Sởi là bệnh nhiễm trùng do virus, lây lan nhanh qua đường không khí và tiếp xúc gần. Bệnh gây sốt cao, phát ban đỏ và nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị đúng cách. Tiêm vaccine là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất
Sởi là gì?
Sởi là một bệnh nhiễm trùng do virus gây ra. Virus sởi sống trong dịch nhầy ở mũi và cổ họng. Chúng lây lan qua không khí và qua tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh. Virus có thể tồn tại trên bề mặt và trong không khí lên đến 2 giờ.
Bệnh sởi rất dễ lây. Khả năng bị lây nhiễm sởi lên đến 90% nếu chưa được tiêm vaccine và ở gần người mắc bệnh sởi.
Điều làm cho bệnh sởi nguy hiểm là bạn có thể lây nhiễm 4 ngày trước khi xuất hiện phát ban đặc trưng. Vậy nên, bạn có thể dễ dàng lây lan virus mà không biết mình đã mắc bệnh. Bạn sẽ tiếp tục lây nhiễm 4 ngày sau khi phát ban biến mất.
Triệu chứng của bệnh sởi
Bệnh sởi thường diễn tiến qua từng giai đoạn trong khoảng 2-3 tuần. Trong 10-14 ngày đầu sau khi tiếp xúc với virus, bạn sẽ không có triệu chứng nào. Đây là giai đoạn ủ bệnh.
Sốt cao thường là dấu hiệu đầu tiên của nhiễm trùng sau giai đoạn ủ bệnh. Sốt kéo dài từ 4 đến 7 ngày. Trong thời gian này, bạn có thể gặp các triệu chứng như:
Sau các triệu chứng này, phát ban đỏ xuất hiện. Chúng thường bắt đầu từ chân tóc và lan xuống cổ, thân, tay chân, bàn chân, và tay. Khi phát ban lan rộng, nhiệt độ cơ thể có thể tăng lên đến 40,5°C hoặc cao hơn. Cuối cùng, phát ban sẽ bắt đầu mờ đi từ phần trên cơ thể xuống dưới, bắt đầu từ khuôn mặt.
Bạn có thể lây bệnh cho người khác trong 8 ngày: 4 ngày trước và 4 ngày sau khi xuất hiện phát ban.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ của bệnh sởi
Bệnh sởi lây lan nhanh chóng và dễ dàng qua đường ho và hắt hơi. Bạn cũng có thể nhiễm bệnh nếu tiếp xúc với dịch nhầy từ mũi hoặc miệng của người bị bệnh.
Virus tồn tại trên bề mặt lên đến 2 giờ. Chạm vào bề mặt bị nhiễm virus và sau đó chạm vào mũi, mắt hoặc miệng là một đường lây bệnh.
Nguy cơ mắc bệnh sởi tăng lên nếu bạn:
- Chưa được tiêm vaccine, đặc biệt là khi còn trẻ hoặc đang mang thai
- Bạn từng xuất ngoại
- Sống ở khu vực có nhiều người chưa tiêm vaccine
- Đã từng đến khu vực có dịch bùng phát hoặc tỷ lệ tiêm chủng thấp
- Thiếu vitamin A
- Có hệ miễn dịch suy yếu do một tình trạng bệnh khác hoặc do điều trị y tế
Chẩn đoán bệnh sởi
Bệnh sởi được chẩn đoán bằng cách tìm hiểu tiền sử bệnh chi tiết và quan sát các phát ban, các đốm trắng nhỏ Koplik trong miệng. Hoặc có thể cần đến xét nghiệm máu.
Điều trị và biện pháp chăm sóc tại nhà cho bệnh sởi
Thuốc sẽ không chữa được bệnh (hầu hết các loại thuốc không tiêu diệt được virus). Cách tốt nhất để giúp hồi phục nhanh và ngăn ngừa biến chứng là uống nhiều nước và nghỉ ngơi đầy đủ.
Không có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh sởi, nhưng có một số biện pháp nếu bạn nghĩ rằng bạn đã tiếp xúc với virus:
- Tiêm vaccine sau phơi nhiễm. Nếu bạn chưa từng tiêm vaccine sởi, bạn có thể tiêm trong vòng 72 giờ sau khi tiếp xúc với virus. Vaccine có thể giảm nguy cơ mắc bệnh và làm nhẹ các triệu chứng nếu bạn nhiễm bệnh.
- Tiêm globulin miễn dịch. Protein này có thể tăng cường hệ miễn dịch của bạn nếu bạn đang mang thai, còn rất nhỏ hoặc có tình trạng làm suy yếu hệ miễn dịch. Bạn phải tiêm trong vòng 6 ngày sau khi tiếp xúc với virus. Mũi tiêm này có thể ngăn ngừa hoặc giảm nhẹ triệu chứng sởi.
Nếu bệnh sởi của bạn gây nhiễm trùng do vi khuẩn, như nhiễm trùng tai hoặc viêm phổi, bác sĩ có thể kê kháng sinh để điều trị.
Tại nhà, bạn có thể làm giảm triệu chứng sởi bằng cách:
- Dùng thuốc hạ sốt như acetaminophen, ibuprofen, hoặc naproxen (không cho trẻ em dùng aspirin)
- Bổ sung vitamin A. Trẻ thiếu vitamin A có nguy cơ cao mắc bệnh sởi. Tăng cường vitamin A có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của triệu chứng.
- Nghỉ ngơi
- Uống nhiều nước để bù lại nước đã mất do sốt và đổ mồ hôi
- Sử dụng máy tạo độ ẩm để dễ thở hơn
- Sử dụng ánh sáng mờ hoặc đeo kính râm để giảm đau mắt do ánh sáng mạnh
Biến chứng của bệnh sởi
Trẻ dưới 5 tuổi và người lớn trên 20 tuổi thường gặp phải những vấn đề nghiêm trọng hơn, bao gồm:
- Nhiễm trùng tai. Đây là biến chứng rất phổ biến do vi khuẩn. Đôi khi, những nhiễm trùng tai này gây mất thính lực vĩnh viễn.
- Viêm phế quản, viêm thanh quản, hoặc croup. Thường thì virus sởi gây viêm trong thanh quản hoặc ống phế quản của bạn, những đường dẫn không khí đến phổi.
- Tiêu chảy. Với tỷ lệ dưới 1 trong 10 người mắc sởi bị tiêu chảy.
- Viêm phổi. Bạn có thể bị nhiễm trùng nghiêm trọng ở phổi.
- Viêm não, nhiễm trùng não có thể gây điếc và tổn thương não. Khoảng 1 trong 1.000 người mắc sởi mắc phải tình trạng này. Bạn có thể mắc ngay sau khi bị sởi hoặc nhiều tháng sau đó.
- Các vấn đề về thai kỳ như sinh non, thai nhẹ cân hoặc thậm chí tử vong ở mẹ
- Viêm não xơ hóa bán cấp (SSPE) là một biến chứng rất hiếm gặp xuất hiện sau khi mắc sởi 7-10 năm. SSPE ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương và có thể gây tử vong.
Phòng ngừa bệnh sởi
Tiêm vaccine là cách tốt nhất để ngăn chặn sự lây lan của bệnh sởi. Nhờ vào vaccine sởi-quai bị-rubella (MMR), virus này hầu như đã bị loại bỏ. Điều này không có nghĩa là không ai mắc sởi nữa; nó chỉ không còn tồn tại liên tục.
Nếu bạn sống ở khu vực có tỷ lệ tiêm phòng sởi cao nhưng bị mắc bệnh, thường là do ai đó mang virus từ nước ngoài hoặc bạn đã đến một khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp và bùng phát thường xuyên.
Vaccine MMR có hiệu quả 97% sau hai liều. Các bác sĩ khuyến cáo rằng trẻ em nên tiêm liều đầu tiên khi từ 12 đến 15 tháng tuổi và liều thứ hai từ 4 đến 6 tuổi.
Vaccine an toàn cho hầu hết mọi người. Nhưng phụ nữ mang thai, người có hệ miễn dịch suy yếu (do các bệnh như ung thư máu và bệnh lao) và những người dị ứng với thành phần nào đó của vaccine sẽ không thể tiêm. Vì vậy, họ có nguy cơ cao hơn nếu tiếp xúc với virus sởi.
Tác dụng phụ từ mũi tiêm MMR không phổ biến, nhưng bạn có thể bị:
- Đau, đỏ, hoặc sưng tại vị trí tiêm
- Sốt, có thể xuất hiện khoảng một tuần sau khi tiêm vaccine
- Phát ban nhẹ
- Đau hoặc cứng khớp tạm thời
Rất hiếm khi, mũi tiêm MMR có thể gây sốt cao hoặc co giật.
Bạn có thể cần hoãn tiêm vắc xin MMR nếu đang mang thai, nghĩ rằng có thể đang mang thai hoặc gần đây đã được truyền máu.
Nếu bạn không thể tiêm vắc xin MMR, điều quan trọng là phải thực hiện các biện pháp an toàn để tránh nhiễm bệnh. Hãy đảm bảo:
- Rửa tay kỹ và thường xuyên bằng xà phòng
- Băng kín các vết thương hoặc da bị trầy xước
- Tránh chạm tay lên mặt
- Không dùng chung dụng cụ ăn uống, khăn giấy hoặc khăn ăn với người khác.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd