Sốt xuất huyết không phát ban: Vì sao và phải làm thế nào?

Sốt xuất huyết là bệnh thường gặp vào mùa mưa, đây là cơ hội thuận lợi để muỗi sinh sôi, phát triển. Bệnh có thể dẫn đến tử vong, tuy nhiên lại rất dễ nhầm lẫn với cảm cúm thông thường nếu triệu chứng sốt xuất huyết bị phát ban không xuất hiện trên da. Vậy vì sao lại có trường hợp sốt xuất huyết không phát ban?

1. Nhận biết triệu chứng sốt xuất huyết

Nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết là do virus Dengue. Virus Dengue lây từ người sang người thông qua trung gian truyền bệnh là muỗi cái - thuộc chi Aedes.

Muỗi Aedes aegypti là chính véc tơ truyền bệnh chủ yếu ở hầu hết khu vực có dịch bệnh lưu hành. Muỗi thường hoạt động vào ban ngày và chỉ có muỗi cái mới đốt người và truyền virus gây bệnh.

Hầu hết các ca nhiễm sốt xuất huyết sẽ trải qua các triệu chứng như: sốt cao đột ngột, đau nhức cơ, đau khớp, phát ban đỏ, thường li bì suốt nhiều ngày liên tiếp... thậm chí có thể dẫn đến sốc, tụt huyết áp, trụy mạch, xuất huyết nội tạng.

Phần lớn trường hợp bệnh nhân sốt xuất huyết dấu hiệu cảnh báo chính là phát ban trên da, tuy nhiên vẫn có ca sốt xuất huyết không phát ban khiến nhiều người lầm tưởng với cảm cúm do siêu vi thông thường, gây ra tâm lý chủ quan, lơ là.


Virus Dengue là thủ phậm gây ra bệnh sốt xuất huyết
Virus Dengue là thủ phậm gây ra bệnh sốt xuất huyết

2. Các cấp độ của sốt xuất huyết

Bệnh sốt xuất huyết xảy ra rất phức tạp, đặc biệt cần chú ý đến biến chứng sốc vì có thể dẫn đến tử vong. Bệnh được chia thành 4 thể cấp để thuận tiện cho việc theo dõi và đánh giá tiên lượng bệnh nhân.

  • Cấp 1: người bệnh sốt xuất huyết nhưng chỉ sốt, không phát ban.
  • Cấp 2: người bệnh bị sốt và có kèm theo triệu chứng xuất huyết (đốm xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, ho khạc ra máu, nôn ra máu, tiểu ra máu, kinh nguyệt kéo dài).
  • Cấp 3: người bệnh có dấu hiệu sốc
  • Cấp 4: người bệnh bị sốc nặng.

Nôn ra máu là triệu chứng xuất hiện ở cấp độ 2 của bệnh
Nôn ra máu là triệu chứng xuất hiện ở cấp độ 2 của bệnh

3. Sốt xuất huyết không phát ban không nên chủ quan

Sốt xuất huyết bị phát ban không phải là một triệu chứng bắt buộc. Một bệnh nhân có thể được chẩn đoán sốt xuất huyết mà không cần bắt buộc có triệu chứng phát ban.

Sốt xuất huyết không phát ban hay có phát ban đều có thể tiến triển gây ra sốc - biến chứng nguy kịch nhất của sốt xuất huyết. Theo đó, giai đoạn nguy hiểm trong sốt xuất huyết là ngày thứ 4 đến ngày thứ 7, tuy nhiên không phải do phát ban, nguy hiểm là do tình trạng giảm tiểu cầu, cô đặc máu, gây rối loạn đông máu dẫn đến nguy cơ xuất huyết nhiều nơi. Đây là thời điểm tương đối nguy hiểm, cần đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế gần nhất để được chăm sóc kịp thời, tránh được những biến chứng xấu.

Đa số trường hợp sốt xuất huyết tử vong là do sốc nặng, đây là một hội chứng với biểu hiện tụt nhiệt độ cơ thể (thân nhiệt giảm dưới mức bình thường - nếu thân nhiệt giảm đồng thời cộng thêm tác dụng thuốc hạ nhiệt thì rất nguy hiểm), giảm tri giác, tinh thần kém lanh lợi, lờ đờ, lơ mơ, mê sảng, tụt huyết áp...


Người bệnh có thể phát ban hoặc không phát ban khi bị sốt xuất huyết
Người bệnh có thể phát ban hoặc không phát ban khi bị sốt xuất huyết

4. Chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết không phát ban

Chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết không phát ban như sau:

  • Sốt xuất huyết cấp 1 - sốt xuất huyết không phát ban: sau khi được chẩn đoán xác định có thể được điều trị ngoại trú tại nhà theo đơn của bác sĩ, bệnh nhân và người nhà cần tuân thủ theo lịch hẹn ngày khám lại của bác sĩ.
  • Sốt xuất huyết chuyển dần sang cấp 2: vẫn có thể điều trị tại nhà dưới sự theo dõi chặt chẽ hoặc nhập viện nếu cần thiết. Cần lưu ý nhiệt độ thường xuyên bằng cách cặp nhiệt độ ở nách hoặc hậu môn hay cặp bên khóe miệng mỗi vài giờ một lần.

Bên cạnh đó, người bệnh cần nghỉ ngơi tuyệt đối, không vận động nặng nhiều và tránh dùng quần áo quá dày, tránh mặc nhiều áo quần hay ủ quá kín. Nếu nhiệt độ trên 38.5 độ C có thể uống thuốc hạ nhiệt loại paracetamol đơn chất, thêm 1 liều sau mỗi 6 giờ/lần nếu vẫn còn sốt cao, kiểm tra thân nhiệt sau khi uống thuốc hạ nhiệt 1 giờ.

Trường hợp thân nhiệt lớn hơn 37 độ nhưng vẫn dưới 38.5 độ thì có thể uống thuốc hạ sốt, chỉ cần lau mát bằng khăn nhúng nước ấm (nhiệt độ nước lau thấp hơn nhiệt độ cơ thể 2-3 độ).

Tuyệt đối không dùng Aspirin để hạ sốt vì Aspirin sẽ làm rối loạn đông máu, gây chảy máu kéo dài rất nguy hiểm, đặc biệt là trẻ em. Vì vậy, trong điều trị giảm sốt không được sử dụng các loại thuốc ví dụ như Aspirin, Ibuprofen.

Khi sốt cao kéo dài (trên 39 độ) sẽ dẫn đến người bệnh uống nhiều nước để bù đắp lượng nước bị mất do sốt. Nước pha từ gói oresol thì càng tốt hoặc có thể uống nước gạo rang, nước muối (2 thìa cà phê muối, 8 thìa cà phê đường pha trong 1 lít nước đun sôi, để nguội), nước cam, chanh tươi bổ sung vitamin C.

Lưu ý, nếu bệnh nhân xuất hiện triệu chứng nôn mửa, miệng nhạt, lười ăn sẽ dẫn đến việc không đủ lượng thức ăn cần thiết, dễ gây hạ đường huyết. Cần đảm bảo cho người bệnh ăn đủ chất cùng với các thức ăn dễ tiêu, ăn chia ra nhiều bữa, tránh thức ăn có nhiều mỡ. Có thể dùng thêm sữa để cung cấp chất dinh dưỡng cho người bệnh.

Sốt xuất huyết không phát ban có thể khiến người bệnh chủ quan và nhầm lẫn với các căn bệnh cảm, sốt thông thường. Vì thế, để chắc chắn hơn cũng như đảm bảo an toàn thì khi xuất hiện những triệu chứng, nghi ngờ mắc sốt xuất huyết thì người bệnh cần đến các trung tâm y tế để thăm khám, làm xét nghiệm chẩn đoán, vì sốt xuất huyết không phát ban hay có phát ban đều có thể tiến triển gây ra sốc, nguy hiểm đến tính mạng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe