Sửa và thay van hai lá là loại phẫu thuật để điều trị bệnh hở hay hẹp van hai lá. Van hai lá nằm giữa các buồng tim bên trái, bao gồm tâm nhĩ trái và tâm thất trái.
1. Tại sao cần thực hiện sửa và thay van hai lá?
Phẫu thuật sửa chữa hoặc thay thế van hai lá có thể được chỉ định đối với bệnh nhân mắc bệnh van hai lá, bao gồm các tình trạng sau:
- Hở van hai lá: Các lá của van hai lá không đóng chặt, dẫn đến tình trạng máu bị trào ngược về nhĩ trái. Tình trạng này thường xuất hiện ở những người bị sa van hai lá (MVP) và phẫu thuật sửa chữa van hai lá thường được khuyến cáo áp dụng cho những bệnh nhân có triệu chứng hở van hai lá nghiêm trọng.
- Hẹp van hai lá: Lá van trở nên dày hoặc cứng, có thể dính lại với nhau, làm cho lỗ van bị thu hẹp và giảm lưu lượng máu qua van.
Trong trường hợp bệnh van hai lá ở mức độ nhẹ, bác sĩ có thể đề xuất kiểm tra sức khỏe định kỳ theo dõi tình trạng tim mạch và kê đơn thuốc để điều trị các triệu chứng.
Đôi khi, việc sửa và thay van hai lá có thể được thực hiện ngay cả khi bệnh nhân không có triệu chứng. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng đối với những người mắc bệnh van hai lá nặng mà không có triệu chứng, điều trị phẫu thuật có thể cải thiện được kết quả lâu dài thay vì chỉ theo dõi tình trạng.
Đối với những người mắc bệnh van hai lá, bác sĩ thường khuyến cáo bệnh nhân nên mổ sửa van nếu như tình trạng van hai lá có thể sửa được, vì điều này sẽ giúp bảo tồn chức năng van hai lá và duy trì chức năng tim.
Sửa chữa van hai lá cho phép tránh được các biến chứng có thể xảy ra sau phẫu thuật thay thế van, chẳng hạn như cục máu đông khi dùng van cơ học và thoái hóa van sinh học.
2. Rủi ro về việc sửa chữa và thay van hai lá
Các rủi ro có thể xuất hiện trong phẫu thuật sửa và thay van hai lá bao gồm:
- Xuất huyết.
- Hình thành cục máu đông.
- Các vấn đề làm van thay thế hoạt động không tốt.
- Rối loạn nhịp tim (nhịp tim không đều).
- Nhiễm trùng.
- Đột quỵ.
- Tử vong.
3. Quá trình tiến hành thủ thuật sửa và thay van hai lá
Quá trình phẫu thuật sửa chữa hoặc thay thế van hai lá sẽ được thực hiện tại bệnh viện với đội ngũ bác sĩ có tay nghề cao trong lĩnh vực phẫu thuật tim.
Trong trường hợp bệnh nhân cần phẫu thuật tim do một tình trạng khác ngoài bệnh van hai lá, bác sĩ phẫu thuật có thể thực hiện cả hai ca phẫu thuật trong một lần điều trị.
3.1 Sửa chữa van hai lá
Trong quá trình phẫu thuật sửa chữa van hai lá, bác sĩ có thể thực hiện các động tác sau:
- Vá các lỗ thủng trên van tim.
- Khâu lại các lá van.
- Cắt bỏ bớt mô thừa của lá van để làm van đóng kín.
- Sửa chữa cấu trúc của van hai lá bằng cách thay thế dây chằng nhân tạo.
- Tách rời các lá van đã bị dính nhau.
Các kỹ thuật khác sửa chữa van hai lá bao gồm:
- Tạo hình vòng van: Bác sĩ thu nhỏ vòng van trên một vòng van nhân tạo. Thủ thuật này có thể được thực hiện độc lập hoặc kết hợp với các kỹ thuật khác để sửa chữa van tim.
- Tạo hình van tim: Còn được biết đến là thủ thuật nong van bằng bóng cho van bị hẹp. Thủ thuật này sử dụng ống thông có bóng ở đầu, được đưa từ động mạch ở cánh tay hoặc đùi đến van hai lá để nong rộng lỗ van bị hẹp.
- Kẹp van hai lá: Bác sĩ đưa một ống thông với kẹp (clip) từ động mạch đùi và sử dụng kẹp để cố định lá van hai lá bị đứt dây chằng hoặc hở. Kỹ thuật này áp dụng cho bệnh nhân không thuận lợi để mổ.
3.2 Thay van hai lá
Trong quá trình thay thế van hai lá, bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ van hai lá cũ và thay thế bằng van cơ học hoặc van sinh học (van từ mô tim động vật như bò, lợn, hoặc người).
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể thực hiện thủ thuật qua đường ống thông để đặt van thay thế vào van sinh học không còn hoạt động bình thường, được gọi là thủ thuật thay van trong van.
4. Quá trình chăm sóc sau khi phẫu thuật
Sau khi phẫu thuật sửa và thay van hai lá, thông thường bệnh nhân sẽ cần nằm trong Phòng Chăm sóc Đặc biệt (ICU) ít nhất một ngày hoặc thậm chí lâu hơn. Thời gian bệnh nhân ở lại ICU và bệnh viện sẽ phụ thuộc vào tình trạng cụ thể của bệnh nhân và loại phẫu thuật đã được thực hiện.
Trong quá trình phục hồi tại bệnh viện, bệnh nhân sẽ được khuyến khích:
- Tăng dần cường độ hoạt động.
- Đi bộ ngày càng nhiều hơn trong khu vực bệnh viện.
- Thực hiện các bài tập thở.
Bác sĩ sẽ hướng dẫn cách khôi phục sức khỏe sau phẫu thuật đúng cách cho bệnh nhân, bao gồm:
- Cách chăm sóc vết mổ.
- Kê đơn thuốc và hướng dẫn sử dụng thuốc.
- Cách kiểm soát cơn đau và nhận biết tác dụng phụ có thể xảy ra.
- Nhận biết các dấu hiệu, triệu chứng của nhiễm trùng và hướng dẫn khi nào bệnh nhân nên liên hệ với bác sĩ.
Sau khi sửa và thay van hai lá, bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân từng bước quay trở lại hoạt động hàng ngày một cách an toàn, bao gồm công việc, lái xe và tập thể dục.
5. Kết quả của phẫu thuật
Phẫu thuật sửa và thay van hai lá có thể giúp giảm bớt triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người mắc bệnh van hai lá.
Trong trường hợp bệnh nhân đã thay thế van hai lá bằng van cơ học, bệnh nhân có thể cần phải sử dụng thuốc làm loãng máu suốt đời để ngăn chặn hình thành cục máu đông. Van mô sinh học có thể bị thoái hóa theo thời gian và thường cần được thay thế.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ đóng vai trò quan trọng, đảm bảo van mới hoặc van đã được sửa chữa vẫn hoạt động đúng cách. Bác sĩ có thể đề xuất bệnh nhân tham gia chương trình hồi phục chức năng tim, bao gồm các buổi cung cấp kiến thức và hướng dẫn tập thể dục an toàn, hỗ trợ phục hồi sau phẫu thuật tim.
Xây dựng một lối sống lành mạnh giúp bảo vệ tốt sức khỏe tim mạch cả trước và sau phẫu thuật sửa và thay van hai lá. Lối sống lành mạnh bao gồm:
- Không hút thuốc.
- Thực hiện tập thể dục đều đặn.
- Duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh.
- Quản lý mức căng thẳng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.