Giai đoạn nguy hiểm của sốt xuất huyết bắt đầu từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 hoặc thứ 7, lúc này người bệnh đang ở những ngày cuối của giai đoạn nguy hiểm, tuy nhiên cần cảnh giác bởi biến chứng vẫn có thể xảy ra.
1. Sốt xuất huyết ngày thứ 7 vẫn cần cảnh giác
Bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra, muỗi Aedes là tác nhân lây truyền bệnh chủ yếu thông qua vết đốt. Bệnh không lây truyền trực tiếp từ người sang người nhưng khi chăm sóc người bệnh, cần lưu ý để tránh bị muỗi đốt.Các giai đoạn bệnh sốt xuất huyết thường liên quan đến dấu hiệu của bệnh. Cụ thể:
- Giai đoạn sốt: Đây là giai đoạn ủ bệnh, người bệnh có thể sốt cao 39 - 40 độ C, sốt liên tục, khó hạ. Bên cạnh đó, người bệnh có thể bị đau đầu, nhức hốc mắt, phát ban, nôn, đau cơ khớp.
- Giai đoạn nguy hiểm: Giai đoạn này bắt đầu từ ngày thứ 3 đến thời điểm bị sốt xuất huyết ngày thứ 6 hoặc thứ 7, người bệnh có thể hạ sốt. Tuy nhiên, nếu thấy gan to và đau, tiểu ít, đau bụng, nôn, li bì, da lạnh ẩm, tụt huyết áp, xuất huyết dưới da hoặc niêm mạc,... thì cần đưa đến cơ sở y tế.
- Giai đoạn hồi phục: Thường bắt đầu khi bạn bị sốt xuất huyết ngày thứ 7 hoặc bị sốt xuất huyết ngày thứ 8 đến ngày thứ 10, người bệnh hết sốt, huyết áp ổn định, dần phục hồi trạng thái ban đầu.
2. Các mức độ của bệnh sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết xảy ra gồm 3 mức độ như sau:
- Sốt xuất huyết Dengue: Người bệnh sốt cao đột ngột, liên tục từ 2-7 ngày, xuất huyết ở dưới da, đau cơ khớp, nhức hốc mắt. Xét nghiệm cận lâm sàng không có biểu hiện cô đặc máu; tiểu cầu bình thường hoặc giảm nhẹ, bạch cầu giảm.
- Sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo: Các triệu chứng bao gồm sốt, kèm theo các dấu hiệu cảnh báo như vật vã, li bì, đau bụng vùng gan, nôn nhiều, xuất huyết niêm mạc, đi tiểu ít. Xét nghiệm thấy hồng cầu tăng cao và tiểu cầu giảm nhanh chóng.
- Sốt xuất huyết nặng: Người bệnh có biểu hiện thoát huyết tương nặng dẫn đến tình trạng sốc sốt xuất huyết, có ứ dịch ở khoang màng phổi và ổ bụng; xuất huyết nặng và suy tạng. Sốc sốt xuất huyết thường xảy ra vào ngày thứ 3 đến thời điểm sốt xuất huyết ngày thứ 7 với các triệu chứng vật vã, li bì, lạnh đầu chi, tụt huyết áp....
3. Lưu ý khi bị sốt xuất huyết
Khi bị sốt xuất huyết, bệnh nhân và người chăm sóc cần lưu ý:
- Không tự ý dùng thuốc hạ sốt: Khi chưa xác định sốt do bệnh gì và không có chỉ định từ bác sĩ thì không nên tự ý sử dụng thuốc hạ sốt (ví dụ như thuốc aspirin hay ibuprofen). Tuy nhiên, có thể hạ sốt bằng cách mặc quần áo rộng rãi, nghỉ nơi thoáng mát.
- Không ăn trứng khi bị sốt xuất huyết: Trứng gà làm thân nhiệt tăng lên và không phát tán ra ngoài được, khiến cho tình trạng sốt lâu khỏi.
- Không uống các chất kích thích: Vì nó khiến cho não bị kích thích, làm tăng huyết áp, tim đập nhanh, mệt mỏi hơn.
- Không ăn các thực phẩm có màu đen, nâu, đỏ: Bởi khi ăn các loại thực phẩm này, phân của người bị sốt xuất huyết có thể bị nhuộm màu tối, nên khó phân biệt với phân có lẫn máu trong trường hợp xuất huyết tiêu hóa.
- Không ăn uống đồ ngọt hoặc cay nóng: Việc hấp thụ quá nhiều đường hay thức ăn cay nóng khi bị sốt xuất huyết đều khiến bệnh lâu khỏi..
- Hạn chế muỗi tiếp xúc với da: Khi bị sốt xuất huyết, khả năng người bệnh đang ở trong vùng dịch. Do vậy, không nên để muỗi tiếp xúc với da, bởi nó có thể tăng thêm lượng virus làm bệnh nặng thêm và nguy cơ lây bệnh cho người thân xung quanh.
- Vệ sinh nơi ở sạch sẽ, không để nước động ở xô chậu và tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.