Trong thời tiết chuyển mùa như hiện nay, rất nhiều người gặp phải triệu chứng sốt, đau đầu và nhức mỏi toàn thân. Vậy tình trạng sốt đau đầu nhức mỏi toàn thân là bệnh gì và cần điều trị như thế nào?
1. Dấu hiệu sốt virus là gì?
Sốt đau đầu nhức mỏi toàn thân là bệnh gì là thắc mắc được rất nhiều người đặt ra trong thời điểm chuyển mùa như hiện nay. Theo các chuyên gia, những dấu hiệu bệnh lý trên xuất phát từ nguyên nhân thường gặp nhất là nhiễm virus. Tình trạng nóng lạnh nhức mỏi đau đầu do virus thường xảy ra ở đối tượng trẻ nhỏ và người già với đặc điểm chung là có hệ thống miễn dịch yếu kém. Đặc biệt, nguy cơ khởi phát bệnh sẽ cao hơn khi thời tiết chuyển mùa, nhiệt độ môi trường nóng lạnh thất thường đã tạo điều kiện thuận lợi cho các chủng virus gây bệnh phát triển mạnh. Virus có thể tấn công bất cứ bộ phận nào của cơ thể, trong đó đường hô hấp là vị trí phổ biến nhất.
Một đặc điểm của virus khiến bệnh dễ bùng phát trên diện rộng là chúng rất dễ lây lan từ người này sang người khác, đặc biệt khi tiếp xúc gần trong môi trường gia đình, công sở hoặc trường học. Điểm đáng mừng là nhiễm virus thường không quá nguy hiểm, đa số sẽ diễn biến và tự khỏi trong vòng 5 - 7 ngày.
Như đã đề cập ở trên, sốt đau đầu nhức mỏi toàn thân là bệnh gì? Theo đó, 3 triệu chứng phổ biến nhất khi nhiễm virus là sốt, đau đầu và nhức mỏi toàn thân, bên cạnh đó là một số triệu chứng khác, cụ thể như sau:
1.1. Sốt cao
Dấu hiệu sốt virus đầu tiên là thân nhiệt tăng rất cao, mức độ sốt tăng theo diễn biến bệnh, đôi khi thân nhiệt có thể lên đến 40-41 độ C. Sốt cao có thể dẫn đến nhiều biến chứng, đặc biệt là ở trẻ nhỏ, do đó người bệnh cần được hạ sốt càng nhanh càng tốt.
1.2. Nhức mỏi toàn thân
Dấu hiệu sốt virus tiếp theo là tình trạng đau, nhức mỏi toàn thân, người bệnh luôn cảm thấy cảm giác uể oải, khó chịu và dường như cơ thể đang rơi vào trạng thái mất cân bằng.
1.3. Đau đầu
Đau đầu là dấu hiệu sốt virus đi theo sau tình trạng sốt và mệt mỏi. Để hạn chế triệu chứng này, bệnh nhân nên có chế độ nghỉ ngơi, thư giãn, hạn chế căng thẳng và tránh làm việc quá sức trong thời gian virus gây bệnh.
1.4. Các triệu chứng khác
- Nghẹt mũi, khó thở: Virus tấn công và làm xuất hiện dịch mũi, khiến bệnh nhân ho và sổ mũi, từ đó dẫn đến tình trạng khó thở;
- Phát ban, nổi mẩn đỏ trên da: Thông thường, dấu hiệu sốt virus nổi mẩn đỏ và phát ban ngoài da sẽ xuất hiện sau sốt 2-3 ngày. Nguyên nhân do thân nhiệt tăng cao kéo dài đã khiến các mẩn đỏ li ti nổi dưới da. Hầu hết bệnh nhân sốt virus đều có triệu chứng này;
- Đau nhức hốc mắt: Cảm giác đau mắt, nóng rát trong nhãn cầu là một dấu hiệu sốt virus thường gặp, khiến người bệnh cảm giác khó chịu và không muốn mở mắt;
- Nổi hạch: Khi xâm nhập và tấn công vào đường hô hấp, virus sẽ khiến các hạch bạch huyết nhỏ ở vùng đầu cổ sưng lên, có thể nhận thấy khi sờ bằng tay.
Như vậy, bên cạnh sốt, nóng lạnh nhức mỏi đau đầu, bệnh nhân nhiễm virus sẽ có những triệu chứng khó chịu khác. Vậy sốt virus có nguy hiểm không?
2. Biến chứng của sốt virus là gì?
Với người trưởng thành có hệ thống miễn dịch khỏe mạnh thì việc nhiễm virus sẽ không quá nguy hiểm, bệnh sẽ diễn biến và khỏi hoàn toàn sau 5-7 ngày, đôi khi kéo dài nhưng thường không quá 10 ngày. Tuy nhiên với các đối tượng đặc biệt như trẻ nhỏ và người cao tuổi thì sốt virus có thể kéo dài, diễn biến nặng và đòi hỏi phải được thăm khám, điều trị sớm nhằm ngăn ngừa biến chứng có thể xảy ra như sau:
- Viêm thanh quản: Thanh quản bị virus tấn công có thể sưng phù dẫn đến chít hẹp. Khi đó người bệnh có những biểu hiện nguy hiểm như thở rít thanh quản, khó thở, thậm chí thiếu oxy nặng cần can thiệp hỗ trợ thở;
- Viêm phổi: Đây là biến chứng nặng của sốt virus, đồng thời cũng tăng khả năng lây nhiễm cho cộng đồng hơn;
- Viêm cơ tim: Nhiều người bệnh nhiễm virus dù đã hết sốt nhưng cơ thể vẫn trong trạng thái mệt mỏi, đặc biệt có thể diễn biến sang viêm cơ tim rất nguy hiểm với những triệu chứng như đau tim, loạn nhịp tim hoặc ngất do tim ngừng đập;
- Biến chứng não: Như co giật hoặc hôn mê. Biến chứng não của sốt virus nếu không được can thiệp có thể dẫn đến tử vong hoặc tổn thương não vĩnh viễn.
3. Làm gì khi bị sốt virus?
Tình trạng nhiễm virus thường xảy ra ở trẻ em và người già có hệ miễn dịch yếu, song thống kê cho thấy điều ngược lại khi người trưởng thành lại là đối tượng tượng bị nặng hơn. Nguyên nhân một phần do tâm lý chủ quan không tìm cách điều trị, hoặc do bận công việc hay lao động quá sức.
Thêm vào đó, người bệnh nhiễm virus nếu không có biện pháp phòng ngừa sẽ dễ dàng gây lây nhiễm cho cộng đồng, dẫn đến bùng phát dịch trên diện rộng. Các dấu hiệu sốt virus không được can thiệp sớm như khó thở, sốt cao hoặc các biến chứng như viêm phổi hay biến chứng não đều có thể dẫn đến tử vong. Do đó, khi phát hiện các triệu chứng gợi ý nhiễm virus, người bệnh cần sớm có ý thức đến bệnh viện thăm khám và điều trị. Đồng thời nên có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế tối đa việc lao động quá sức để bệnh nhanh chóng khỏi. Ngoài ra, người bệnh nhiễm virus cũng nên hạn chế tiếp xúc gần với mọi người xung quanh để tránh lây nhiễm rộng.
Hầu hết các trường hợp sốt virus không cần phải điều trị tại bệnh viện mà hoàn toàn có thể tự điều trị tại nhà và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Khi xuất hiện các biến chứng nặng hoặc tiền sử mắc các bệnh mãn tính đang điều trị liên tục, bệnh nhân cần thông báo sớm với bác sĩ để được kiểm tra và điều trị phù hợp. Tuyệt đối tránh tâm lý chủ quan, coi thường để hạn chế những diễn tiến nặng ảnh hưởng đến sức khỏe.
Hiện nay sốt virus vẫn chưa có thuốc đặc trị, đa số biện pháp chủ yếu là điều trị triệu chứng, giúp bệnh nhân giảm khó chịu và thúc đẩy bệnh mau khỏi. Các phương pháp điều trị sốt virus hiện nay bao gồm:
- Hạ sốt: Sốt cao cần được can thiệp sớm và nhanh chóng, bệnh nhân cần sử dụng thuốc hạ sốt (thường là Paracetamol) theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên bệnh nhân không nên tự ý dùng thuốc hay dùng quá liều lượng khuyến cáo. Bên cạnh đó bệnh nhân sốt cao có thể kết hợp biện pháp lau mát để thân nhiệt hạ nhanh hơn;
- Giữ ấm cơ thể bằng cách nghỉ ngơi trong phòng kín gió, bận quần áo sạch sẽ, thoáng mát, đồng thời hạn chế ra ngoài để cơ thể bị nhiễm lạnh;
- Bổ sung dinh dưỡng: Sốt, nóng lạnh nhức mỏi đau đầu khiến cơ thể thiếu nước, do đó người bệnh cần bổ sung đầy đủ nước, có thể kết hợp bổ sung dung dịch điện giải, nước hoa quả chứa Vitamin C để tăng sức đề kháng cho cơ thể. Đồng thời duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ dưỡng chất và vệ sinh cơ thể sạch sẽ để dự phòng bội nhiễm.
Có thế thấy tình trạng sốt đau đầu nhức mỏi toàn thân là bệnh gì thì nguyên nhân phổ biến nhất là nhiễm virus. Tuy bệnh lý này không quá nguy hiểm nhưng nếu có tâm lý chủ quan, không khẩn trương điều trị và nghỉ ngơi phù hợp thì bệnh vẫn có nguy cơ diễn tiến nặng, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Do đó, tốt nhất người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám, chẩn đoán và có hướng điều trị phù hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.