Có thể giảm đau bụng kinh bằng thuốc?

Thuốc giảm đau bụng kinh là giải pháp cải thiện tình trạng đau xuất hiện ở vùng thắt lưng hoặc bụng của phụ nữ trong chu kỳ kinh nguyệt. Đau bụng kinh còn được gọi là thống kinh. Hiện nay có hai loại thống kinh là thống kinh nguyên phát và thống kinh thứ phát, nhưng cả 2 tình trạng này đều không được tuỳ tiện sử dụng thuốc để giảm đau khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ khoa Sản Phụ Khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

1. Thuốc giảm đau bụng kinh là gì?

Thuốc giảm đau bụng kinh được dùng trong trường hợp phụ nữ cảm thấy đau bụng nghiêm trọng trong kỳ kinh nguyệt. Những cơn đau nhẹ có thể chịu đựng hoặc khắc phục bằng các biện pháp không dùng thuốc. Tuy nhiên, khi những cơn đau bụng trở nên dữ dội, liên tục và kéo dài, việc sử dụng thuốc là cần thiết để giảm bớt đau đớn. 

Trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa chứ không tự ý dùng thuốc mà chưa có chỉ định.
Trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa chứ không tự ý dùng thuốc mà chưa có chỉ định.

Các thuốc giảm đau bụng kinh thường hoạt động theo hai cơ chế chính:

Thứ nhất, các loại thuốc này sẽ giúp làm giãn cơ tử cung, giúp giảm co thắt và từ đó giảm đau.  

Thứ hai, thuốc sẽ ức chế sự tổng hợp của prostaglandin, đây là những chất hóa học trong cơ thể gây ra các cơn co thắt tử cung, giảm các cơn đau bụng kinh

2. Có nên sử dụng thuốc giảm đau bụng kinh không?

Có nên sử dụng thuốc giảm đau bụng kinh không là câu hỏi thường gặp ở chị em phụ nữ khi họ phải trải qua các cơn đau trong thời gian hành kinh. Mức độ đau bụng kinh có thể khác nhau tùy vào cơ địa mỗi người, từ không đau hoặc chỉ đau nhẹ ở vùng bụng dưới, cho đến đau dữ dội và kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt hằng ngày.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, chị em chỉ nên sử dụng thuốc khi các biện pháp tự nhiên không mang lại hiệu quả. Phần lớn các loại thuốc giảm đau bụng kinh đều có tác dụng làm giãn cơ tử cung để giảm co thắt, và ức chế sự tổng hợp của prostaglandin, là nguyên nhân chính gây ra đau bụng khi hành kinh. Tuy nhiên, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, chị em nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ để đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Cơn đau bình thường bắt đầu từ 1-2 ngày trước kỳ kinh hoặc ngay khi kinh nguyệt xuất hiện, kéo dài từ 48-72 giờ và có thể kèm theo các triệu chứng như mệt mỏi, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau lưng hoặc đùi.  

Nếu cơn đau xuất hiện quá sớm, kéo dài hơn bình thường hoặc đặc biệt đau dữ dội, điều này có thể là dấu hiệu của các bệnh lý phụ khoa như u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, hoặc ung thư tử cung. Trong những trường hợp này, chị em cần đi khám tại cơ sở y tế ngay lập tức để được chẩn đoán chính xác và có hướng điều trị phù hợp, nhằm bảo vệ sức khỏe và khả năng sinh sản trong tương lai.

3. Một số nhóm thuốc làm giảm đau bụng kinh

Thuốc giảm đau bụng kinh có thể được phân loại thành các nhóm chính dựa trên cơ chế tác động:

Thuốc chống co thắt hướng cơ: Nhóm này bao gồm các loại thuốc như dipropylin, alverin, drotaverin, có hiệu quả trong việc làm giãn cơ tử cung, từ đó giúp giảm cơn đau bụng kinh.

Thuốc nội tiết tố sinh dục nữ: Các loại thuốc trong nhóm này thường chứa các hormone như estrogenprogesteron hoặc các dẫn chất của progesteron (như dydrogesterone và lynestrenol). Chúng không chỉ giúp điều hòa chu kỳ kinh nguyệt mà còn có thể được sử dụng như một phương pháp giảm đau hiệu quả. Việc sử dụng thuốc tránh thai cũng là một lựa chọn phổ biến để giảm đau bụng kinh.

Thuốc ức chế prostaglandin: Đây là nhóm thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), bao gồm các loại như Diclofenac, Ibuprofen, Naproxen và Acid Mefenamic. Những thuốc này giúp giảm đau bằng cách ức chế sự sản xuất prostaglandin, làm giảm co thắt tử cung. Nhóm thuốc này thường được khuyến nghị cho phụ nữ chưa quan hệ tình dục.

4. Các loại thuốc làm giảm đau bụng kinh thường gặp

Các loại thuốc giảm đau bụng kinh thường dùng bao gồm:

4.1 Cataflam

Đây là loại thuốc giảm đau không steroid của Diclofenac, với thành phần chính là natri. Sử dụng Cataflam trong thời gian dài với liều lượng cao có thể gây ra các tác dụng phụ như viêm loét đường tiêu hóa, tăng men gan, suy giảm chức năng thận, cũng như các biến chứng như buồn nôn, tiêu chảy, đau vùng thượng vị.  

Cataflam không được sử dụng chung với các thuốc chống viêm không steroid khác như Aspirin, các thuốc chống đông máu như Heparin, Ticlopidin. Thuốc không được chỉ định cho người có tiền sử viêm loét dạ dày, tá tràng, bệnh hen suyễn, suy gan thận nặng hoặc những người mẫn cảm với thuốc. 

Thuốc giảm đau bụng kinh Cataflam
Thuốc giảm đau bụng kinh Cataflam

4.2 Mefenamic acid

Đây cũng là một loại thuốc giảm đau không steroid. Khi sử dụng Mefenamic acid, mọi người cần lưu ý không dùng quá 7 ngày. Thuốc có thể gây ra các triệu chứng như buồn ngủ, chóng mặt, rối loạn tiêu hóa, mẩn ngứa, giảm tiểu cầu và thiếu máu tán huyết. Người có tiền sử động kinh, người dùng thuốc trong tình trạng cơ thể mất nước cần cẩn trọng khi dùng thuốc.

Mefenamic acid chống chỉ định sử dụng chung với các thuốc chống viêm không steroid khác như Aspirin, thuốc chống đông máu như Curamin. Người có tiền sử viêm loét dạ dày, bệnh hen, phụ nữ có thai, người mẫn cảm với thuốc cũng không nên sử dụng loại thuốc này.

4.3 Hyoscinum

Hyoscinum là một loại thuốc chống co thắt hướng cơ, hoạt động bằng cách làm tê liệt giao cảm, thường được dùng để giảm đau do co thắt, điển hình là đau bụng trong kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, sử dụng thuốc Hyoscinum có thể gặp phải một số tác dụng phụ như khô miệng, tim đập nhanh, bí tiểu và dị ứng da. Thuốc này không được khuyến cáo cho người bị glaucoma, rối loạn niệu đạo tiền liệt tuyến hoặc người bị hẹp môn vị.

4.4 Alverin

Cũng là một loại thuốc chống co thắt hướng cơ, Alverin giảm đau bằng cách ức chế co thắt do acetylcholine. Loại thuốc này thường được dùng trong điều trị đau bụng kinh, các trường hợp đau do co thắt nhưng chống chỉ định cho người huyết áp thấp

Thuốc giảm đau bụng kinh Alverin
Thuốc giảm đau bụng kinh Alverin

Cataflam và Mefenamic acid tuy được dùng rộng rãi nhưng có thể gây ra nhiều tác dụng phụ. Người dưới 16 tuổi không được khuyến cáo sử dụng hai loại thuốc này.  

Hyoscinum và Alverin được coi là an toàn hơn và hiệu quả trong việc giảm đau bụng kinh với ít tác dụng phụ hơn. Hai loại thuốc này cũng có thể dễ dàng mua được dưới dạng thuốc gốc, vừa kinh tế vừa hiệu quả.

Tuy nhiên, đau bụng kinh có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau tùy theo độ tuổi và tình trạng sức khỏe. Do đó, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc giảm đau bụng kinh nào, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để được khám và điều trị phù hợp, tránh tự ý dùng thuốc mà chưa có chỉ định.

​​5.Những phương pháp giúp giảm đau bụng kinh khác

Thuốc giảm đau bụng kinh là phương pháp hỗ trợ quan trọng, nhưng để quản lý và cải thiện triệu chứng đau bụng kinh hiệu quả, chị em cũng cần thực hiện các thay đổi về lối sống và chế độ sinh hoạt. Các biện pháp này bao gồm:

  • Chế độ ăn uống khoa học: Nên ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung các nhóm chất như vitamin A, E, B6, B12, magie, sắt, và kali. Tránh ăn thực phẩm cay nóng, chứa nhiều dầu mỡ hoặc thực phẩm chế biến sẵn. Ngoài ra, chị em nên hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu bia và caffeine.
  • Tập luyện thể dục thể thao điều độ: Lựa chọn các bộ môn nhẹ nhàng và phù hợp với thể trạng, đặc biệt là trong những ngày hành kinh. Việc tập luyện không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh mà còn hỗ trợ giảm các triệu chứng đau bụng kinh.
  • Nghỉ ngơi hợp lý: Ngủ đủ giấc và duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh là rất quan trọng. Chị em có thể áp dụng các phương pháp thư giãn như thiền hoặc yoga để giúp tinh thần thoải mái, từ đó giảm bớt sự khó chịu bởi triệu chứng đau.
  • Sử dụng túi chườm nóng hoặc miếng dán chuyên dụng: Đây là phương pháp hỗ trợ cải thiện cơn đau một cách hiệu quả.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe