Sử dụng thuốc giảm đau dạ dày an toàn

Việc sử dụng thuốc giảm đau dạ dày luôn cần thiết để cải thiện triệu chứng. Tuy nhiên, để điều trị đạt được hiệu quả cao và hạn chế tác dụng phụ, người bệnh cần sử dụng thuốc giảm đau dạ dày một cách an toàn.

1. Các loại thuốc giảm đau dạ dày

1.1. Thuốc trung hòa acid dạ dày

Thuốc trung hòa acid dạ dày là loại thuốc uống không kê toa giúp giải quyết nhanh chóng các triệu chứng ợ nóng mà thường gặp ở bệnh trào ngược dạ dày thực quản hoặc cảm giác khó tiêu. Điều trị đau dạ dày bằng thuốc kháng đơn độc phù hợp với triệu chứng nhẹ.

Thuốc trung hòa acid dạ dày gồm nhiều loại khác nhau như thuốc đối kháng thụ thể H2 hoặc ức chế bơm proton, lưu ý các thuốc này không tiêu diệt Helicobacter pylori - loại vi khuẩn chủ yếu gây ra viêm loét dạ dày tá tràng.

Uống thuốc đau dạ dày đúng liều lượng theo chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ hoặc khuyến cáo trong hướng dẫn sử dụng. Nếu quên liều thì cần uống sớm nhất có thể và không được tự ý tăng gấp đôi liều. Cần nhai thật kỹ đối với loại viên nhai để hiệu quả giảm đau nhanh hơn, sau đó uống nước lọc làm sạch miệng. Đối với dạng thuốc lỏng thì cần lắc đều thuốc trước khi dùng và không nên uống chung với các đồ uống khác vì có thể làm giảm hiệu lực của thuốc.


Người bệnh cần sử dụng thuốc giảm đau dạ dày một cách an toàn.
Người bệnh cần sử dụng thuốc giảm đau dạ dày một cách an toàn.

Thời điểm tốt để uống thuốc trung hòa acid là ngay sau bữa ăn hoặc khi có cơn đau vùng thượng vị. Nên dùng thuốc trung hòa acid cách xa ít nhất 2 giờ trước hoặc sau khi uống các thuốc kết hợp khác như thuốc kháng H2, kháng sinh nhóm Fluoroquinolone, kháng sinh nhóm Cycline, Digoxin, muối sắt để tránh vấn đề tương tác thuốc.

1.2. Thuốc ức chế bơm proton (PPIs)

Thuốc ức chế bơm proton (PPIs) có tác dụng chính là giảm sản xuất dịch vị dạ dày kéo dài. Không có bằng chứng rõ ràng hay ghi nhận một thuốc nào có hiệu quả hơn thuốc khác trong nhóm thuốc này hoặc có thể phối hợp và thay thế với mục đích tác dụng khác nhau phần lớn các nhóm thuốc với tác dụng tương tự. Một số thuốc giảm đau dạ dày cấp tốc hiện đang dùng rất phổ biến như Lansoprazole, Dexlansoprazole, Omeprazole, Esomeprazole, Rabeprazole, Pantoprazole.

Thuốc được bào chế dưới dạng viên nén hay viên nang bao tan trong ruột do các PPIs là tiền thuốc và không bền trong môi trường acid, vì vậy phải uống nguyên viên, không nên nhai, bẻ nhỏ hay nghiền nát trước khi uống. Uống trước khi ăn 30 phút để thuốc có thời gian hấp thụ và hoạt hóa thành chất có tác dụng giảm đau dạ dày.

1.3. Thuốc kháng thụ thể H2

Nhóm thuốc chẹn H2 ngăn cản sự tiết acid dịch vị khi ức chế cạnh tranh với histamin tại thụ thể H2 của tế bào. Nhóm này cũng có tác dụng làm liền các vết loét dạ dày và tá tràng cũng như làm giảm bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Một số thuốc thường sử dụng như Famotidine, Nizatidine, Cimetidine, Ranitidine.

Nhóm thuốc kháng thụ thể H2 ít được ứng dụng trên lâm sàng hơn so với nhóm PPIs vì hiệu quả ức chế dịch vị không hoàn toàn của nó sau bữa ăn còn hạn chế. Ngoài ra do thời gian tác dụng ngắn nên cần uống nhiều lần của loại thuốc này trong ngày theo chỉ dẫn của bác sĩ điều trị.

