hạt tốt. Hạt đen, vỡ nát, bị mối mọt, màu đen là những hạt kém chất lượng, không thể dùng được. Lá cây đào được thu hái quanh năm, dùng khi còn tươi.

Có 3 cách dùng thu hoạch đào nhân:

  • Đào nhân: Hạt đã được loại bỏ hết phần thịt quả và đập vỡ vỏ hạt chỉ lấy phần nhân bên trong.
  • Đàn đào nhân: Lấy nhân hạt đào đã loại bỏ hết tạp chất, cho vào nồi nước đã đun sôi sẵn, đun cho đến khi vỏ hạt hơi nhăn lại thì vớt ra và cho ngay vào nước lạnh, bóc bỏ phần vỏ ngoài, đem phơi khô, khi dùng giã nát nhân.
  • Sao đàn đào nhân: Sử dụng Đàn đào nhân, cho vào chảo sao với lửa nhỏ cho đến khi nhân có màu vàng đẹp đều màu, thì lấy ra để nguội, khi dùng đem giã nát.

Vị thuốc đào nhân được ứng dụng trong Y Học Cổ Truyền
Vị thuốc đào nhân được ứng dụng trong Y Học Cổ Truyền

2. Tác dụng chữa bệnh của đào nhân

Đào nhân rất giàu chất dinh dưỡng có tới 50% là dầu béo, gần 0,7% tinh dầu, 3,5% amygdalin, cholin, men emulsion, axit prusic. Các axit béo thiết yếu bao gồm oleic, linoleic, arachidic, palmitic, gadoleic...

  • Tác dụng Dược lý (theo Trung Dược Học)
    • Theo Trung Dược Học, đào nhân có tác dụng đối với huyết mạch trong cơ thể: cồn được chiết xuất từ đào nhân có tác dụng trong chống đông máu nhưng yếu, giãn mạch, tăng cường lưu lượng máu, ức chế sự ngưng tụ trong máu, co hồi tử cung, có tác dụng rất tốt trong cầm máu đối với sản phụ sinh con đầu.
    • Đào nhân có tác dụng nhuận tràng do thành phần dầu lipid có trong đào nhân chiếm đến 45%
    • Thực nghiệm cho thấy nước sắc từ hạt đào nhân có tác dụng kháng viêm ở giai đoạn đầu đối với động vật.
    • Nước sắc từ đào nhân cũng có tác dụng giảm ho khá rõ rệt
    • Glycosid có trong đào nhân có tác dụng ức chế tế bào ung thư một cách có chọn lọc.
  • Tính vị:
    • Theo Bản Kinh: Đào nhân có vị đắng, tính bình.
    • Theo Biệt Lục: Đào nhân lại có vị ngọt, không độc.
    • Theo Trung Dược Học: Đào nhân vị đắng, ngọt, tính bình
    • Theo Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách: Đào nhân có vị cay, ngọt, tính bình.
  • Quy kinh:
    • Vào kinh thủ Quyết âm Tâm bào, túc quyết âm Can (Thang Dịch Bản Thảo).
    • Vào kinh thủ Thái âm Phế, thủ Thiếu âm Tâm, túc Thái âm Tỳ (Bản Thảo Kinh Giải).
    • Vào kinh Can, Đại trường (Lôi Công Bào Chế Dược Tính Giải).
    • Vào kinh Tâm, Can, Tiểu trường (Trung Dược Học).
  • Vào 2 kinh Tâm và Can (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
  • Tác dụng của đào nhân:
    • Theo Bản Kinh: tiêu huyết ứ, sát trùng, tiêu sưng.
    • Theo Dược Phẩm Hóa nghĩa: Tả huyết nhiệt, phá súc huyết, nhuận trường táo, thư kinh, hành huyết, trục nguyệt thủy, hoạt huyết.
    • Theo Trung Dược Học: Phá huyết, hành ứ, nhuận táo, thông tiện.
    • Theo Trung Dược Đại Từ Điển: Phá huyết, hoạt trường, hành ứ, nhuận táo.
    • Theo Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách: Hoạt huyết, khứ ứ, nhuận táo, hoạt trường.
  • Chủ trị:
    • Theo Trung Dược Đại Từ Điển: Trị kinh bế, trưng hà, nhiệt bệnh, súc huyết, phong tý, sốt rét, té ngã bị tổn thương, ứ huyết gây sưng đau, huyết táo, táo bón.
    • Theo Đông Dược Học Thiết Yếu: Trị bế kinh, thống kinh, sau khi sinh sản dịch ra nhiều không hết, bụng dưới căng đau, chấn thương do té ngã, bị đánh đập, mụn đinh nhọt sưng tấy, táo bón ở người lớn tuổi và sau khi sinh.

Vị thuốc đào nhân được ứng dụng trong Y Học Cổ Truyền
Vị thuốc đào nhân được ứng dụng trong Y Học Cổ Truyền

3. Các bài thuốc quý từ đào nhân dược liệu

3.1. Chữa kinh nguyệt không đều, đau bụng

  • Chuẩn bị: Đào nhân 6 gam, hồng hoa 8 gam, ngưu tất 6 gam, tô mộc 8 gam, mền tưới 8 gam, nghệ vàng 6 gam.
  • Chế biến: đem tất cả sắc lấy nước uống.

3.2. Chữa máu vón thành cục không tan trong bụng

  • Chuẩn bị: Đào nhân luộc lên bóc bỏ vỏ 3 gam, hồng hoa 3 gam, tô mộc 3 gam; thanh bì 2,5 gam, ô dược 1 gam, độc hoạt 2 gam, bạch tật lê (bỏ gai) 3,5 gam.
  • Chế biến: Tất cả đem sắc lấy nước uống, chỉ dùng trong ngày.

3.3. Chữa bế kinh, ứ huyết đau kinh

  • Chuẩn bị: Đào nhân 6 gam, đương quy 10 gam, xích thược 10 gam, xuyên khung 3 gam, hồng hoa 5 gam.
  • Chế biến: Tất cả đem đi sắc lấy nước, chia làm nhiều lần chỉ uống trong ngày.

3.4. Nhuận tràng thông tiện, chủ trị táo bón

  • Chuẩn bị: Đào nhân 12 gam, hạnh nhân 12 gam, hỏa ma nhân 12 gam, đương quy 12 gam, sinh địa 16 gam, chỉ xác 12 gam.
  • Chế biến: Tất cả các vị thuốc này đem đi nghiền thành bột mịn,. Mỗi lần uống 8 gam, ngày uống 2 lần hoặc đem sắc nước uống.

Hoặc:

  • Chuẩn bị: Đào nhân 20 gam, hạnh nhân 12 gam, bá tử nhân 12 gam, tùng tử nhân 6 gam, úc lý nhân 12 gam, trần bì 8 gam.
  • Chế biến: Tất cả đem tán bột, thêm chút mật ong viên thành mật hoàn. Mỗi lần uống 10 gam.

3.5. Thoát mủ, tiêu nhọt, trị nhọt độc ở ruột, viêm tắc ruột do cục máu đông

  • Chuẩn bị: Đào nhân 12 gam, đại hoàng 12 gam, mẫu đơn bì 16 gam, đông qua tử 12 gam, mang tiêu 12 gam.

Chế biến: Tất cả đem đi sắc lấy nước uống.

Hoặc:

  • Chuẩn bị: 12 gam đào nhân, 12 gam hồng hoa, 12 gam đương quy, 12 gam đan sâm, 12 gam xuyên khung, 12 gam xích thược, 12 gam ngưu tất, 12 gam kim ngân hoa, 12 gam huyền sâm, 8 gam địa miết trùng, 8 gam tam lăng, 12 gam nga truật, 4 gam địa long, 4 gam manh trùng, 6 gam cam thảo sống.
  • Chế biến: Tất cả đem đi sắc lấy nước uống.

4. Tương tác xảy ra với đào nhân

Đào nhân cơ bản lành tính, ít tác dụng phụ tuy nhiên khi sử dụng cũng cần thận trọng. Bạn nên tham khảo trước ý kiến từ các bác sĩ, thầy thuốc Đông y uy tín. Một số thuốc, thực phẩm chức năng hay thảo dược khác mà bạn đang dùng có thể gây ra những tương tác không mong muốn với dược liệu.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe