Suy tim là tình trạng bệnh lý tim mạch khiến tim giảm khả năng co bóp. Suy tim không chỉ gây triệu chứng khó thở, mệt mỏi, phù chân mà còn gây căng thẳng, ảnh hưởng nhiều đến cảm xúc của người bệnh, thậm chí dẫn đến trầm cảm dù suy tim đang được kiểm soát tốt.
1. Suy tim ảnh hưởng tiêu cực đến cảm xúc như thế nào?
Những tác động của suy tim đối với cơ thể như khó thở, mệt mỏi và sưng phù rất dễ nhận thấy. Tuy nhiên, những cảm xúc tiêu cực mà người bệnh suy tim phải chịu đựng lại không dễ nhận ra. Người bệnh có thể đối mặt với nhiều loại cảm xúc, từ sợ hãi, buồn bã đến lo lắng, trầm cảm và thậm chí tức giận.
Khi được chẩn đoán mắc một căn bệnh mãn tính như suy tim, người bệnh sẽ cảm thấy rất nhiều cảm xúc khác nhau, bao gồm:
- Lo sợ về tương lai
- Lo lắng sẽ mất kiểm soát tình trạng sức khỏe của bản thân
- Tức giận vì bệnh suy tim làm cản trở cuộc sống hằng ngày
- Căng thẳng về khả năng kiểm soát tình trạng hiện tại
- Cô đơn vì lo lắng rằng người khác không hiểu những gì bản thân đang trải qua
Nếu người bệnh suy tim có những cảm xúc này và lâu dần có thể khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Căng thẳng và tức giận có thể làm tăng huyết áp và khiến tim hoạt động nhiều hơn. Điều này làm cho bệnh lý tim mạch ngày càng trầm trọng hơn.
Trầm cảm - bao gồm cảm giác buồn trong ít nhất 2 tuần - ảnh hưởng đến 70% những người bị suy tim. Nếu không điều trị trầm cảm, người bệnh sẽ khó kiểm soát bệnh suy tim. Sự căng thẳng và trầm cảm do suy tim gây ra thường gặp ở phụ nữ hơn là nam giới.
2. Cách xử lý cảm xúc tiêu cực
Một trong những cách tốt nhất để đối phó với những cảm xúc tiêu cực như trầm cảm, lo lắng hoặc tức giận là nói về chúng. Người bệnh cần nhận được sự quan tâm, lắng nghe và chia sẻ từ bạn bè, gia đình, đồng nghiệp và các thành viên trong các tổ chức xã hội mà họ đã tham gia. Giúp người bệnh suy tim quản lý cảm xúc tiêu cực, tăng quan điểm tích cực không chỉ giúp cải thiện tâm lý mà còn tăng tuân thủ điều trị.
Những cách giúp quản lý cảm xúc tiêu cực như:
- Người bệnh cần biết những gì họ đang phải đối mặt. Khi họ hiểu về suy tim và hướng điều trị, điều đó có vẻ sẽ ít đáng sợ hơn.
- Thư giãn. Đi bộ trong thời gian dài, tắm nước ấm hoặc mát-xa có thể làm nên điều kỳ diệu. Làm bất cứ điều gì khiến bản thân thấy thư giãn và hạnh phúc.
- Tập thể dục. Tập luyện là một cách tuyệt vời để nâng cao tinh thần khi lo lắng hoặc chán nản. Và nó có thể kích hoạt giải phóng các hóa chất tạo cảm giác dễ chịu được gọi là endorphin.
- Tránh những thói quen xấu. Rượu, thuốc lá hoặc ma túy có thể khiến bạn cảm thấy dễ chịu hơn trong một thời gian ngắn, nhưng chúng có thể khiến bệnh tim trở nên tồi tệ hơn về lâu dài.
- Hãy tích cực. Cố gắng tìm hy vọng trong mọi hoàn cảnh. Tập trung vào những gì bản thân có thể làm. Đặt mục tiêu và làm việc hướng tới chúng để tạo cho bản thân cảm giác có mục đích.
- Điều trị trầm cảm. Để ý các dấu hiệu để có thể điều trị. Đôi khi các triệu chứng rất mơ hồ như: Mệt mỏi, thiếu năng lượng, mất cảm giác ngon miệng, cảm giác trống rỗng, mất hứng thú với các hoạt động từng yêu thích, khó ngủ hoặc ngủ quá nhiều. Nếu những triệu chứng này kéo dài hơn hai tuần, hãy thảo luận với bác sĩ tim mạch, chuyên viên tâm lý học hoặc bác sĩ trị liệu tâm thần kinh. Bác sĩ có thể đề nghị các phương pháp điều trị như tư vấn hoặc liệu pháp trò chuyện, thuốc chống trầm cảm hoặc cả hai.
Tóm lại, suy tim là bệnh lý tim mạch không chỉ gây triệu chứng trên lâm sàng mà còn gây ra những căng thẳng, mệt mỏi và cảm xúc tiêu cực. Điều trị suy tim cần có sự kết hợp của bác sĩ tim mạch và các chuyên viên tâm lý. Việc kiểm soát các cảm xúc tiêu cực sẽ giúp cải thiện bệnh lý suy tim thông qua sự tăng tuân thủ theo các thói quen có lợi cho tim như ăn thức ăn bổ dưỡng và tập thể dục.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị suy tim