Sỏi túi mật là một bệnh lý phổ biến, đặc biệt ở phụ nữ trên 40 tuổi và những người béo phì. Do triệu chứng ban đầu thường rất nhẹ hoặc không rõ ràng, bệnh thường khó được phát hiện sớm. Khi xuất hiện những cơn đau rõ rệt, sỏi thường đã đạt kích thước lớn. Vậy các phương pháp điều trị sỏi túi mật hiện nay là gì và khi nào cần phẫu thuật sỏi túi mật.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của Bác sĩ Phan Thanh Nguyên - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
1. Sỏi túi mật là gì?
Túi mật là một cơ quan nhỏ nằm dưới thùy gan phải, có màu xanh lam và dung tích từ 30 đến 60 ml. Chức năng chính của túi mật là lưu trữ và cô đặc dịch mật do gan tiết ra. Khi thức ăn vào dạ dày, túi mật sẽ co bóp để đẩy dịch mật vào đường mật, sau đó xuống tá tràng, giúp tiêu hóa chất béo trong thức ăn.
Sỏi túi mật là các tinh thể rắn được hình thành do sự kết tinh của các thành phần trong dịch mật. Nếu không được điều trị kịp thời, sỏi túi mật có thể tiếp tục phát triển về mặt kích thước và cả số lượng. Ban đầu, sỏi có thể nhỏ như hạt cát, sau đó lớn dần đến kích thước hạt đậu, thậm chí có trường hợp sỏi lớn bằng quả bóng golf. Người bệnh có thể có một hoặc nhiều viên sỏi cùng lúc. Sỏi túi mật gây cản trở quá trình tiết dịch mật, có thể dẫn đến viêm túi mật và ảnh hưởng đến chức năng của gan và tụy.

2. Khi nào cần phẫu thuật sỏi túi mật?
Sỏi túi mật có thể gây ra những cơn đau quặn ở vùng hạ sườn phải và thượng vị. Các cơn đau này có thể kéo dài từ vài phút đến vài giờ và thường xảy ra sau khi ăn, đặc biệt là sau bữa ăn nhiều chất béo. Người bệnh cũng có thể cảm thấy buồn nôn hoặc nôn mửa.
Hiện nay, có hai phương pháp điều trị sỏi túi mật: can thiệp phẫu thuật và điều trị không phẫu thuật. Vậy khi nào cần phẫu thuật điều trị sỏi túi mật?
Phẫu thuật chỉ được chỉ định khi sỏi túi mật gây ra các triệu chứng đau đớn kéo dài, viêm túi mật mãn tính hoặc các biến chứng khác có nguy cơ cao đe dọa đến tính mạng.
Trong trường hợp sỏi không gây triệu chứng nghiêm trọng, không gây quá nhiều đau đớn người bệnh có thể được điều trị bằng thuốc tan sỏi, tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng chấn động, làm tan sỏi và lấy sỏi qua da hoặc lấy sỏi qua phương pháp nội soi.
Sử dụng thuốc tan sỏi là phương pháp điều trị nội khoa phổ biến ở Việt Nam, tuy nhiên đối với sỏi sắc tố mật (một loại sỏi chủ yếu ở nước ta), thuốc không có hiệu quả cao, khác với sỏi Cholesterol phổ biến ở phương Tây.
Cần lưu ý rằng các loại thuốc tan sỏi được quảng cáo rộng rãi nhưng thực tế chỉ có tác dụng hạn chế, chủ yếu dùng để phòng ngừa hình thành sỏi ở những người có nguy cơ cao như những bệnh nhân đã phẫu thuật cắt bỏ một phần dạ dày để giảm cân.
Phương phương tán sỏi hay lấy sỏi qua nội soi có kết quả không cao và còn phụ thuộc vào loại sỏi, kích thước sỏi và cả giải phẫu ống mật của bệnh nhân. Bên cạnh đó, các phương pháp này có một đặc điểm chung là để lại túi mật, nơi sỏi sẽ tạo ra trong tương lai nên sẽ mất nhiều thời gian điều trị và có hiệu quả không cao.

Phẫu thuật thường chỉ được xem xét chỉ định khi sỏi gây ra các triệu chứng đau nghiêm trọng, viêm túi mật mãn tính. Khi xuất hiện các biến chứng khác có thể đe dọa tính mạng, bệnh nhân cần phải tiến hành thực hiện phẫu thuật, bất kể kích thước của sỏi.
Ngoài ra, trong trường hợp người bệnh không có triệu chứng nhưng có sỏi kích thước lớn hơn 25mm, có nhiều sỏi nhỏ, sỏi đi kèm với polyp túi mật lớn hơn 10mm hoặc nếu có nguy cơ ung thư túi mật, phẫu thuật cũng là phương pháp điều trị được ưu tiên lựa chọn.
3. Phương pháp phẫu thuật cắt túi mật nội soi điều trị sỏi túi mật
Phẫu thuật cắt túi mật nội soi đang được coi là tiêu chuẩn vàng trong điều trị sỏi túi mật nhờ nhiều ưu điểm vượt trội. Phẫu thuật có thể được thực hiện bằng phương pháp nội soi thông thường với 3-4 vết rạch nhỏ trên thành bụng, khoảng 0.5-1cm, để đưa các dụng cụ phẫu thuật vào bên trong hoặc qua phương pháp SILS (Single Incision Laparoscopic Surgery) với một đường rạch duy nhất qua rốn, giúp không để lại sẹo sau phẫu thuật.
Những ưu điểm của phương pháp này bao gồm:
- Gây đau ít sau phẫu thuật do vết mổ nhỏ.
- Thời gian tiểu phẫu ngắn, tổn thương mô ít, giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng và các vấn đề sau mổ. Một ca phẫu thuật nội soi cắt túi mật thường kéo dài từ 15-30 phút. Thời gian nằm viện sau mổ thường từ 1-2 ngày. Trường hợp phẫu thuật túi mật không bị viêm thường dễ dàng và an toàn hơn so với trường hợp túi mật đã bị viêm nhiều lần.
- Quá trình hồi phục của bệnh nhân diễn ra nhanh chóng.
- Tỉ lệ biến chứng và tai biến thấp hơn so với phương pháp mổ mở truyền thống.
Sau khi thực hiện phẫu thuật cắt túi mật nội soi, một số bệnh nhân có thể gặp phải rối loạn tiêu hóa tạm thời như đầy hơi, tiêu chảy hoặc khó tiêu. Những triệu chứng này thường giảm dần và biến mất sau 3 đến 6 tháng. Để hỗ trợ quá trình hồi phục, bệnh nhân nên áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế chất béo và trứng trong vài tháng đầu sau phẫu thuật.
4. Khám và điều trị sỏi túi mật tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec
Bệnh nhân mắc bệnh sỏi túi mật có thể đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để khám và tiếp nhận điều trị. Tại đây, bệnh nhân sẽ được các bác sĩ chuyên gia hàng đầu, giàu kinh nghiệm tiến hành khám và tư vấn. Tùy vào từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ quyết định liệu pháp điều trị phù hợp, có thể là điều trị nội khoa bằng thuốc hoặc áp dụng phương pháp phẫu thuật cắt túi mật nội soi.

Phẫu thuật cắt túi mật nội soi tại Vinmec được thực hiện theo quy trình chuẩn mực, với trang thiết bị y tế tiên tiến nhất. Sau phẫu thuật, vết mổ được dán keo sinh học giúp giảm thiểu sẹo. Bệnh nhân sau mổ sẽ được kiểm soát đau một cách hiệu quả, đảm bảo không còn cảm giác đau. Bên cạnh đó, bệnh nhân sẽ được chăm sóc tại phòng bệnh hiện đại, tiện nghi, đầy đủ chức năng, hỗ trợ quá trình phục hồi diễn ra nhanh chóng và thuận lợi.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.