Sữa mẹ là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng tốt nhất cho sự phát triển của trẻ nhỏ. Sữa mẹ dễ đổi màu tùy thuộc vào thức ăn các mẹ ăn hàng ngày. Nhiều mẹ bỉm sữa thắc mắc rằng liệu màu sắc sữa có liên quan tới chất lượng của sữa không, và sữa mẹ màu vàng có tốt không?
1. Sữa mẹ màu vàng có tốt không?
Hiện tượng sữa mẹ màu vàng rất thường gặp. Rất nhiều bà mẹ khi gặp tình trạng này đều thắc mắc rằng sữa mẹ màu vàng có tốt không? Tại sao sữa lại có màu vàng mà không phải là màu trắng như bình thường? Trên thực tế, sữa mẹ khi có màu vàng nhạt, vàng đục, vàng cam thường được mọi người gọi là sữa non. Loại sữa này thường xuất hiện trong giai đoạn cuối thai kỳ và một vài ngày đầu tiên sau khi phụ nữ sinh con.
2. Vì sao sữa mẹ lại có màu vàng?
Beta-caroten có trong sữa non là nguyên nhân chủ yếu khiến sữa non có màu vàng. Theo các chuyên gia, sữa non thường rất ít nhưng rất bổ dưỡng, chứa nhiều kháng thể, lợi khuẩn như IgG, IgA, IgF,... có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch và giúp bảo vệ đường tiêu hóa của trẻ.
Immunoglobulin A (IgA) có tác dụng giúp bé chống lại nhiễm trùng. IgA cũng được coi là một loại thuốc nhuận tràng tự nhiên giúp ngăn ngừa bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh bằng cách loại bỏ phân su (phân sệt và đen) trong cơ thể bé.
Ngoài ra, sữa non còn chứa nhiều tế bào miễn nhiễm và ít mỡ tự nhiên. Vì vậy, thắc mắc của các mẹ “sữa mẹ màu vàng có tốt không?” đã có câu trả lời là “có”.
Nếu so về giá trị dinh dưỡng thì lượng đạm của sữa mẹ màu vàng đục so với sữa trưởng thành (màu trắng trong, trắng đục).
Chính vì vậy, bác sĩ thường khuyến khích sau khi sinh xong mẹ nên cho trẻ bú ngay trong vòng 1 giờ để con có thể được hấp thụ toàn bộ những dinh dưỡng tốt nhất, đáp ứng sự phát triển toàn diện của cơ thể, ngoài ra còn rất tốt cho mẹ trong việc tạo điều kiện để tử cung được co hồi, hạn chế tình trạng mất máu và còn tạo kích thích cho sự bài tiết sữa.
Bởi vì chứa nhiều dinh dưỡng nên trong các sản phẩm sữa công thức thường được bổ sung thành phần là sữa non.
3. Lưu ý khi cho trẻ bú
Khi cho con bú, mẹ nên bế thẳng người bé lên sao cho ba điểm tai - vai - hông của bé thành một đường thẳng, bé nằm nghiêng đối diện với bầu ngực của mẹ sao cho bụng bé chạm bụng mẹ, mặt của bé chạm ngực mẹ. Khi môi của bé chạm vào vú mẹ, mẹ có thể đợi cho bé mở miệng rộng rồi mới đưa núm vú để bé có thể ngậm bú một cách thoải mái và dễ dàng.
Mẹ nên cho bé bú ngay khi vừa ra đời. Với những bà mẹ mới sinh con lần đầu, việc cho vú đôi khi còn gặp chút lúng túng, tuy nhiên mẹ chỉ cần giữ cho tâm trạng và tư thế của hai mẹ con thoải mái và thao tác chậm rãi, từ từ.
4. Sữa mẹ đặc hay loãng thì tốt hơn?
Sữa mẹ đặc
Sữa mẹ đặc sẽ có màu trắng đục hoặc trắng ngà hoặc màu vàng nhạt. Khi lưu trữ sữa mẹ đặc trong ngăn đông hoặc ngăn mát của tủ lạnh, bạn sẽ thấy một lớp váng chất béo dày nổi lên lớp trên cùng. Sữa non cũng có kết cấu đặc sánh, là nguồn dinh dưỡng bổ dưỡng đối với trẻ.
