Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đỗ Xuân Chiến - Trưởng khoa Khám bệnh & Nội khoa Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Suy tim cấp và phù phổi cấp do bệnh tim là bệnh lý thường gặp hay cũng là hệ quả của các bệnh lý tổn thương hệ tim mạch, là bệnh lý nguy hiểm có nguy cơ đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân.
1. Tìm hiểu về bệnh suy tim cấp và phù phổi cấp do tim
- Suy tim (Heart Failure) là khi khả năng co bóp yếu của cơ tim làm giảm khả năng tống đẩy máu của buồng tim, giảm cung lượng máu cần thiết cho cơ thể, không đủ đáp ứng nhu cầu chuyển hóa của cơ thể.
- Có nhiều cách để phân loại suy tim trong chẩn đoán để có biện pháp điều trị phù hợp. Trong đó dựa theo sinh lý bệnh chia ra thành 2 loại: suy tim cấp tính và suy tim mạn tính.
- Suy tim cấp là gì? Suy tim được định nghĩa là sự khởi phát nhanh chóng các triệu chứng suy giảm chức năng tim, đe dọa tính mạng người bệnh và đòi hỏi phải có các biện pháp xử trí cấp cứu. Trong đó suy tim cấp được phân loại như sau: Suy tim mạn tính mất bù, phù phổi cấp, suy tim cấp do tăng huyết áp, sốc tim, suy tim phải đơn độc, suy tim và hội chứng vành cấp.
- Phù phổi cấp xảy ra khi áp lực của mao mạch phổi tăng quá ngưỡng gây thoát dịch ra khỏi lòng mạch vào trong khoảng kẽ và phế nang. Từ đó gây rối loạn trầm trọng sự trao đổi khí biểu hiện bằng sự khó thở dữ dội, đột ngột hay xuất hiện vào ban đêm trên lâm sàng.
2. Nguyên nhân suy tim cấp và phù phổi cấp
Các nguyên nhân dẫn đến suy tim cấp:
- Thiếu máu cơ tim: hội chứng vành cấp do tắc nghẽn hoặc co thắt quá mức động mạch vành.
- Bệnh lý van tim: hở, hẹp các van tim
- Bệnh cơ tim: Bệnh cơ tim phì đại, viêm cơ tim
- Bệnh tim mạch khác: Tăng huyết áp, các rối loạn nhịp tim, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, phình tách động mạch chủ,...
- Nhiễm trùng huyết, nhiễm độc giáp, thiếu máu, thuyên tắc phổi...
- Suy tim mạn tính không tuân thủ điều trị, quá tải dịch, nhiễm trùng, bệnh mạch máu não, rối loạn chức năng thận, hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ngộ độc thuốc, ngộ độc rượu...
3. Biểu hiện của suy tim cấp và phù phổi cấp
Suy tim cấp có các biểu hiện lâm sàng cấp tính bao gồm:
- Tình trạng khó thở nhiều, đôi khi dữ dội và đột ngột, phát triển nhanh chóng.
- Kèm theo bệnh nhân lo lắng, vật vã, tím tái...
- Một số ho ra máu hoặc thậm chí trào bọt hồng ra miệng.
- Đau ngực, tức nặng ngực, cảm giác khó thở
- Ngất hoặc có cơn mệt thỉu
- Cảm giác hồi hộp trống ngực, nhịp tim nhanh đều hoặc không đều
- Khám thấy bệnh nhân khó thở nhanh, nông. Nghe phổi có thể thấy ran rít, ran ngáy và đặc biệt là ran ẩm to nhỏ hạt hai bên phế trường (có thể diễn biến kiểu nước thuỷ triều dâng từ hai đáy phổi).
Triệu chứng cận lâm sàng:
- Điện tâm đồ: Nhằm xác định tần số tim và nguyên nhân thường gặp, đặc biệt với nhồi máu cơ tim cấp
- X- Quang tim phổi: Hình ảnh bóng tim to, huyết quản phổi tăng đậm. Mờ hình cánh bướm lan toả từ hai rốn phổi, thấy hình ảnh đường Kerley B.
- Khí máu động mạch: Giúp đánh giá tình trạng thiếu oxy, rối loạn chuyển hóa trong suy tim
- Siêu âm tim đóng vai trò vô cùng quan trọng nhận biết suy tim biểu hiện và phân suất tống máu giảm dưới 55%
- Các xét nghiệm khác gồm: chức năng gan thận, điện giải đồ, công thức máu
4. Điều trị suy tim cấp và phù phổi cấp do tim
Mục đích điều trị
- Chống suy hô hấp
- Ngăn chặn sự tiến triển của bệnh.
- Cải thiện chất lượng cuộc sống, giảm thời gian nhập viện.
- Kéo dài thời gian sống của bệnh nhân.
- Kiểm soát tình trạng ứ trệ nước và muối.
- Tăng sức co bóp cơ tim.
- Giảm công tim.
- Giảm sung huyết phổi và tĩnh mạch hệ thống.
Các biện pháp hỗ trợ ban đầu:
- Cung cấp oxy đảm bảo thông khí. Đặt nội khí quản và thông khí nhân tạo nếu có chỉ định
- Để bệnh nhân ở tư thế nửa ngồi tư thế này giảm bớt khó thở do ứ đọng
Dùng thuốc
- Morphine sulphate đường tĩnh mạch là thuốc rất quan trọng vì làm giảm lo lắng cho bệnh nhân và giãn hệ tĩnh mạch phổi, tĩnh mạch hệ thống
- Thuốc lợi tiểu Furosemide đường tĩnh mạch làm giảm gánh nặng tuần hoàn và có hiệu lực tức thời giãn động mạch phổi nhanh khi tiêm tĩnh mạch.
- Nitroglycerin là thuốc giãn chủ yếu hệ tĩnh mạch làm giảm tiền gánh và có tác dụng hiệp đồng với Furosemide.
- Các thuốc tăng co bóp cơ tim được chỉ định sau khi đã dùng các biện pháp ban đầu trên và bệnh nhân bị huyết áp thấp hoặc sốc tim.
Tìm nguyên nhân và giải quyết các nguyên nhân gây suy tim cấp và phù phổi cấp do tim
5. Phòng chống bệnh suy tim cấp và phù phổi cấp do tim
Để phòng ngừa suy tim cấp hay phù phổi cấp do tim là giảm tối đa các yếu tố nguy cơ. Nhiều yếu tố nguy cơ có thể được kiểm soát và loại bỏ như tăng huyết áp và bệnh mạch vành, bằng cách thay đổi lối sống kết hợp với dùng thuốc.
Những biện pháp thay đổi lối sống có thể giúp giảm tỷ lệ bệnh lý tim mạch gồm:
- Ngưng hút thuốc lá
- Kiểm soát những bệnh nền, như là tăng huyết áp và đái tháo đường
- Duy trì vận động thể chất
- Ăn uống lành mạnh
- Giữ một cân nặng khỏe mạnh
- Giảm stress
Suy tim cấp và phù phổi cấp do tim nên được điều trị sớm để tránh những hậu quả nghiêm trọng, vì vậy khi thấy bản thân có các dấu hiệu của bệnh, bạn nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị sớm nhất.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị suy tim