Sử dụng thuốc điều trị cao huyết áp cho phụ nữ có thai

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Hoàng Thị Ánh Tuyết - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Cao huyết áp khi mang thai là tình trạng phổ biến với tỷ lệ gặp ở 10% phụ nữ mang thai lần đầu và 8% ở mọi lần mang thai. Sử dụng thuốc điều trị cao huyết áp cho phụ nữ có thai là biện pháp giúp trị bệnh hữu hiệu. Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc, thai phụ cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ vì một số loại thuốc có thể gây ra những tác dụng phụ khó lường cho cả mẹ và con.

1. Tổng quan về cao huyết áp thai kỳ

ình trạng tăng huyết áp xảy ra với tỷ lệ 10% thai kỳ lần đầu và 8% thai kỳ chung. Ở phụ nữ có thai bị cao huyết áp, thai nhi thường bị chậm phát triển, nhẹ cân, suy dinh dưỡng, thậm chí bị sinh non do đường truyền máu nuôi thai kém.

Khi khám thai định kỳ, bác sĩ sẽ kiểm tra huyết áp của thai phụ. Nếu huyết áp vượt ngưỡng 140/90 mmHg (huyết áp tâm thu/huyết áp tâm trương) thì được gọi là cao huyết áp.

Các hình thái cao huyết áp thai kỳ gồm:

  • Cao huyết áp mạn tính: Cao huyết áp xảy ra trước khi có thai nhưng chỉ được phát hiện khi khám thai định kỳ;
  • Tiền sản giật: Cao huyết áp được phát hiện lần đầu sau tuần lễ thứ 20 của thai kỳ với các biểu hiện phù, protein niệu. Tình trạng này có thể đe dọa tới tính mạng của cả mẹ và con nếu không được điều trị kịp thời do tiền sản giật chuyển sang cơn sản giật: thai phụ chuyển sang hôn mê do nhiễm độc máu tiến triển, gây biến chứng ở não (đau đầu, co giật), ở mắt (mờ mắt), ở gan (đau vùng bụng),... và dễ dẫn đến tử vong;

Tiền sản giật do cao huyết áp
Tiền sản giật do cao huyết áp
  • Cao huyết áp đơn thuần: Phát hiện sau tuần thứ 20 của thai kỳ nhưng không có biểu hiện của tiền sản giật. Tình trạng này cũng thường không cần phải điều trị vì huyết áp của phụ nữ mang thai sẽ trở về trạng thái bình thường sau khi sinh con.

2. Sử dụng thuốc điều trị cao huyết áp nào cho phụ nữ mang thai?

Dưới đây là các loại thuốc được ưu tiên lựa chọn trong điều trị cao huyết áp cho phụ nữ mang thai vì các thành phần của chúng đều an toàn, không gây tác dụng phụ cho thai phụ và thai nhi:

  • Methyldopa (aldomet): Là loại thuốc cao huyết áp tác động lên hệ thần kinh trung ương, được chỉ định điều trị cao huyết áp cho phụ nữ mang thai vì không tác động tiêu cực lên sự phân bố mạch máu tử cung - nhau thai và phôi thai. Thuốc Methyldopa thường được bào chế ở dạng viên với hàm lượng là 250mg hoặc 500mg. Tuy nhiên, người sử dụng thuốc cũng cần lưu ý đến một số tác dụng phụ của thuốc như buồn ngủ, chóng mặt và rối loạn chức năng gan;
  • Hydralazin (Apresoline): Là thuốc giãn mạch và giảm sức cản ngoại vi, có tác dụng hạ huyết áp, đặc biệt ở những thai phụ bị cao huyết áp nặng và tiền sản giật. Ở phụ nữ mang thai nên dùng thuốc Hydralazin trị cao huyết áp dưới dạng tiêm qua đường tĩnh mạch;
  • Labetalol (trandate): Là thuốc cao huyết áp chẹn và ức chế thụ thể ở mạch ngoại vi, giúp làm giảm sức cản ngoại vi, làm hạ huyết áp. Đây là loại thuốc an toàn cho phụ nữ mang thai. Labetalol thường được bào chế ở dạng viên với hàm lượng 100mg, 200mg hoặc cũng có thể ở dạng thuốc tiêm.

3. Phụ nữ có thai không nên sử dụng thuốc điều trị cao huyết áp nào?

Các loại thuốc cao huyết áp thuộc các nhóm dưới đây được khuyến cáo không sử dụng để điều trị cao huyết áp cho phụ nữ có thai. Nguyên nhân vì các thuốc này khi vào cơ thể sẽ qua nhau thai gây hại cho thai nhi như gây hạ huyết áp, suy thận, vô niệu,... thậm chí dị tật bẩm sinh hay tử vong thai nhi,...

Các nhóm thuốc cần tránh sử dụng gồm:

  • Nhóm ức chế men chuyển (captopril, lisinopril, enalapril)

Nếu sử dụng nhóm thuốc này cho thai phụ ở 6 tháng cuối thai kỳ thì sẽ gặp phải các tác dụng phụ như hạ huyết áp, tăng kali máu và gây suy thận ở thai nhi, dẫn đến teo chân tay, biến dạng mặt, giảm sản phổi, dị dạng, giảm sản sọ trẻ sơ sinh, chậm tăng trưởng trong tử cung và thai chết lưu,... Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo không dùng nhóm thuốc ức chế men chuyển trong 6 tháng cuối thai kỳ.

Nếu vì lý do nào đó buộc phải dùng nhóm thuốc này thì cần siêu âm định kỳ để đánh giá môi trường âm đạo, nếu phát hiện tình trạng giảm nước ối (thể hiện tình trạng suy giảm chức năng thận của thai nhi) thì nên ngừng thuốc ngay, trừ trường hợp cấp cứu cần cứu sống tính mạng người mẹ.


Mẹ bầu không nên sử dụng thuốc enalapril
Mẹ bầu không nên sử dụng thuốc enalapril

Bên cạnh đó, một số nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng việc sử dụng nhóm thuốc ức chế men chuyển điều trị cao huyết áp cho phụ nữ có thai trong vòng 3 tháng đầu của thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ dị dạng tim mạch và hệ thần kinh trung ương của trẻ. Vì vậy, có khuyến cáo bổ sung là nên tránh dùng nhóm thuốc này trong 3 tháng đầu của thai kỳ.

  • Nhóm thuốc chẹn canxi (nifedipin, amlodipin)

Nhóm thuốc này có thể làm giảm huyết áp mạnh, dẫn tới giảm tưới máu tử cung, gây thiếu oxy cho thai nhi. Ở người, việc sử dụng nhóm thuốc chẹn canxi gây tác dụng phụ vẫn chưa có nghiên cứu được kiểm chứng đầy đủ. Trong trường hợp đặc biệt, vì nifedipin có tính chất chống co thắt tử cung, cần điều trị chống dọa sảy thai theo chỉ định của bác sĩ thì việc dùng thuốc phải được theo dõi cẩn thận.

  • Nhóm đối kháng với thụ thể angiotensin II (telmisartan, losartan, irbesartan)

Nhóm thuốc này gây tác dụng phụ cho thai nhi tương tự nhóm ức chế men chuyển nhưng ở mức độ nặng hơn. Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo không dùng nhóm thuốc đối kháng với angiotensin II trong vòng 6 tháng cuối thai kỳ. Nếu vì lý do nào đó cần sử dụng thuốc trong 3 tháng đầu thai kỳ thì cần kiểm tra, thăm dò hiệu chỉnh liều lượng thuốc thích hợp.

  • Nhóm chẹn beta (atenolol)

Việc sử dụng nhóm thuốc điều trị cao huyết áp này cho phụ nữ mang thai có thể gây hủy phôi và thai, làm chậm nhịp tim ở thai nhi và trẻ sơ sinh. Khuyến cáo của bác sĩ là không nên dùng nhóm thuốc chẹn beta (atenolol) trong 3 tháng đầu thai kỳ.


Thuốc atenolol không nên dùng trong 3 tháng đầu thai kỳ
Thuốc atenolol không nên dùng trong 3 tháng đầu thai kỳ
  • Nhóm thuốc lợi tiểu (furosemid, hydroclorothiazid)

Phụ nữ có thai bị tăng huyết áp nếu sử dụng nhóm thuốc này có thể gây vàng da thai nhi và trẻ sơ sinh, giảm tiểu cầu hay xảy ra các tác dụng phụ khác khi trẻ đã lớn. Khuyến cáo của bác sĩ là không dùng thuốc trong thời kỳ mang thai và chỉ sử dụng ở người có thai khi đã cân nhắc rõ giữa lợi ích và nguy cơ.

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị cao huyết áp cho phụ nữ mang thai

  • Lựa chọn thuốc hạ áp cần phải an toàn cho thai phụ và thai phi, đường sử dụng thuốc tùy thuộc vào thời gian dự sinh và không gây ảnh hưởng tới tưới máu tử cung - nhau thai;
  • Phòng bệnh bằng cách tránh mang thai ở tuổi thiếu niên, kiểm soát cân nặng, dinh dưỡng thích hợp, tránh đa thai, tránh hút thuốc lá, sử dụng rượu bia,...;
  • Nhận biết tăng huyết áp càng sớm càng tốt để đưa ra các biện pháp phòng ngừa, điều trị thích hợp ngay từ giai đoạn sớm, bệnh còn nhẹ;
  • Người còn trẻ mới chớm bị tăng huyết áp nên tranh thủ có thai khi bệnh chưa nặng để có biện pháp đưa huyết áp về mức chấp nhận được mà chưa cần dùng thuốc như: Cải thiện chế độ ăn uống, luyện tập, tránh căng thẳng thần kinh,...;
  • Thai phụ bị tăng huyết áp nên đi khám định kỳ, đặc biệt là lúc chuyển sang giai đoạn khác của thai kỳ để bác sĩ có sự điều chỉnh loại thuốc phù hợp nếu cần thiết;
  • Trong trường hợp bất đắc dĩ phải dùng một loại thuốc chưa phù hợp, bác sĩ sẽ cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ để đưa ra lựa chọn phù hợp. Lúc này, cần có sự theo dõi cẩn thận và thông báo cho bệnh nhân để phối hợp một cách tốt nhất

Mẹ bầu nên đến gặp bác sĩ khi phát hiện tăng huyết áp
Mẹ bầu nên đến gặp bác sĩ khi phát hiện tăng huyết áp

Cao huyết áp ở phụ nữ mang thai có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của mẹ và bé, thậm chí dẫn tới tử vong. Vì vậy, cần sử dụng thuốc điều trị cao huyết áp cho phụ nữ có thai theo đúng chỉ định của bác sĩ về liều lượng, loại thuốc, thời gian dùng thuốc,...

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe