Sỏi túi mật có thể tầm soát, phát hiện sớm không?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ. BSCK II Phan Thị Minh Hương - Bác sĩ Nội tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Khoảng 70% trường hợp sỏi túi mật không có triệu chứng cụ thể. Đa số bệnh nhân phát hiện căn bệnh thông qua siêu âm ổ bụng khi kiểm tra sức khỏe tổng quát. Tầm soát sỏi mật giúp phát hiện sớm và tránh những diễn biến phức tạp.

1. Đối tượng nên tầm soát sỏi mật

Nguy cơ mắc bệnh sỏi túi mật tăng dần theo độ tuổi. Mặc dù vẫn có trường hợp bệnh xảy ra ở nam giới, song các số liệu thống kê cho thấy phụ nữ sau sinh ≥ 35 tuổi là đối tượng dễ mắc bệnh hơn. Ngoài ra, một người thừa cân hoặc béo phì thường đối diện với nguy cơ mắc sỏi túi mật tăng lên gấp đôi. Cụ thể, bệnh nhân nên tiến hành tầm soát sỏi mật nếu thuộc nhóm đối tượng sau:

  • Tuổi tác: Độ tuổi trung niên, từ 35-40 tuổi trở lên
  • Giới tính: Cả nam và nữ, đặc biệt là phụ nữ
  • Đặc điểm: Thừa cân, béo phì, dùng thuốc tránh thai có chứa estrogen thường xuyên hoặc sinh nở nhiều lần (đối với nữ giới)

Nội tiết tố nữ có ảnh hưởng tới quá trình hấp thu chất béo, do đó phụ nữ lớn tuổi sẽ bắt đầu tích tụ nhiều mỡ và cholesterol. Đây chính là yếu tố thuận lợi để hình thành sỏi túi mật. Tại Việt Nam hiện nay, nhờ vào việc áp dụng phổ biến siêu âm bụng trong chẩn đoán hay khám tổng quát, tỷ lệ phát hiện các ca mắc sỏi túi mật đơn thuần được gia tăng đáng kể.


Phụ nữ trung niên thừa cân và sinh con nhiều lần có nguy cơ cao mắc sỏi mật.
Phụ nữ trung niên thừa cân và sinh con nhiều lần có nguy cơ cao mắc sỏi mật.

2. Triệu chứng và biến chứng sỏi túi mật

2.1. Triệu chứng

Sỏi túi mật thường không biểu hiện triệu chứng cụ thể, nhưng nếu có thì đau bụng tại vị trí của mật là dấu hiệu điển hình. Có thể phân biệt đau bụng do sỏi mật với các nguyên nhân khác thông qua những đặc điểm sau:

  • Thời điểm: Cơn đau quặn mật thường xuất hiện sau ăn, đặc biệt là khi tiêu thụ thức ăn có nhiều chất béo, hoặc đau về đêm khiến bệnh nhân thức giấc
  • Chu kỳ: Đau trong một lúc, từ vài phút đến hàng giờ, sau đó ngưng hẳn rồi lại tái phát theo từng đợt
  • Vị trí: Phổ biến xảy ra ở vùng thượng vị hoặc vùng bụng trên phải, dễ nhầm với đau dạ dày tá tràng.
  • Mức độ: Bệnh nhân có thể ngưng thở vì cơn đau dữ dội

Những dấu hiệu khác cũng hay đi kèm với sỏi túi mật bao gồm đau lưng, đau phía trên và bên trái bụng, buồn nôn và ói mửa, đầy bụng khó tiêu khi ăn nhiều dầu mỡ.

2.2. Biến chứng

Các biến chứng thường gặp của sỏi túi mật bao gồm viêm túi mật cấp, viêm đường mật và viêm tụy cấp. Nguyên nhân dẫn đến những tình trạng kéo theo này là do sỏi từ trong túi mật rớt ra ngoài và kẹt ở đó, gây tắc nghẽn và hình thành viêm. Đây là những biến chứng rất nặng, cần phải điều trị cấp cứu bằng cách phẫu thuật can thiệp lấy sỏi kịp thời.

Ngoài ra, khi sỏi túi mật to trên 25mm, có kèm với polyp và túi mật đã vôi hóa sẽ hình thành ung thư túi mật. Vì khoảng 70% bệnh sỏi túi mật không có triệu chứng nên bệnh thường diễn tiến âm thầm, dẫn đến chẩn đoán trễ. Do đó, tầm soát sỏi mật và khám sỏi mật thường xuyên đóng vai trò rất quan trọng nhằm hạn chế những tai biến nghiêm trọng nói chung, cũng như giảm tối đa nguy cơ ung thư túi mật.


Khi sỏi mật xuất hiện cùng với polyp và vôi hóa thì dễ dẫn đến ung thư túi mật.
Khi sỏi mật xuất hiện cùng với polyp và vôi hóa thì dễ dẫn đến ung thư túi mật.

3. Phòng ngừa và khám sỏi mật

Hàng năm, vẫn có một số trường hợp bệnh sỏi mật được phát hiện khi đã vào giai đoạn biến chứng mà không trải qua bất kỳ triệu chứng nào. Chính vì vậy, người ở độ tuổi trung niên, đặc biệt là phụ nữ và/hoặc bị thừa cân, nên chủ động phòng ngừa và tầm soát sỏi mật kể cả khi chưa nhận thấy những vấn đề sức khỏe bất thường.

Một số lưu ý có tác dụng ngăn chặn sỏi mật hình thành và phát triển, cũng như tránh chẩn đoán bệnh ở giai đoạn muộn bao gồm:

  • Cân đối khẩu phần ăn, giữ cân nặng ở mức hợp lý
  • Hạn chế các thức ăn có nhiều cholesterol như da, nội tạng, trứng...
  • Bổ sung rau xanh và trái cây vào bữa ăn hàng ngày
  • Ăn đúng giờ, đúng bữa giúp cho mật hoạt động tiết dịch điều độ
  • Chú ý vệ sinh trong ăn uống để giảm phơi nhiễm giun sán
  • Uống thuốc sổ giun sán định kỳ
  • Kiểm tra và điều trị các vấn đề rối loạn tiêu hóa
  • Khám sức khỏe tổng quát 6 tháng một lần với siêu âm

Sau khi khám sỏi mật và phát hiện bệnh, các bác sĩ khuyên rằng bệnh nhân không cần cắt túi mật để phòng ngừa biến chứng nếu không có triệu chứng đau quặn mật dữ dội. Thuốc làm tan sỏi mật hoặc tán sỏi qua sóng chấn động là những lựa chọn thường được bác sĩ chỉ định đối với sỏi túi mật giai đoạn đầu. Ngược lại, trường hợp bệnh nhân có xuất hiện các cơn đau điển hình của sỏi túi mật, có polyp và túi mật sứ cảnh báo ung thư, hoặc mắc hội chứng tiểu đường hay tim mạch thì có thể phẫu thuật. Quyết định mổ lấy sỏi hay cắt túi mật qua nội soi ổ bụng sẽ tùy thuộc vào mức độ và tình trạng bệnh.

Tóm lại, sỏi túi mật hoàn toàn có thể tầm soát và phát hiện sớm thông qua các bước siêu âm ổ bụng đơn giản. Vì bệnh thường diễn tiến âm thầm và ít khi biểu hiện triệu chứng, đối tượng thuộc nhóm yếu tố nguy cơ dễ mắc bệnh nên chủ động khám sỏi mật định kỳ để theo dõi sát tình trạng sức khỏe của bản thân.

Hiện nay, gói Sàng lọc gan mật do Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec triển khai sẽ thay bạn kiểm tra, theo dõi, đánh giá tình trạng sức khỏe gan mật. Với đội ngũ bác sĩ là các chuyên gia trình độ chuyên môn cao, dày dặn kinh nghiệm, cùng sự hỗ trợ của hệ thống máy móc tiên tiến, dịch vụ chuyên nghiệp, khách hàng khi tham gia gói sẽ được hưởng những lợi ích y tế tốt nhất, bảo vệ toàn diện sức khỏe gan mật cho chính mình và người thân.

Bác sĩ Hương có kinh nghiệm trên 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Nội Tiêu hóa trong đó với với gần 20 năm giữ chức vụ Phó khoa, trưởng khoa Bệnh viện Trung ương Huế. Hiện tại, là Bác sĩ Nội tiêu hóa - Nội soi tiêu hóa - Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe