Dù có sự tương đồng giữa các dấu hiệu rối loạn nhịp tim và rối loạn lo âu, tuy nhiên bạn cần biết cách phân biệt chúng về nguyên nhân và tính chất của từng bệnh lý để có hướng điều trị hiệu quả nhất.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của bác sĩ CK2 Nguyễn Thị Như Hà, chuyên ngành Hồi sức ngoại tim mạch, tại Vinmec Central Park
Trong cuộc sống hiện tại, mỗi con người chịu nhiều áp lực từ công việc, gia đình, xã hội. Do vậy làm cho chúng ta trở nên rất căng thẳng. Từ đó, căng thẳng hoặc lo lắng có thể gây ra những ảnh hưởng về thể chất lẫn tinh thần như đột nhiên bạn cảm giác hồi hộp tim đập mạnh hoặc tim đập nhanh .
Theo các nghiên cứu, những triệu chứng căng thẳng phổ biến đó cũng có thể là dấu hiệu rối loạn nhịp tim, trong đó có thể là chứng rung tâm nhĩ (AFib) mà rối loạn nhịp này có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nếu không được điều trị.
Mặc dù bản thân căng thẳng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn theo nhiều cách khác nhau, nhưng điều quan trọng là phải nhận biết liệu các triệu chứng và điểm khác nhau giữa căng thẳng, lo lắng hay rối loạn nhịp tim là gì?
1. Để hiểu lý do tại sao, trước tiên cần biết những điều cơ bản về rung tâm nhĩ (AFib)
1.1. Rối loạn nhịp tim là gì?
Rung nhĩ (AFib) là một loại rối loạn nhịp tim phổ biến, khi tim bạn sử dụng tín hiệu điện để điều chỉnh từng nhịp đập nhưng lại có một số vấn đề nhất định. Ở những người bị AFib, những tín hiệu này phát ra thất thường. Điều này khiến hai buồng trên của tim đập không đồng bộ.
Các triệu chứng của bệnh rối loạn nhịp tim, có thể xảy ra thường xuyên hoặc thỉnh thoảng, bao gồm:
● Nhịp tim bị bỏ qua hoặc trật nhịp thông thường
● Mệt mỏi (mệt mỏi cực độ)
● Chóng mặt
● Hụt hơi
● Đau ngực/Nặng ngực
Nếu không điều trị, AFib có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như suy tim và đột quỵ. Về điều trị, có một số phương pháp như dùng thuốc điều trị chống loạn nhịp tim, can thiệp hoặc phẫu thuật - phục hồi nhịp tim bình thường sẽ giúp kiểm soát triệu chứng và giảm nguy cơ xảy ra biến chứng tệ hơn.
1.2. Rối loạn lo âu và Rối loạn nhịp tim: Sự khác biệt là gì?
Cảm xúc và sức khỏe tinh thần (rối loạn lo âu) có thể ảnh hưởng đến nhịp tim và nhịp điệu của nó. Điều này liên quan đến phản ứng “chiến đấu hoặc bỏ chạy” của cơ thể con người. Khi bạn căng thẳng hoặc lo lắng, cơ thể bạn sẽ tiết ra adrenaline (một loại hormone) giúp cơ thể bạn sẵn sàng ứng phó với thử thách như : nhịp tim và nhịp thở của bạn tăng lên, đồng tử của bạn giãn ra - điều này có thể giống như các triệu chứng của AFib.
Có thể khó phân biệt được sự khác biệt giữa những thay đổi này và dấu hiệu của rối loạn nhịp tim - đặc biệt vì căng thẳng có thể gây ra các triệu chứng của AFib. Bạn có nhiều khả năng gặp phải các triệu chứng căng thẳng hoặc lo lắng khi đang có những cảm xúc mạnh mẽ, trong khi bạn có thể gặp phải AFib vào những thời điểm khác.
Các giai đoạn rối loạn nhịp tim cũng có thể bắt đầu đột ngột, trong khi rối loạn lo âu có thể hình thành dần dần. Đó là lý do tại sao cách tốt nhất để biết liệu các triệu chứng của bạn có phải do AFib gây ra hay không là phải do thăm khám kỹ lưỡng từ bác sĩ và các chuyên gia.
Nếu bạn gặp các triệu chứng AFib, hãy nói với bác sĩ của bạn. Họ có thể giới thiệu bạn đến một chuyên gia, chẳng hạn như các nhà điện sinh lý tim có kinh nghiệm tại các chương trình nghiên cứu Rối loạn nhịp tim, để tìm hiểu nguyên nhân có thể gây ra triệu chứng hiện tại của bạn.
Bác sĩ thường yêu cầu các xét nghiệm chẩn đoán, chẳng hạn như điện tâm đồ, đôi khi được gọi là EKG hoặc ECG. Xét nghiệm không xâm lấn này ghi lại hoạt động điện của tim, có thể cho biết nhịp tim có vấn đề hay không.
Bệnh nhân có thể cần các xét nghiệm bổ sung, bao gồm nghiên cứu điện sinh lý, để giúp tìm hiểu xem họ có bị AFib hay không.
1.3. Nên giữ bình tĩnh cho tinh thần và trái tim của bạn
Cho dù các triệu chứng của bạn là do Afib, căng thẳng hay cả hai gây ra, việc giảm mức độ căng thẳng có thể có tác động tích cực đến sức khỏe chung và tim mạch của bạn. Dưới đây là một số kinh nghiệm có thể giúp bạn giảm căng thẳng và lo lắng mà mọi người có thể tham khảo và áp dụng:
● Thường xuyên vận động: Tập thể dục có thể nâng cao tinh thần của bạn và giảm căng thẳng. Đi bộ thường là một hình thức tập thể dục tốt cho những người đang chữa và dùng thuốc điều trị loạn nhịp tim.
● Hãy thử các bài tập về tinh thần: Các hoạt động như yoga, thiền hay hít thở sâu giúp nhiều người thư giãn và đối phó với căng thẳng.
● Dành thời gian mỗi ngày cho các hoạt động bạn yêu thích: Bạn biết rõ nhất điều gì mang lại cho bạn cảm giác vui vẻ, bình yên và thư giãn. Đó có thể là dành một vài phút để thực hiện một sở thích, đọc sách, nghe nhạc, thực hiện một dự án nghệ thuật, tắm nước ấm hoặc xem một số video hài hước trên điện thoại, tuy nhiên vẫn nên nhớ vận động thể thao xen kẽ nhé.
● Ưu tiên giấc ngủ ngon: Đi ngủ đủ sớm để cơ thể của bạn có thể nghỉ ngơi ít nhất 7 tiếng. Để giúp chuẩn bị tinh thần và cơ thể cho giấc ngủ, hãy thiết lập thói quen thư giãn. Ví dụ: giảm ánh sáng trong nhà và hạn chế sử dụng TV, máy tính hoặc điện thoại thông minh khi sắp đến giờ đi ngủ. Bạn có thể đối phó với căng thẳng tốt hơn khi không mệt mỏi.
● Hãy yêu cầu giúp đỡ khi bạn có quá nhiều việc phải làm: Bạn có quá nhiều việc phải làm và có quá ít thời gian để làm việc đó? Đó là nguyên nhân phổ biến gây căng thẳng và lo lắng. Đừng ngần ngại yêu cầu giúp đỡ trong các công việc ở cơ quan và ở nhà từ đồng nghiệp và gia đình.
● Ăn thực phẩm có lợi cho tim: Một chế độ ăn uống bổ dưỡng không chỉ giúp bạn kiểm soát bệnh rối loạn nhịp tim mà còn giúp bạn đối phó với căng thẳng tốt hơn.