Các tác dụng của sữa mẹ đặc đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ:
- Sữa mẹ đặc, nhất là ở những ngày đầu sau sinh có chứa nhiều protein, trong đó 50% hàm lượng protein là các globulin miễn dịch (đa phần là IgA) có tác dụng chống lại các vi khuẩn, virus gây bệnh, giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ trước các bệnh thông thường và bệnh tim mạch.
- Trong vòng ít nhất 6 tháng đầu, cho trẻ bú sữa mẹ đặc sẽ giúp trẻ tránh được nguy cơ mắc các loại bệnh cấp tính và mãn tính chẳng hạn như tiêu chảy, nhiễm trùng đường hô hấp,...
Sữa mẹ loãng
Thông thường, sữa mẹ loãng có màu trắng trong gần giống với màu trắng của nước vo gạo, đây cũng là dấu hiệu để nhận biết sữa trưởng thành tiết ra sau sữa non. Tình trạng sữa mẹ loãng thường gặp ở hầu hết các bà mẹ đang cho con bú.
Nhiều mẹ nghĩ rằng: sữa loãng màu trắng trong không đủ dinh dưỡng cho trẻ, tuy nhiên các chuyên gia cho biết các chất dinh dưỡng trong sữa mẹ loãng không thay đổi, vẫn đảm bảo cung cấp đủ chất cho trẻ.
5. Làm thế nào để sữa mẹ đủ dinh dưỡng cho trẻ?
Để sữa mẹ luôn đặc, mát, giúp con tăng cân thì các mẹ cần chú ý những điều sau:
- Đảm bảo chế độ dinh dưỡng hàng ngày của m: Mẹ cần bổ sung các loại thực phẩm sau:
- Rau xanh, trái cây: Trong rau xanh, trái cây không chỉ giúp sữa mẹ mát mà trong rau củ có nguồn dinh dưỡng thiết yếu, hỗ trợ bổ sung vitamin, chất xơ cho cơ thể.
- Protein: nguồn thực phẩm giàu protein, i-ốt, đạm, DHA mà mẹ nên bổ sung cho sữa tốt chính là thịt, cá. Mẹ sau khi sinh nên bổ sung protein thông qua việc ăn xen kẽ thịt, cá mỗi tuần.
- Canxi: khoáng chất này cần được mẹ chú trọng tăng cường trước, trong và sau khi sinh để hệ xương của bé phát triển và phòng chống loãng xương cho mẹ sau này. Các mẹ có thể bổ sung canxi thông qua chế độ ăn hàng ngày, uống thêm sữa hoặc sử dụng viên uống bổ sung canxi.
- Nước: việc uống đủ nước tối thiểu 2.5 lít nước, tương ứng từ 8 - 10 cốc mỗi ngày rất quan trọng để đảm bảo đủ nước cho cơ thể mẹ và đủ lượng sữa cho con bú. Mẹ có thể uống sữa.
- Cho bé bú đều đặn hoặc vắt sữa theo cữ: Để cải thiện chất lượng nguồn sữa thì việc cho bé bú đều đặn đóng vai trò vô cùng quan trọng. Ngay cả khi sữa mẹ ít vẫn nên duy trì điều này để cho tuyến sữa được kích thích. Nếu các mẹ phải xa con trong khoảng thời gian từ 6 tiếng trở lên thì nên dùng máy để hút sữa ra.
- Chế độ nghỉ ngơi khoa học: Sức khỏe của mẹ cũng sẽ ảnh hưởng tới chất lượng sữa cho con bú. Vì vậy, mẹ cần có chế độ nghỉ ngơi, thư giãn, ngủ đủ giấc từ 6 - 8 tiếng mỗi ngày, giữ tâm lý thoải mái, tập thể thao vừa sức, tránh căng thẳng mệt mỏi.
Trên đây là những chia sẻ, giải đáp thắc mắc cho các mẹ câu hỏi sữa màu vàng có tốt không, đồng thời giúp các mẹ nhận biết và hiểu rõ hơn về vai trò sữa mẹ, giai đoạn màu sữa. Khi cần tư vấn hoặc đặt lịch, hãy gọi cho Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec theo số hotline để được hỗ trợ tốt nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.