Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nông Ngọc Sơn - Bác sĩ hóa trị và điều trị giảm nhẹ - Trung tâm Ung bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park. Bác sĩ có kinh nghiệm nhiều năm trực tiếp điều trị bệnh nhân ung thư, đặc biệt là lĩnh vực hóa trị, các ung thư giai đoạn trễ đã di căn, và bệnh nhân giai đoạn cuối đời.
Ho khan hai tuần tưởng chừng là những triệu chứng bình thường nhưng rất có thể đó là dấu hiệu của bệnh ung thư phổi. Hiểu về bệnh là cách tốt nhất giúp bạn thoát khỏi “án tử” ung thư phổi, bảo vệ sức khỏe của mình và người thân.
Ung thư phổi (lung cancer) là ung thư phát triển trong đường dẫn khí hoặc nhu mô phổi. Vai trò của chính của phổi là trao đổi khí, đưa oxy vào cơ thể và thải Cacbondioxit ra ngoài. Ngoài ra phổi còn có chức năng chuyển hóa một số chất, lọc thải một số chất độc trong máu.
Ung thư phổi là một căn bệnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhưng không hề dễ nhận biết ở giai đoạn đầu. Các triệu chứng thường biểu hiện rõ ở giai đoạn muộn, do đó việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí khi phát hiện bệnh, cuộc sống của bệnh nhân chỉ còn được tính bằng ngày. Hiểu rõ các dấu hiệu ung thư phổi giúp bạn chẩn đoán bệnh kịp thời, từ đó có phương án điều trị phù hợp.
1. Bạn đã biết các dấu hiệu của bệnh ung thư phổi?
Ung thư phổi có thể xảy ra với bất cứ ai, vì vậy hãy lưu ý nếu cơ thể bạn hoặc người thân có những dấu hiệu dưới đây:
- Ho khan từ hai tuần trở lên: Ho là triệu chứng gợi ý nhất nhưng thường bị bỏ qua. Ho dai dẳng lâu ngày không khỏi, ho khan, ho đờm, thậm chí ho ra máu (lượng ít, đờm có dính ít máu) có thể là dấu hiệu ung thư phổi.
- Khó thở, thở ngắn hơi, thở khò khè: Khó thở có thể do tắc nghẽn phế quản, tiếng thở có thể khò khè có thể do tắc nghẽn phế quản lớn, tràn dịch màng phổi. Có một số trường hợp tắc nghẽn gây ứ đọng dịch ở các phế nang, dẫn đến viêm phổi, áp xe phổi, dẫn đến triệu chứng sốt, khạc đờm mủ, ...
- Viêm phổi, áp xe phổi: Các hội chứng nhiễm trùng hô hấp như viêm phổi, áp xe phổi là triệu chứng điển hình của giai đoạn xâm lấn.
- Hội chứng tăng áp lực tĩnh mạch chủ trên: Do u xâm lấn vào tĩnh mạch chủ trên gây phù áo khoác, nổi tĩnh mạch bàng hệ trên ngực.
- Hội chứng cận ung: Ngón tay dùi trống, đau khớp, tổn thương thần kinh cơ, sạm da ở các nếp da vùng bẹn, hội chứng tăng bài tiết hormone chống lợi niệu, tăng canxi máu, giảm photphat máu.
- Các dấu hiệu khác: Đau ngực, đau ở một vị trí cố định, đau dai dẳng. Khản tiếng, tắt tiếng, khó nuốt, có thể nuốt đau, nuốt nghẹn, nấc ... Nhức đầu. Giảm cân không rõ nguyên nhân, suy nhược cơ thể...
2. Điều trị ung thư phổi như thế nào?
Tùy vào tình trạng bệnh nhân, giai đoạn của bệnh, vị trí và tính chất khối ung thư...bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị ung thư phổi phù hợp. Sẽ có nhiều phương pháp điều trị khác nhau như: phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, điều trị nhắm trúng đích, điều trị miễn dịch hoặc kết hợp nhiều phương pháp.
2.1 Phẫu thuật
Bác sĩ sẽ phẫu thuật để loại bỏ khối u và mô lành bên cạnh. Phẫu thuật thường sử dụng cho các trường hợp ung thư giai đoạn sớm, chưa có di căn xa.
2.2 Hóa trị
Hóa trị là sử dụng thuốc hóa chất để diệt tế bào ung thư. Hóa trị thường được bác sĩ sử dụng để điều trị ung thư phổi giai đoạn trễ khi không còn phẫu thuật được nhằm giảm ho, giảm dau hoặc khó thở và kéo dài thời gian sống thêm cho người bệnh. Một số trường hợp hóa trị dùng để điều trị bổ sung sau mổ nhằm làm tăng khả năng điều trị khỏi bệnh.
2.3 Xạ trị
Xạ trị là phương pháp dùng các tia bức xạ có năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Có thể kết hợp xạ trị, hóa trị và thuốc để phối hợp trong điều trị ung thư.
2.4 Thuốc điều trị nhắm trúng đích
Thuốc nhắm trúng đích thường là các thuốc sinh học hoặc dạng phân tử nhỏ nhắm vào các điểm đặc biệt trên tế bào ung thư làm cho chúng dừng phát triển. Các thuốc phổ biến như bevacizumab, erlotinib, osimertinib...
Bevaccizumab (avastin) làm dừng việc phát triển khối u bằng cách dừng cung cấp máu. Mạch máu sẽ cung cấp oxy và dinh dưỡng, giúp nó phát triển.
Erlotintib (tarceva) tác động đến tế bào ung thư đang phát triển, phân chia. Được dùng cho trường hợp ung thư mới, ung thư không phải tế bào nhỏ, có đột biến gen EGFR.
2.5 Thuốc điều trị miễn dịch
Thuốc điều trị miễn dịch thường là các thuốc sinh học giúp phục hồi lại khả năng nhận biết ra ung thư của các tế bào miễn dịch trong cơ thể. Từ đó, hệ miễn dịch sẽ tấn công hiệu quả hơn đối với khối bướu và làm bệnh thuyên giảm. Thuốc điều trị miễn dịch có thể sử dụng một mình, hoặc kết hợp với hóa trị. Những loại thuốc phổ biến như pembrolizumab, nivolumab, durvalumab.
3. Làm thế nào để phòng tránh ung thư phổi?
Ung thư phổi nếu được phát hiện càng sớm thì tỉ lệ chữa khỏi khá cao. Hãy làm giảm nguy cơ ung thư phổi bằng cách sống lành mạnh, sống khoa học hơn.
3.1 Nói không với thuốc lá
Nếu bạn đang hút thuốc lá, hãy nói không với nó. Ngừng hút thuốc sẽ giảm đáng kể nguy cơ dẫn đến ung thư phổi. Không chỉ những người chủ động hút thuốc, mà cả những người hút thuốc lá thụ động cũng nguy cơ bị mắc ung thư phổi. Do đó bỏ thuốc lá chính là cách để bảo vệ chính bạn và người thân của bạn.
3.2. Kiểm tra hàm lượng Radon
Hãy kiểm tra mức Radon trong không khí gia đình bạn, nơi làm việc, đặc biệt là những nơi được nghi ngờ có hàm lượng Radon cao. Hãy đảm bảo, bạn và gia đình không phải đang sống trong môi trường có nguyên nhân gây ung thư phổi cao.
3.3. Chế độ dinh dưỡng lành mạnh
Bổ sung đầy đủ các loại rau xanh, hoa quả. Những nguồn thực phẩm sạch, không nhiễm hóa chất. Bạn có thể trồng rau trên ban công gia đình, vừa thân thiện với môi trường vừa giúp bạn có những bữa ăn sạch, không hóa chất. Nên cung cấp lượng vitamin thiên nhiên sẽ tốt hơn là cung cấp vitamin dưới dạng thuốc.
3.4 Hạn chế uống rượu bia
Nên uống một cách vừa phải, biết tiết chế hành động của bản thân. Đặc biệt những người trên 65 tuổi, không nên uống quá một ly một ngày.
3.5 Tăng cường vận động
Tập thể dục sẽ giúp chúng ta trao đổi chất tốt hơn, máu lưu thông đến các cơ quan mạnh mẽ hơn. Giúp tăng đồng hóa, giảm dị hóa. Rất có lợi cho việc phòng tránh bệnh tật. Bạn có thể tham gia các môn thể thao yêu thích, hoặc chạy bộ mỗi sáng 30 phút cũng sẽ giúp bạn khỏe khoắn hơn rất nhiều.
Hiện nay tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có gói Tầm soát ung thư phổi, giúp bạn có thể phát hiện bệnh ngay khi không có triệu chứng. Tại Vinmec, bạn sẽ được làm việc với đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm trong nước và quốc tế. Có đầy đủ máy móc hiện đại nhất, phối hợp chăm sóc điều trị toàn diện cho người bệnh.
Ung thư phổi là một căn bệnh nguy hiểm, tỉ lệ tử vong cao nhưng nó là một căn bệnh có thể phòng tránh được. Hãy lắng nghe cơ thể cần gì và chủ động tạo nên các thói quen tốt, lối sống lành mạnh, khoa học để phòng và điều trị bệnh một cách tốt nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.