Nhóm thuốc kháng H2 thế hệ thứ nhất cụ thể là Cimetidine có tác dụng phụ tiêu chảy, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn và có thể gây tình trạng vú to có hồi phục hoặc rối loạn cương dương ở nam giới nếu dùng lâu ngày. Các thuốc thế hệ mới sau này thì ít gây tác dụng phụ hơn và dĩ nhiên cũng có tác dụng giảm đau dạ dày mạnh hơn Cimetidine.

Dùng thuốc kháng thụ thể H2 kết hợp với kháng sinh khi điều trị loét dạ dày tá tràng có Helicobacter pylori dương tính có thể làm vết loét liền nhanh và ngăn chặn tái phát. Các trường hợp rối loạn tiêu hoá như đầy bụng, khó tiêu, ợ nóng, ợ chua mà chưa chẩn đoán được nguyên nhân cũng có thể điều trị bằng kháng thụ thể H2 ở người trẻ nhưng cần thận trọng hơn ở người già vì có thể do ung thư dạ dày.


Thuốc giảm đau dạ dày giúp giảm các chứng đầy bụng, khó tiêu, ợ nóng, ợ chua...
Thuốc giảm đau dạ dày giúp giảm các chứng đầy bụng, khó tiêu, ợ nóng, ợ chua...

1.4. Thuốc tăng cường bảo vệ niêm mạc dạ dày

  • Sucralfate

Sucralfate là muối nhôm của Sulfat disacaride được bán dưới nhiều tên thương hiệu khác nhau. Sucralfate là phức hợp các protein của dịch rỉ kết dính với ổ loét tạo thành một hàng rào ngăn cản tác dụng của acid, pepsin, mật. Muối nhôm của sulfat disacaride cũng gây ức chế hoạt động của pepsin làm tăng sản xuất prostaglandin E2 và dịch nhầy dạ dày, rất hiệu quả trong điều trị loét dạ dày, bệnh trào ngược dạ dày thực quản, viêm ruột phóng xạ, viêm dạ dày và ngăn ngừa loét do căng thẳng. Uống sucralfate lúc bụng đói, không nên uống trong lúc ăn để có tác dụng bao niêm mạc tốt hơn. Đối với những bệnh nhân loét dạ dày tá tràng có phối hợp nhiều thuốc thì chú ý không được uống thuốc cùng lúc với antacid, lý do antacid ảnh hưởng đến sự gắn vào của sucralfate lên niêm mạc dạ dày. Chính vì thế, bạn nên uống antacid trước hoặc sau khi uống sucralfate khoảng 30 phút.

  • Bismuth

Bismuth là thuốc giảm đau dạ dày không có tác dụng đối với niêm mạc dạ dày bình thường mà có ái lực bao phủ chọn lọc lên đáy ổ loét dạ dày. Ngoài ra, Prostaglandin là yếu tố bảo vệ niêm mạc và tăng tiết nhầy góp phần tiêu diệt vi khuẩn H. pylori bị kích thích tiết ra bởi Bismuth. Cần uống Bismuth trước khi ăn từ 15 đến 30 phút và nên uống với nhiều nước khi điều trị các bệnh lý về đường tiêu hóa.

2. Điều trị đau dạ dày bằng các phương thuốc dân gian

2.1. Nghệ và mật ong

Curcumin chiếm 0,3% khối lượng củ nghệ có tác dụng ức chế vi khuẩn HP, làm giảm tiết dịch vị, tăng tiết chất nhầy giúp phục hồi nhanh tình trạng viêm loét dạ dày cũng như bảo vệ niêm mạc dạ dày. Nên sử dụng nghệ hằng ngày, có thể dùng nghệ tươi hoặc pha chế tinh bột nghệ với mật ong làm nước uống hay dạng viên tinh bột nghệ bằng cách trộn đều 120g bột nghệ tươi với 60g mật ong nguyên chất, mật ong rừng thì càng tốt. Vo tròn nghệ mật ong thành các viên nhỏ chừng 5g rồi bảo quản trong lọ thủy tinh.

Đối với tình trạng đau dạ dày nhẹ, bệnh mới phát thì uống 3 lần mỗi ngày, mỗi lần 3 viên trong 7-10 ngày là khỏi. Với đau dạ dày nặng uống 3 lần mỗi ngày, mỗi lần 3 viên liên tục từ 30-40 ngày hoặc đến khi khỏi bệnh.


Sử dụng nghệ và mật ong làm giảm tiết dịch vị.
Sử dụng nghệ và mật ong làm giảm tiết dịch vị.

2.2. Đậu rồng điều trị bệnh dạ dày

Đậu rồng là thực phẩm xanh giàu chất dinh dưỡng rất tốt cho cơ thể lại có tác dụng điều trị bệnh dạ dày rất hay. Men tiêu hóa và các thành phần như protit, gluxit, lipid và hàm lượng chất xơ cao trong hạt đậu rồng rất tốt cho sự tiêu hóa của dạ dày. Nhai và nuốt khoảng 12 hạt đậu rồng già hoặc đem pha bột đậu rồng với nước uống mỗi ngày trước khi ăn sáng. Trường hợp đau dạ dày nhẹ chỉ cần sử dụng đậu rồng khoảng 2 tuần sẽ thấy hiệu quả giảm đau rõ rệt. Nếu nặng hơn thì người bệnh cần kiên trì áp dụng trong một thời gian dài mới thấy kết quả hoặc đến gặp các chuyên gia tư vấn.

2.3. Nha đam kháng viêm

Glycoprotein là thành phần có trong nha đam, một chất kháng viêm tự nhiên giúp chống sưng, thu nhỏ vết loét và chữa lành tổn thương dạ dày. Nha đam cũng chứa nhiều acid amin, vitamin B, C, E giúp thanh nhiệt, giải độc, nhuận tràng, kích thích tiêu hóa, làm dịu kích ứng và giảm cảm giác đau rát vùng thượng vị.

Với 1 nhánh nha đam tươi đã gọt sạch vỏ rồi nạo gel nha đam ép lấy nước uống. Bạn cũng có thể cắt nhỏ nha đam thành hạt lựu, nấu chung với đường phèn chia làm 3 đến 4 lần dùng mỗi ngày.

Cách khác, kết hợp chung 5 lá nha đam xay nhuyễn với 1⁄2 lít mật ong có tác dụng bồi bổ sức khỏe, trung hòa acid dịch vị và làm dịu kích ứng ở niêm mạc, nhanh chóng cắt đứt cơn khó chịu dạ dày.

2.4. Gừng làm dịu cơn đau dạ dày

Gừng có vai trò làm dịu cơn đau dạ dày rất hiệu quả do có tác dụng kích thích tiêu hóa, kháng viêm, giảm đầy bụng, khó tiêu, chống buồn nôn, ức chế hoạt động co thắt của cơ trơn thành ruột. Gừng còn giúp làm giảm lượng acid dư thừa, tăng cường tưới máu đến nuôi dưỡng và tái tạo tổn thương ở lớp niêm mạc dạ dày ruột. Với củ gừng tươi đã cạo sạch vỏ rồi xay nhuyễn nấu với 200ml nước trong 5 phút, lọc lấy nước, sau đó quấy thêm 2 thìa mật ong nguyên chất vào, uống sau khi ăn sáng khoảng 30 phút.

Bài thuốc dân gian chữa đau dạ dày từ gừng mặc dù đơn giản, an toàn nhưng không phải ai cũng áp dụng được, nhất là với những người có biểu hiện bị xuất huyết dạ dày như nôn ra máu hoặc tiêu phân đen do gừng có thể làm tăng tình trạng chảy máu. Ngoài ra, cũng không nên dùng gừng đối với người đang bị sốt cao hoặc cảm nắng.


Gừng có vai trò làm dịu cơn đau dạ dày rất hiệu quả
Gừng có vai trò làm dịu cơn đau dạ dày rất hiệu quả

Có rất nhiều cách để giảm đau dạ dày, có thể áp dụng các phương thuốc dân gian điều trị những cơn đau thoáng qua do ăn uống không điều độ hoặc stress gây mất cân bằng dịch vị dạ dày. Tuy nhiên, bạn không nên chủ quan, vì đau dạ dày dai dẳng sẽ có những biến chứng rất nguy hiểm, do đó khi có các triệu chứng, bạn nên đến chuyên khoa Tiêu hóa để được bác sĩ thăm khám, điều trị và giảm khó chịu dạ dày, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe