Sốt xuất huyết và sốt xuất huyết nặng

Sốt xuất huyết là một bệnh nhiễm trùng do virus lây truyền sang người qua vết đốt của muỗi nhiễm bệnh. Khoảng một nửa dân số thế giới hiện đang có nguy cơ mắc sốt xuất huyết, với ước tính 100–400 triệu ca nhiễm xảy ra hàng năm.

Trong khi nhiều ca nhiễm sốt xuất huyết không có triệu chứng hoặc chỉ gây bệnh nhẹ, virus đôi khi có thể gây ra các biến chứng nặng hơn, thậm chí dẫn đến tử vong. Phòng ngừa và kiểm soát sốt xuất huyết phụ thuộc vào kiểm soát muỗi truyền bệnh. Hiện chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho sốt xuất huyết hay sốt xuất huyết nặng. Việc phát hiện sớm cùng tiếp cận chăm sóc y tế đúng cách là biện pháp giúp giảm đáng kể tỷ lệ tử vong của sốt xuất huyết nặng.

Tổng quan bệnh sốt xuất huyết

Hầu hết những người mắc bệnh sốt xuất huyết sẽ không có triệu chứng. Đối với những người có triệu chứng, các triệu chứng phổ biến nhất là sốt cao, đau đầu, đau cơ và khớp, buồn nôn và phát ban. Hầu hết sẽ hồi phục trong vòng 1–2 tuần. Một số người phát triển thành sốt xuất huyết nặng và cần được chăm sóc trong bệnh viện. Trong các trường hợp nặng, sốt xuất huyết có thể gây tử vong. Có thể giảm nguy cơ mắc sốt xuất huyết bằng cách tránh bị muỗi đốt, đặc biệt vào ban ngày.

Hiện tại, sốt xuất huyết được điều trị chủ yếu bằng thuốc giảm đau, vì chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu.

Triệu chứng sốt xuất huyết

Hầu hết những người mắc bệnh sốt xuất huyết có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng và sẽ hồi phục trong vòng 1–2 tuần. Hiếm khi, sốt xuất huyết trở nên nghiêm trọng và dẫn đến tử vong.

Nếu có triệu chứng, thường bắt đầu sau 4–10 ngày kể từ khi nhiễm và kéo dài 2–7 ngày. Triệu chứng có thể bao gồm:

  • Sốt cao đến 40°C
  • Đau đầu dữ dội
  • Đau sau mắt
  • Đau cơ và khớp
  • Buồn nôn
  • Nôn mửa
  • Tuyến bị sưng
  • Phát ban.

Những người đã bị nhiễm virus sốt xuất huyết một lần có nguy cơ cao hơn bị sốt xuất huyết nặng nếu nhiễm lại. Triệu chứng của sốt xuất huyết nặng thường xuất hiện sau khi cơn sốt đã giảm, bao gồm:

  • Đau bụng dữ dội
  • Nôn mửa kéo dài
  • Thở nhanh
  • Chảy máu nướu hoặc mũi
  • Mệt mỏi
  • Bồn chồn
  • Có máu trong chất nôn hoặc phân
  • Cảm thấy rất khát
  • Da nhợt nhạt và lạnh
  • Cảm giác yếu đuối.

Người có các triệu chứng nặng này cần được chăm sóc ngay lập tức. Sau khi phục hồi, những người từng mắc sốt xuất huyết có thể cảm thấy mệt mỏi trong vài tuần.

Chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết

Hiện chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho sốt xuất huyết. Việc điều trị tập trung vào giảm đau và điều trị triệu chứng. Hầu hết các trường hợp sốt xuất huyết có thể được điều trị tại nhà bằng thuốc giảm đau. Đối với những người bị sốt xuất huyết nặng, thường cần nhập viện để điều trị.

Các triệu chứng phổ biến nhất của bệnh sốt xuất huyết là sốt cao, đau đầu, đau cơ và khớp, buồn nôn và phát ban
Các triệu chứng phổ biến nhất của bệnh sốt xuất huyết là sốt cao, đau đầu, đau cơ và khớp, buồn nôn và phát ban

Con đường lây nhiễm sốt xuất huyết

Lây truyền qua vết đốt của muỗi

Virus sốt xuất huyết lây truyền sang người qua vết đốt của muỗi cái nhiễm bệnh, chủ yếu là loài muỗi vằn (muỗi Aedes aegypti). Sau khi muỗi hút máu từ người nhiễm virus, virus nhân lên trong ruột giữa của muỗi trước khi lan ra các mô thứ cấp, bao gồm cả tuyến nước bọt. Thời gian từ khi muỗi hút virus đến khi lây truyền sang vật chủ mới được gọi là thời kỳ ủ bệnh ngoại sinh, kéo dài khoảng 8–12 ngày khi nhiệt độ môi trường dao động từ 25–28°C. 

Thời kỳ ủ bệnh không chỉ phụ thuộc vào nhiệt độ môi trường; một số yếu tố như biên độ dao động nhiệt độ hàng ngày, kiểu gen của virus, mà nồng độ virus ban đầu cũng có thể ảnh hưởng đến thời gian cần thiết để muỗi truyền virus. Một khi muỗi trở thành vật truyền nhiễm, nó có thể truyền virus trong suốt vòng đời.

Lây truyền từ người sang muỗi

Muỗi có thể nhiễm virus khi hút máu từ những người đang mang virus sốt xuất huyết trong máu. Điều này có thể xảy ra ở những người đang trong giai đoạn có triệu chứng hoặc tiền triệu chứng, và cả những người không có biểu hiện bệnh.

Lây truyền từ người sang muỗi có thể xảy ra từ 2 ngày trước khi người nhiễm xuất hiện triệu chứng và đến 2 ngày sau khi sốt giảm. Nguy cơ lây truyền sang muỗi tăng cao khi người nhiễm có mức viremia (lượng virus trong máu) cao và sốt cao.

Lây truyền từ mẹ sang con

Dù tỷ lệ không cao nhưng nguy cơ có liên quan đến thời điểm người mẹ bị nhiễm sốt xuất huyết trong thai kỳ. Nếu mẹ nhiễm sốt xuất huyết trong lúc mang thai, trẻ sơ sinh có thể bị sinh non, nhẹ cân và gặp nguy cơ bị suy thai.

Các phương thức lây truyền khác

Đã ghi nhận một số trường hợp lây truyền hiếm gặp qua các sản phẩm máu, hiến tạng và truyền máu. Tương tự, đã ghi nhận lây truyền qua trứng trong muỗi.

Phòng ngừa và kiểm soát sốt xuất huyết

Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết hoạt động vào ban ngày. Giảm nguy cơ mắc sốt xuất huyết bằng cách bảo vệ bản thân khỏi muỗi đốt bằng các biện pháp sau:

  • Mặc quần áo che kín cơ thể.
  • Sử dụng màn khi ngủ vào ban ngày, đặc biệt là màn có tẩm thuốc đuổi muỗi.
  • Dùng lưới cửa sổ.
  • Dùng các loại thuốc chống muỗi.
  • Sử dụng nhang muỗi và máy xông.

Có thể ngăn chặn sự sinh sản của muỗi bằng cách:

  • Ngăn chặn muỗi tiếp cận nơi đẻ trứng thông qua quản lý và cải tạo môi trường.
  • Loại bỏ rác thải đúng cách và dọn dẹp các vật dụng có thể chứa nước.
  • Đậy kín, đổ sạch và vệ sinh các bình chứa nước sinh hoạt hàng tuần.
  • Áp dụng phương pháp diệt côn trùng thích hợp cho các bình chứa nước ngoài trời.

Nếu mắc bệnh sốt xuất huyết, người bệnh cần:

  • Nghỉ ngơi.
  • Uống nhiều nước.
  • Dùng acetaminophen (paracetamol) để giảm đau.
  • Tránh dùng thuốc chống viêm không steroid, như ibuprofen và aspirin.
  • Theo dõi triệu chứng nặng và liên hệ bác sĩ ngay khi phát hiện.

Hiện có một loại vắc-xin (QDenga) đã được cấp phép và lưu hành ở một số quốc gia, tuy nhiên, chỉ khuyến cáo cho nhóm tuổi từ 6 đến 16 tuổi ở những khu vực có nguy cơ cao lây truyền. Một số vắc-xin khác đang được đánh giá.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: WHO

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe