Sốt xuất huyết bị tiêu chảy có phải bệnh đã biến chứng nặng?

Sốt xuất huyết là một căn bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Bệnh nhân có thể phục hồi hoàn toàn khi được được điều trị tốt. Tuy nhiên bệnh sốt xuất huyết cũng có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm. Vậy sốt xuất huyết bị tiêu chảy có phải bệnh đã biến chứng nặng?

1. Các biến chứng của bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết Dengue là một bệnh truyền nhiễm phổ biến ở nước ta, căn bệnh này dễ bùng phát vào mùa mưa và có nguy cơ trở thành dịch. Khi mắc bệnh, nếu bạn chủ quan, lơ là cho rằng đó chỉ là sốt virus thông thường thì có thể sẽ khiến bệnh trở nặng và gây ra nhiều biến chứng.

1.1. Các biến chứng thường gặp của bệnh sốt xuất huyết

Các biến chứng thường gặp là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các trường hợp tử vong của bệnh sốt xuất huyết đó là hạ tiểu cầu và cô đặc máu.

  • Hạ tiểu cầu: Biến chứng hạ tiểu cầu không khiến cho bạn cảm thấy mệt mỏi, li bì. Chính vì vậy mà nhiều người khỏe mạnh đã chủ quan, không theo dõi, để bệnh trở nặng gây xuất huyết ồ ạt, nguy hiểm tới tính mạng.
  • Cô đặc máu: Biến chứng cô đặc máu có liên quan nhiều đến các biểu hiện mệt, đau tức vùng gan, buồn nôn, nôn, lơ mơ, li bì, thường kéo dài 24 - 48 giờ.

Giai đoạn hạ sốt có thể xuất hiện các biến chứng hạ tiểu cầu và cô đặc máu, và tình trạng thiếu thể tích tuần hoàn gây tụt huyết áp, sốc,...Vì vậy, bệnh nhân không nên chủ quan và cần đặc biệt chú ý giai đoạn nguy hiểm này (từ ngày thứ 4 - 7 của bệnh). Người bệnh nên đi khám và xét nghiệm máu hằng ngày, để xác định nguy cơ hạ tiểu cầu và cô đặc máu.

1. 2. Các biến chứng nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết

  • Sốc mất máu: Bệnh sốt xuất huyết gây ra tình trạng tăng tính thấm mao quản, làm thoát huyết tương và cô đặc máu vì vậy biểu hiện của việc sốc là máu sẽ bị đẩy ra ngoài. Bệnh nhân sẽ bị chảy máu khá nhiều như chảy máu cam, chảy máu chân răng, chảy máu qua vết thương hở. Việc mất máu nhiều khiến cho cơ thể kiệt quệ và sốt cao kéo dài, vã mồ hôi, nôn nhiều.
  • Tràn dịch màng phổi: Trong những ngày đầu bị bệnh, khi bị sốt cao, ăn kém, nôn và tiêu chảy sẽ gây mất nước, cần phải truyền dịch để bù lại lượng nước và điện giải đã bị mất, tránh hiện tượng cô đặc máu. Tuy nhiên, ở giai đoạn sau của bệnh, khi đã có tình trạng tăng tính thấm thành mạch, gây thoát dịch ra ngoài thì cần phải truyền dung dịch cao phân tử để kéo dịch trở lại trong lòng mạch, đồng thời cần tăng cường đào thải dịch ra ngoài bằng các loại thuốc lợi tiểu. Nếu như ở giai đoạn này vẫn truyền nhiều dịch thông thường và không tăng cường thải dịch ra ngoài sẽ khiến cho bệnh nhân có nguy cơ bị tràn dịch đa màng (màng phổi, màng bụng, màng tim) và gây phù phổi cấp, rất nguy hiểm tới tính mạng. Huyết tương bị tràn trong cơ thể có thể gây viêm đường hô hấp, viêm phổi, tràn dịch màng phổi hoặc phù phổi cấp. Nếu không được cấp cứu kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
  • Suy đa tạng: Sốt xuất huyết có thể dẫn đến suy tim do bị máu chảy liên tục. Tim không có đủ sức để bơm máu cộng với dịch huyết tương xuất huyết sẽ khiến cho màng tim bị tràn dịch gây ứ đọng.
  • Xuất huyết bất thường do rối loạn yếu tố đông máu: Chảy máu cam dữ dội, chỗ tiêm bị bầm tím, rong kinh, xuất huyết đường tiêu hóa, xuất huyết nội tạng,... Tỷ lệ xuất huyết não ở người lớn bị sốt xuất huyết chiếm khoảng 1%, chảy máu lan ra nhiều chỗ trong não. Đây là nguyên nhân gây ra nguy cơ tử vong cao ở người lớn khi bị bệnh này.
  • Biến chứng về mắt: Biến chứng thứ nhất ở mắt là xuất huyết võng mạc dẫn tới các mạch máu của võng mạc bị tổn thương, máu thấm lên tạo thành những lớp mỏng che phía trước võng mạc gây mù lòa. Biến chứng thứ hai ở mắt là xuất huyết trong dịch kính, máu tràn vào trong buồng dịch kính sẽ che khuất các vật ở phía trước mắt khiến cho bệnh nhân gần như mù hẳn. Khi có các biểu hiện bất thường ở mắt, bạn nên đến khám ở khoa mắt để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, vì việc điều trị tình trạng xuất huyết trong nhãn cầu chỉ có kết quả nếu được điều trị sớm.
  • Hôn mê: Khi bị xuất huyết trong cơ thể, dịch huyết tương có thể bị ứ đọng ở màng não qua các thành mạch gây ra phù não và các hội chứng thần kinh khác dẫn đến hôn mê - một biến chứng nặng nhất của bệnh sốt xuất huyết.
  • Sinh non, sảy thai ở phụ nữ đang mang thai: Theo các chuyên gia y tế, sốt xuất huyết ở phụ nữ đang mang thai có thể gây sinh non hoặc suy thai, thai chết lưu. Với người mẹ thì rất có thể xảy ra tình trạng chảy máu khó cầm, tiền sản giật, gây tổn thương đến chức năng gan, thận, chảy máu kéo dài khi chuyển dạ. Nguy hiểm hơn, khi lượng huyết tương bị thoát lớn, ồ ạt sẽ gây ra tình trạng bụng to, cổ trướng. Với những phụ nữ đang mang thai, sốt xuất huyết có thể khiến cho cơ thể của người mẹ kiệt quệ, không còn sức khỏe để nuôi dưỡng bào thai. Vì vậy, trong trường hợp này, bệnh nhân cần khám và điều trị tại các cơ sở y tế..
  • Tụt huyết áp và đau đầu: Ở thể nặng, bệnh nhân sẽ cảm thấy khó khăn khi đứng và đi bộ do huyết áp giảm đột ngột, sau đó bị nhức đầu nghiêm trọng.

Trong các biến chứng của bệnh sốt xuất huyết thì tràn dịch màng phổi, máu đọng trong thận là hai biến chứng rất nguy hiểm và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc để lại những hậu quả nặng nề sau này cho bệnh nhân. Đặc biệt, ở những bệnh nhân có những bệnh nền như suy thận, suy gan do rượu,... khi bị sốt xuất huyết sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng.

2. Bị tiêu chảy khi mắc sốt xuất huyết có phải là biến chứng nặng không?

Các dấu hiệu nhận biết tình trạng nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết:

  • Chảy máu: Xuất hiện các đốm màu đỏ trên da; chảy máu mũi, chảy máu chân răng; nôn ra máu; đi ngoài phân đen; máu kinh nhiều bất thường/ chảy máu âm đạo.
  • Nôn liên tục.
  • Đau bụng dữ dội.
  • Lơ mơ, rối loạn ý thức hoặc co giật.
  • Xanh tím, tay và chân lạnh ẩm.
  • Khó thở.
  • Ngoài ra, nếu như sốt cao liên tục không kiểm soát được bằng các loại thuốc hạ sốt thông thường, bạn cũng nên đến bệnh viện để được xử trí kịp thời.
  • Tiểu cầu hạ thấp.

Như vậy sốt xuất huyết tiêu chảy không phải là biểu hiện của biến chứng nặng của bệnh. Nhưng đau bụng khi bị sốt xuất huyết lại có thể là biểu hiện của biến chứng nguy hiểm, cần nhập viện điều trị ngay lập tức.

3. Phòng ngừa các biến chứng của bệnh sốt xuất huyết như thế nào?

Khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết, đặc biệt là khi đang có dịch bệnh sốt xuất huyết lưu hành tại địa phương, bạn cần đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, đúng cách, tránh dẫn tới các biến chứng nguy hiểm.

Nếu như bác sĩ thăm khám xong cho về điều trị tại nhà, bạn cần theo dõi nhiệt độ cơ thể thường xuyên và theo dõi các biểu hiện xuất huyết cũng như các dấu hiệu bất thường khác, nếu cần bạn phải đến bệnh viện ngay.

Trong quá trình điều trị và theo dõi sốt xuất huyết tại nhà, bạn phải dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, không được dùng Aspirin để hạ sốt, chỉ nên sử dụng thuốc Paracetamol đơn chất theo chỉ định của bác sĩ. Cần bù dịch và điện giải sớm bằng đường uống, bạn nên uống nhiều nước Oresol, nước trái cây, hoặc nước cháo loãng với muối. Trường hợp không uống được do nôn nhiều, có các dấu hiệu mất nước, bạn cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe