Bệnh viêm khớp dạng thấp là một dạng bệnh tự miễn thường gặp với các dấu hiệu không rõ ràng và tiến triển dần theo thời gian. Do đó, việc phát hiện bệnh lý này thường không dễ dàng và chẩn đoán nhầm với nhiều căn bệnh khác. Vậy biểu hiện sưng đau các khớp có phải biểu hiện của viêm khớp dạng thấp?
1. Viêm khớp dạng thấp là gì?
Viêm khớp dạng thấp còn được gọi là viêm đa khớp dạng thấp, đây là bệnh mạn tính xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm vào các mô trong chính. Viêm khớp dạng thấp sẽ làm ảnh hưởng đến niêm mạc khớp, gây sưng đau và có thể dẫn đến xói mòn xương, biến dạng khớp.
Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh như viết, mặc quần áo, mở chai lọ, mang vác đồ vật,... Đặc biệt khi viêm khớp tại mắt cá, khớp gối hoặc khớp bàn chân thì sẽ gây ra khó khăn cho người bệnh trong việc đi đứng và cúi người.
Bệnh lý này không chỉ làm phá hủy và tổn thương đến hệ khớp xương của cơ thể mà còn đến cả hệ thống của cơ thể bao gồm da, mắt, phổi, tim và mạch máu.
2. Sưng đau các khớp có phải biểu hiện của viêm khớp dạng thấp?
Một trong những triệu chứng viêm khớp dạng thấp thường gặp nhất chính là sưng đau các khớp. Có đến 2/3 bệnh nhân viêm khớp dạng thấp có những biểu hiện ban đầu là viêm một khớp, thường là khớp nhỏ ở bàn tay, sưng đau kèm theo khó cử động, nhất là khi ngủ dậy. Ở giai đoạn đầu, khi khớp mới bị sưng nóng và được phát hiện, điều trị tích cực, đúng cách thì bệnh có thể diễn biến tốt.
Bên cạnh sưng đau khớp người bệnh còn có thể xuất hiện các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, tê các đầu chi, gầy sút, đau nhức xương khớp,... Diễn biến tiếp theo của viêm khớp dạng thấp có thể là tình trạng viêm lan xuống các khớp gối, bàn chân, cổ chân, ngón chân,... Thường là đối xứng hai bên, khớp sưng đau nặng hơn và hạn chế vận động cơ bản.
Khi xuất hiện những tổn thương ở sụn khớp và đầu xương thì nguy cơ bị biến dạng khớp, dính khớp, cứng khớp, mất khả năng vận động hoặc gây tàn phế rất cao. Vì vậy, khi phát hiện những triệu chứng nghi ngờ của viêm khớp dạng thấp thì người bệnh nên thăm khám ngay để phát hiện và điều trị kịp thời.
3. Nguyên nhân của bệnh viêm khớp dạng thấp
Quá trình lớp màng của màng bao quanh khớp bị tấn công bởi hệ miễn dịch của cơ thể dẫn đến viêm và có thể phá hủy sụn và xương trong khớp, hình thành nên bệnh viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên nguyên nhân chính xác dẫn đến bệnh lý này vẫn chưa được xác nhận. Nhưng phần lớn các kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng yếu tố di truyền có thể có liên quan đến bệnh viêm khớp dạng thấp.
Mặc dù một số gen không trực tiếp gây ra bệnh nhưng có thể khiến người bệnh nhạy cảm hơn với các yếu tố môi trường, chẳng hạn như nhiễm một số vi khuẩn hoặc virus nào đó và làm khởi phát bệnh.
4. Phân biệt viêm xương khớp và viêm khớp dạng thấp
Sụn là một lớp bao phủ xương trong một khớp để ngăn các xương không chạm vào nhau. Khi lớp sụn bị bào mòn và thoái hóa, các đầu xương sẽ chạm vào nhau tạo ra những cơn đau dữ dội. Từ đó hình thành nên bệnh lý viêm xương khớp.
Trong khi đó, viêm khớp dạng thấp xảy ra khi hệ thống tự miễn dịch tấn công lên mô xung quanh của khớp. Viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng đến nhiều khớp, đồng thời cũng có thể ảnh hưởng đến các mô và cơ quan khác của cơ thể.
Các triệu chứng viêm xương khớp bao gồm:
- Đau khớp đặc biệt là sau khi sử dụng lặp đi lặp lại khớp bị ảnh hưởng.
- Khớp cứng vào buổi sáng kéo dài đến 30 phút.
- Sưng và nóng các khớp sau khi không hoạt động.
- Sưng khớp làm hạn chế vận động khớp.
Các triệu chứng của chứng viêm khớp dạng thấp bao gồm:
- Khớp đau và cứng.
- Sưng khớp.
- Khả năng vận động khớp bị hạn chế.
- Nóng đỏ quanh khớp.
- Độ cứng khớp buổi sáng kéo dài trong một giờ trở lên.
- Quá mệt mỏi.
- Xuất hiện các nốt thấp.
- Tổn thương các khớp đối xứng.
- Tổn thương các khớp nhỏ bàn tay và bàn chân.
- Bệnh tim, thận và phổi cũng có thể liên quan.
Hai bệnh lý về khớp này thường có nhiều điểm tương đồng trong các triệu chứng lâm sàng, đặc biệt là sưng đau các khớp. Tuy nhiên,với bệnh viêm khớp dạng thấp, ngoài việc sưng đau các khớp, bệnh nhân cũng có thể xuất hiện nhiều triệu chứng khác kèm theo. Vì vậy người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán một cách chính xác nhất, tránh nhầm lẫn giữa hai bệnh lý này khiến quá trình điều trị không hiệu quả.
5. Điều trị viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh mạn tính mà không có phương pháp điều trị đặc hiệu. Người bệnh chỉ có thể kiểm soát tình hình của bệnh bằng cách sử dụng thuốc như: thuốc giảm đau; thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs); thuốc chống thấp khớp (DMARDs); chế phẩm sinh học; corticosteroid, bao gồm hydrocortisone và prednisone.
Ngoài ra, người bệnh nên thực hiện thay đổi chế độ ăn uống và thực hiện các bài tập vận động dành riêng cho bệnh nhân viêm khớp dạng thấp. Quá trình này sẽ giúp kiểm soát các cơn đau và kiểm soát phản ứng viêm. Đồng thời có thể giúp thuyên giảm tình trạng viêm khớp nếu như tham gia điều trị tích cực. Việc quản lý tốt tình trạng bệnh sẽ giúp ngăn ngừa tổn thương khớp và một số cơ quan khác trong cơ thể.
Phát hiện sớm và điều trị viêm khớp dạng thấp là thực sự cần thiết, vì vậy nếu có dấu hiệu của bệnh lý này thì bạn nên đến các cơ sở uy tín có chuyên khoa xương khớp như Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để được thăm khám và có các phương pháp điều trị hiệu quả, tránh những biến chứng không mong muốn.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ thăm khám, điều trị và phòng ngừa các bệnh lý. Khi thực hiện quy trình thăm khám tại Vinmec, Quý khách hàng sẽ được đón tiếp và sử dụng cơ sở vật chất, hệ thống máy móc hiện đại đi kèm với các dịch vụ y tế hoàn hảo dưới sự chỉ dẫn, tư vấn của các bác sĩ giỏi, được đào tạo bài bản ở cả trong và ngoài nước.
Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.