Sỏi túi mật gây tắc nghẽn trong quá trình lưu thông của dịch mật tự nhiên, tình trạng này có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng cho sức khỏe như viêm túi mật hay ung thư túi mật. Tùy theo từng tình huống cụ thể, bác sĩ có thể quyết định điều trị bằng phương pháp nội khoa hoặc thực hiện phẫu thuật.
Bài viết được viết bởi ThS.BS Nguyễn Ngọc Khánh - Trưởng Đơn nguyên Ngoại tiêu hóa tiết niệu phẫu thuật Robot & Ngoại Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
1. Sỏi túi mật là gì?
Được hình thành từ cholesterol, muối mật và canxi, sỏi túi mật thể rắn có kích thước từ vài mm đến vài cm. Trong đó, số lượng sỏi có thể dao động từ một đến hàng trăm viên.
2. Nguyên nhân gây sỏi túi mật là gì?
Sỏi túi mật được hình thành từ các tinh thể xuất hiện trong quá trình chuyển hoá, khi nồng độ cholesterol trong dịch mật tăng quá cao.
Bất kỳ ai cũng có thể gặp phải sỏi túi mật nhưng người trẻ thường ít bị hơn. Những người có nguy cơ cao bao gồm:
- Những người thừa cân, do sỏi liên quan đến lượng cholesterol dư thừa trong máu.
- Phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai có chứa estrogen.
- Người mắc các bệnh viêm đường ruột như bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng.
3. Các triệu chứng của sỏi túi mật?
- Sỏi túi mật thường được phát hiện tình cờ trong quá trình siêu âm cho một bệnh lý khác do hầu hết người bệnh không có triệu chứng. Tuy nhiên, một số trường hợp cũng xuất hiện các triệu chứng sau:
- Phía dưới sườn phải xuất hiện cảm giác đau bụng âm ỉ, xuyên ra lưng và đến vai bên phải.
- Bệnh nhân ít khi bị đau quặn dữ dội. Nếu cảm thấy đau, cơn đau thường liên quan đến tình trạng tắc nghẽn ống cổ túi mật do sỏi. Viêm túi mật cấp tính yêu cầu người bệnh phải nhập viện để được điều trị bằng thuốc và theo dõi. Nếu tình trạng viêm tiến triển dẫn đến hoại tử, bác sĩ sẽ can thiệp phẫu thuật cấp cứu.
- Sốt, vàng da thường là dấu hiệu cho thấy sỏi đã gây biến chứng.
4. Chẩn đoán sỏi túi mật như thế nào?
Chức năng gan và tình trạng cholesterol trong máu sẽ được xác định qua các xét nghiệm máu. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện các phương pháp sau:
- Chụp X-quang: Bác sĩ có thể chỉ định chụp X-quang để phát hiện sỏi túi mật. Phương pháp này không đòi hỏi người bệnh phải gây mê hay sử dụng thuốc ổn định tâm lý.
- Siêu âm: Kỹ thuật này sử dụng thiết bị đầu dò và sóng âm thanh an toàn để tạo ra hình ảnh của túi mật, giúp nhận diện sỏi mật. Quá trình thực hiện siêu âm hoàn toàn không gây đau đớn.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): Phương pháp chụp CT cung cấp hình ảnh chi tiết về tuyến tụy, túi mật và ống dẫn mật, từ đó phát hiện sỏi mật và các biến chứng như nhiễm trùng, tắc nghẽn túi mật hoặc ống dẫn mật.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Phương pháp này cung cấp hình ảnh chi tiết về các cơ quan và mô mềm, xem bên trong đường mật có xuất hiện sỏi túi mật hay không.
- Quét HIDA (Cholescintigraphy): Phương pháp này được dùng để tạo hình ảnh của đường mật bằng cách sử dụng chất phóng xạ an toàn, từ đó phát hiện các cơn co thắt bất thường hoặc tắc nghẽn ống dẫn mật do sỏi.
- Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP): Đây là phương pháp kết hợp giữa nội soi dạ dày và chụp X-quang để chẩn đoán và điều trị các bệnh lý liên quan đến túi mật, tuyến tụy và loại bỏ sỏi mật.
5. Điều trị sỏi túi mật như thế nào?
Nếu sỏi túi mật có kích thước lớn hơn 1cm mà không biểu hiện triệu chứng thì bệnh nhân có thể không cần điều trị. Thực tế cho thấy, sỏi thường được phát hiện ngẫu nhiên và nhiều người đã sống chung với sỏi trong nhiều năm mà không gặp triệu chứng gì. Biến chứng liên quan đến loại sỏi này thường không nghiêm trọng, chỉ gây ra viêm túi mật.
Tuy nhiên, đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có sỏi túi mật, bác sĩ khuyên người bệnh nên tiến hành phẫu thuật điều trị chủ động trước khi mang thai nhằm tránh tình trạng viêm túi mật trong thời kỳ mang thai. Khi mang thai, quá trình điều trị sỏi mật trở nên phức tạp hơn, nhất là trong trường hợp cần phải phẫu thuật cắt túi mật.
Mặc dù nhiều hãng thuốc quảng cáo sản phẩm “tan sỏi” nhưng hiệu quả của thuốc rất hạn chế. Những loại thuốc này chủ yếu giúp ngăn ngừa sự hình thành sỏi ở những người có nguy cơ cao, chẳng hạn như những người đã trải qua phẫu thuật cắt dạ dày để giảm cân. Một loại thuốc “tan sỏi" khá phổ biến là Ursodiol với các tên thương mại như Actigall, Urso Forte và Urso 250.
Sỏi có kích thước 2-3mm gây nguy hiểm lớn hơn so với sỏi 1-2cm vì có khả năng dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng, thậm chí là tử vong do viêm tụy cấp hoại tử. Do đó, khi phát hiện sỏi mật có kích thước từ 2-3mm, người bệnh nên chủ động đến bệnh viện ngoại khoa để kiểm tra và yêu cầu phẫu thuật ngay cả khi sỏi chưa gây ra triệu chứng nào.
Do sỏi túi mật gây ra triệu chứng đau và sốt theo từng đợt nên điều trị sỏi túi mật cần thực hiện bằng phẫu thuật là một phương pháp khá phổ biến:
- Tán sỏi chưa được áp dụng trong quá trình điều trị sỏi túi mật do không mang lại hiệu quả và có thể gây biến chứng.
- Phẫu thuật cắt túi mật nội soi được coi là phương pháp điều trị tiêu chuẩn vàng cho sỏi túi mật hiện nay. Thông thường, phẫu thuật nội soi được thực hiện với 3-4 vết rạch nhỏ trên da bụng, mỗi vết dài từ 0.5 đến 1cm để đưa dụng cụ vào qua cơ thể thông qua thành bụng. Bác sĩ cũng có thể sử dụng kỹ thuật SILS, cắt một đường rạch duy nhất qua rốn, giúp không để lại sẹo sau phẫu thuật.
- Trung bình, một ca phẫu thuật sỏi túi mật mất khoảng 15-30 phút, người bệnh thường nằm viện từ 1 đến 2 ngày sau khi mổ.
- Phẫu thuật túi mật không bị viêm dễ dàng hơn nhiều so với khi túi mật đã viêm nhiều lần.
6. Khi bị viêm túi mật thì làm thế nào?
Người bệnh sẽ cần phải nhập viện để điều trị. Tại đây, các bác sĩ sẽ thực hiện quá trình chẩn đoán và xem xét phương pháp điều trị theo trình tự như sau: Chẩn đoán xác định -> Đánh giá mức độ nghiêm trọng -> Xác định nguy cơ có sỏi ở ống mật chủ -> Chọn phương pháp điều trị.
- Chẩn đoán xác định (theo hướng dẫn Tokyo Guideline 2013)
- Chẩn đoán mức độ nặng của bệnh nhân (theo hướng dẫn Tokyo Guideline 2013)
- Đánh giá nguy cơ có sỏi ống mật chủ (modified of American Society of Gastrointestinal Endoscopy và Society of American of Gastrointestinal Endoscopic Surgeons)
Lựa chọn thăm dò chẩn đoán sỏi ống mật chủ (Theo 2016 WSES guideline)
Lựa chọn điều trị (theo hướng dẫn Tokyo Guideline 2013)
Một số hình ảnh phẫu thuật:
- Phẫu thuật nội soi một đường rạch.
- Phẫu thuật mở ở một bệnh nhân viêm tuỵ hoại tử do biến chứng của sỏi túi mật nhỏ.
Một bệnh nhân nữ 54 tuổi không có tiền sử bị đau hoặc sỏi túi mật được phát hiện trước đó vào viện vì cơn đau bụng dữ dội ở khu vực trên rốn và dưới sườn bên phải. Quá trình khám lâm sàng cho thấy khả năng viêm tuỵ cấp, trong khi siêu âm bụng phát hiện sỏi nhỏ ở túi mật, kết quả xét nghiệm máu cho thấy nồng độ amylase vượt quá 3000 đơn vị.
Sau khi nhập viện, bệnh nhân được tiến hành sonde dạ dày, nhịn ăn hoàn toàn và nhận thuốc để theo dõi tình trạng. Tuy nhiên, bệnh tình đã xấu đi cho thấy dấu hiệu viêm tụy hoại tử buộc phải thực hiện phẫu thuật mở bụng cấp cứu.
Bệnh nhân trải qua quá trình cắt túi mật và dẫn lưu ống mật chủ, sau đó mở bao tụy để lấy tổ chức hoại tử. Hai rãnh đại tràng được hạ xuống và mở rộng, bụng được làm sạch và dẫn lưu một cách rộng rãi. Sau ca mổ diễn biến nặng, người bệnh phải sử dụng máy thở trong nhiều ngày, ăn qua đường mở thông ruột và ra viện sau hơn 40 ngày điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.