Sử dụng máu và các chế phẩm từ máu

Toàn bộ các chế phẩm từ máu được sử dụng hiện nay là lấy từ người hiến. Theo đó, chỉ định truyền máu luôn được cân nhắc lợi ích và nguy cơ để việc sử dụng máu được an toàn, hiệu quả.

1. Cách sử dụng các chế phẩm từ máu: Hồng cầu

1.1. Máu toàn phần

Máu toàn phần được đóng gói dưới dạng 250ml cho mỗi đơn vị với thời gian lưu trữ trong điều kiện tiêu chuẩn trong khoảng 35 ngày.

Chỉ định sử dụng máu toàn phần so với hồng cầu lắng khá hạn chế. Chính vì thế, máu toàn phần ít khi được sử dụng. Dạng chế phẩm này dùng trong các trường hợp mất máu cấp gây giảm thể tích tuần hoàn, khi thực hiện thủ thuật thay máu hoặc thay thế cho hồng cầu lắng khi không có sẵn hay thiếu hụt hồng cầu lắng.

Không sử dụng máu toàn phần trong trường hợp bù máu khi thiếu máu mạn tính hay có tình trạng suy tim, quá tải tuần hoàn mới khởi phát.

Trước khi truyền máu toàn phần, luôn kiểm tra phù hợp hệ ABO và Rhésus. Máu toàn phần lấy ra khỏi tủ lạnh cần phải đem đi truyền nhanh trong vòng 30 phút và phải hoàn tất trong vòng 4 giờ.

1.2. Hồng cầu lắng

Hồng cầu lắng được đóng gói dưới dạng 250ml, 350ml hay 450ml cho mỗi đơn vị với thời gian lưu trữ trong điều kiện tiêu chuẩn trong khoảng 35 ngày. Tỷ lệ hemoglobin trung bình (Hct) của hồng cầu lắng là 65 đến 75%.

Chỉ định dùng hồng cầu lắng là rộng rãi nhất trong các loại chế phẩm máu. Theo đó, hồng cầu lắng được sử dụng khi:

  • Thay thế hồng cầu cho bệnh nhân bị thiếu máu nặng với Hb dưới 6 đến 8 g/dL; có thể dùng cùng với dung dịch keo trong trường hợp mất máu cấp.
  • Bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu cấp nên duy trì Hb trên 8 g/dL cho bệnh nhân vào giai đoạn lui bệnh, bệnh nhân ổn định hay bệnh nhân đã được điều trị tạm ổn nếu không có sự bất thường nào về lâm sàng. Nên duy trì Hb trên 9 g/dL khi bệnh nhân cần hóa trị liệu, giai đoạn suy tủy do hóa trị hay có bệnh tim phổi phối hợp.
  • Bệnh nhân Thalassemia cần được duy trì Hb trên 9,5 g/dL trong những năm đầu đời để đảm bảo cho sự phát triển của cơ thể.

Trước khi truyền hồng cầu lắng hay các chế phẩm máu nói chung, cần thực hiện xét nghiệm phù hợp hệ ABO và Rhésus. Hồng cầu lắng lấy ra khỏi tủ lạnh cần phải đem đi truyền nhanh trong vòng 30 phút và phải hoàn tất trong vòng 4 giờ.

Ở người lớn, mỗi đơn vị máu trung bình sẽ nâng Hb lên 1 g/dL hay Hct lên 3%. Tuy nhiên, vì thể tính máu lý tưởng trong cơ thể người thay đổi tùy theo tuổi, thể tích hồng cầu lắng trung bình cần truyền vào khoảng 10 đến 20 ml/kg cân nặng. Nếu bệnh nhân đã có tình trạng thiếu máu mạn từ trước, lượng hồng cầu lắng cần truyền nên dưới 5ml/kg cân nặng đồng thời với truyền kéo dài trên 4 giờ.

Nếu có khả năng truyền nhanh hồng cầu lắng do trình trạng nguy kịch, cần có thêm một đường truyền natriclorua 0,9% chạy song song với đường truyền máu. Thể tích NaCl 0,9% cần dùng là tương đương với thể tích máu.


Cần lưu ý thực hiện xét nghiệm phù hợp hệ ABO và Rhésus trước khi truyền các chế phẩm từ máu
Cần lưu ý thực hiện xét nghiệm phù hợp hệ ABO và Rhésus trước khi truyền các chế phẩm từ máu

1.3. Hồng cầu nghèo bạch cầu

Hồng cầu nghèo bạch cầu được đóng gói dưới thể tích 120ml cho mỗi đơn vị với số lượng bạch cầu rất ít, dưới một triệu tế bào cho mỗi đơn vị. Tỷ lệ hemoglobin trung bình (Hct) của hồng cầu nghèo bạch cầu là 60 đến 70%.

Chỉ định chủ yếu để sử dụng hồng cầu nghèo bạch cầu là trên những bệnh nhân ghép tủy nhằm giảm tối thiểu phản ứng miễn dịch cho bệnh nhân, giảm nguy cơ nhiễm virus cytomegalo (CMV). Đồng thời, trên những bệnh nhân có từ trên hai lần sốt do truyền máu, nên dùng hồng cầu nghèo bạch cầu khi cần cải thiện hemoglobin.

Cách dùng hồng cầu nghèo bạch cầu cũng như máu toàn phần. Trong trường hợp không có sẵn hồng cầu nghèo bạch cầu, có thể dùng dây lọc bạch cầu.

1.4. Hồng cầu rửa

Hồng cầu rửa là một loại chế phẩm máu chỉ có các tế bào hồng cầu sau khi đã được gạn rửa qua dung dịch nước muối sinh lý. Mục tiêu của việc rửa hồng cầu là để giảm lẫn dính các protein trong huyết tương. Đây là chế phẩm hồng cầu đóng gói nhỏ nhất với 100ml cho mỗi đơn vị. Tỷ lệ hemoglobin trung bình (Hct) của hồng cầu rửa là 65 đến 75%.

Chỉ định sử dụng hồng cầu rửa sẽ được đặt ra khi nghi ngờ trong huyết tương có kháng thể có thể gây hại cho người nhận. Trong đó, chỉ định thường gặp nhất là khi cần truyền máu cho bệnh nhân thiếu IgA, bệnh tiểu huyết sắc tố kịch phát về đêm và phòng ngừa cho bệnh nhân có phản ứng với các thành phần trong huyết tương.

Điều lưu ý quan trọng khi truyền máu hồng cầu rửa là phải được sử dụng trong vòng 24 sau khi rửa.

2. Cách sử dụng các chế phẩm máu từ tiểu cầu


Tiểu cầu cũng được thu thập từ máu toàn phần của người hiến máu hay từ người chỉ hiến tiểu cầu (các thành phần khác sẽ được truyền trả lại ngay trong lúc hiến máu)
Tiểu cầu cũng được thu thập từ máu toàn phần của người hiến máu hay từ người chỉ hiến tiểu cầu (các thành phần khác sẽ được truyền trả lại ngay trong lúc hiến máu)

Tiểu cầu cũng được thu thập từ máu toàn phần của người hiến máu hay từ người chỉ hiến tiểu cầu (các thành phần khác sẽ được truyền trả lại ngay trong lúc hiến máu). Các đơn vị tiểu cầu thường gộp chung thành một bộ có sáu đơn vị với thể tích là 240ml, chứa từ 320 đến 380 tỷ tiểu cầu và số lượng bạch cầu có thể lẫn vào rất thấp.

Tiểu cầu đậm đặc có thể được sử dụng trong 24 giờ sau khi chiết tách và để được tối đa 5 ngày trong điều kiện lắc liên tục với nhiệt độ phòng 20 đến 24 độ C để tránh kết dính.

Các chỉ định sử dụng tiểu cầu như sau:

  • Điều trị chảy máu do giảm tiểu cầu khi bị suy tủy, do truyền máu khối lượng lớn hay rối loạn chức năng tiểu cầu
  • Ngăn ngừa chảy máu do giảm tiểu cầu
  • Bệnh nhân bạch cầu cấp hoặc ghép tủy ổn định có lượng tiểu cầu dưới 10.000uL hay dưới 20.000uL có kèm xuất huyết
  • Truyền tiểu cầu phòng ngừa cho bệnh nhân sốt, nhiễm trùng huyết, chảy máu trước đó, bạch cầu cao, viêm niêm mạc nặng, bệnh lý đông cầm máu, bắt đầu hóa trị và tiểu cầu giảm nhanh khi tiểu cầu dưới 20.000uL.
  • Ở bệnh nhân cần làm thủ thuật, phẫu thuật nhỏ, cần nâng tiểu cầu trên 50.000uL. Ở bệnh nhân cần làm phẫu thuật lớn như mổ thần kinh, cần nâng tiểu cầu trên 100.000uL.

Lưu ý không có chỉ định truyền tiểu cầu khi mắc các bệnh lý phá hủy tiểu cầu do mắc phải, dùng thuốc kháng tiểu cầu... Ngoài ra, việc truyền tiểu cầu sẽ kém hiệu quả khi bệnh nhân sốt, cường lách, nhiễm trùng huyết hay đang đông máu nội mạch lan tỏa.

Khi truyền tiểu cầu, cần thực hiện ngay sau khi lấy máu ra khỏi máy lắc và hoàn thành trong vòng 20 đến 30 phút. Đồng thời, vẫn cần thử phản ứng chéo hệ ABO và Rhesus khi truyền tiểu cầu tương tự các chế phẩm máu khác.

3. Cách sử dụng huyết tương tươi đông lạnh

Huyết tương tươi đông lạnh chứa hầu hết các yếu tố đông máu cần thiết trong cơ thể. Ngoài ra, huyết tương tươi đông lạnh còn có albumin và các kháng thể miễn dịch. Mỗi đơn vị huyết tương tươi đông lạnh được bào chế có thể tích là 120ml.

Chỉ định truyền huyết tương tươi đông lạnh là khi có tình trạng rối loạn đông máu bẩm sinh như bệnh hemophilia B hay mắc phải do bệnh gan, quá liều thuốc chống vitamin K, giảm yếu tố đông máu khi truyền máu khối lượng lớn.

Trước khi truyền huyết tương tươi đông lạnh, vẫn cần thử phản ứng chéo hệ ABO và Rhesus. Đồng thời, cần truyền càng sớm càng tốt sau khi rã đông, nhất là trong 30 phút và tối đa là 6 giờ vì các yếu tố đông máu sẽ giảm nhanh chóng nếu để càng lâu trong môi trường thường.


Bệnh nhân rối loạn đông máu bẩm sinh sẽ được chỉ định truyền huyết tương tươi đông lạnh
Bệnh nhân rối loạn đông máu bẩm sinh sẽ được chỉ định truyền huyết tương tươi đông lạnh

4. Cách sử dụng kết tủa lạnh

Mỗi đơn vị kết tủa lạnh là vào khoảng 20 đến 30ml có chứa các yếu tố đông máu VIII, fibrinogen và Von Willebrand.

Kết tủa lạnh có chỉ định dùng chuyên biệt hơn huyết tương tươi đông lạnh là trong bệnh hemophilia A, do thiếu hụt fibrinogen, thiếu hụt yếu tố đông máu XIII và bệnh Von Willebrand.

Nói tóm lại, từ máu toàn phần được thu nhận từ người hiến máu, các bác sĩ huyết học sẽ điều chế thành các chế phẩm từ máu khác nhau với cách sử dụng máu khác nhau. Chính vì máu là một loại “thuốc sinh học” đặc biệt, vừa quý và vừa hiếm, việc truyền máu cần thực hiện đúng chỉ định nhằm đạt hiệu quả điều trị ở mức độ cao nhất.

XEM THÊM:

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe