Khi trẻ được chẩn đoán là suy hô hấp chắc hẳn sẽ khiến bố mẹ rất hoang mang và lo lắng về chứng bệnh này. Suy hô hấp ở trẻ do những nguyên nhân nào gây nên và có nguy hiểm không. Hãy cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Ma Văn Thấm, Trưởng khoa Nhi - Sơ Sinh, Bệnh viện ĐKQT Vinmec Phú Quốc giải đáp trong video này nhé!
Video được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Ma Văn Thấm, Trưởng khoa Nhi - Sơ Sinh, Bệnh viện ĐKQT Vinmec Phú Quốc
1. Suy hô hấp ở trẻ và những điều cha mẹ cần biết
Theo BS Ma Văn Thấm, hội chứng suy hô hấp cấp ở trẻ sơ sinh (hay còn gọi là bệnh màng trong) là tình trạng khi phổi của bé vẫn chưa phát triển đầy đủ sau khi chào đời, dẫn đến thiếu surfactant (hoạt chất tạo nên tính hoạt động bề mặt), làm giảm diện tích bề mặt phế nang dành cho sự trao đổi khí. Đây là hội chứng rất hay gặp trong thời kỳ sơ sinh, đặc biệt là trong những ngày đầu sau khi sinh. Trẻ sinh non dễ gặp phải suy hô hấp hơn so với trẻ đủ tháng. Đối với trẻ sơ sinh thì phổi khỏe mạnh là điều quan trọng nhất. Trong khi đó, các trẻ bị suy hô hấp cấp có thể gặp nhiều khó khăn trong việc hít thở bình thường.
Một trong những nguyên nhân gây ra hội chứng suy hô hấp cấp ở trẻ sơ sinh đó là sinh non. Phổi của các trẻ sinh non thường thiếu hoạt chất tạo tính bề mặt, là chất cần thiết cho sự giãn nở ra và co rút lại của phổi. Sự thiếu hụt này là tiền đề dẫn đến tình trạng khó thở và các vấn đề về hô hấp. Bên cạnh đó, bệnh suy hô hấp cũng có thể bắt nguồn từ yếu tố di truyền liên quan đến sự phát triển phổi của trẻ. Ngoài sinh non được xem là yếu tố chính, còn có một số yếu tố khác cũng có khả năng dẫn đến hội chứng suy hô hấp cấp ở trẻ sơ sinh, bao gồm:
- Sinh mổ
- Người mẹ bị tiểu đường
- Tiền sử gia đình bị suy hô hấp
- Sản phụ mang đa thai
- Tổn thương chu sinh: Xảy ra ngạt và xuất huyết trước sinh
- Lượng máu cung cấp cho thai nhi trong thời kỳ mang thai bị suy giảm.
Đa phần các triệu chứng của hội chứng suy hô hấp cấp sơ sinh có thể phát hiện được ngay sau khi bé chào đời. Tuy nhiên, một số dấu hiệu cũng có thể xuất hiện trong khoảng 24 giờ sau khi sinh. Những triệu chứng thường gặp là:
- Trẻ khó thở dữ dội, đột ngột, sau đó nhịp thở tăng nhanh
- Cánh mũi trẻ phập phồng, phát ra tiếng rên khi thở ra
- Hiện tượng co kéo lồng ngực và các cơ liên sườn, xương ức lõm xuống
- Tím tái toàn thân, tim đập nhanh do thiếu oxy trầm trọng
- Thở khò khè do ngạt thở
- Đổ nhiều mồ hôi.
2. Những ảnh hưởng tới sức khỏe từ bệnh suy hô hấp ở trẻ
Suy hô hấp cấp ở trẻ sơ sinh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển bình thường của trẻ. Trong một số trường hợp, tình trạng này có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Cụ thể, một số biến chứng không mong muốn xuất phát từ hội chứng suy hô hấp cấp có thể kể đến như:
- Ở tim: Ứ đọng không khí xung quanh, máu bị nhiễm trùng, hình thành huyết khối trong cơ thể, hạ huyết áp và chỉ số đường máu
- Ở phổi: Tích tụ không khí quanh phổi, chảy máu phổi, viêm phổi và bệnh phổi mạn tính
- Ở não: Xuất huyết não, thiếu oxy não, trẻ bị chậm phát triển trí tuệ hoặc mất thị lực (mù lòa)
- Các cơ quan khác: Khó phát triển và thực hiện chức năng bình thường, gây suy thận, ...
Di chứng để lại của suy hô hấp cũng còn tùy thuộc vào mức độ của bệnh, cũng như thể trạng của từng bệnh nhân. Các biến chứng mà mỗi cá nhân trẻ gặp phải sẽ không giống nhau.
Nếu bệnh ở mức độ nhẹ kết hợp với được cấp cứu suy hô hấp kịp thời và điều trị đúng cách, nỗ lực chữa bệnh sau khoảng 3 ngày sẽ phát huy hiệu quả. Khi những triệu chứng giảm dần thì trẻ có cơ hội được cứu sống. Nếu bệnh nặng thì di chứng suy hô hấp cấp để lại có thể bị thiếu oxy não, xuất huyết não, hạ đường huyết.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.