Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Võ Thị Thùy Trang - Bác sĩ Nội soi tiêu hóa, Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nội soi tiêu hóa.
Sỏi đường mật là những viên sỏi rắn hình thành trong hệ thống ống bài tiết dịch mật trong gan, bao gồm cả túi mật. Nếu kích thước sỏi lớn, gây tắc nghẽn, người bệnh có thể gặp phải các cơn đau vùng bên phải ổ bụng dữ dội, có khi phải cần đến phẫu thuật cấp cứu. Ngược lại, sỏi đường mật cũng có thể gây tăng men gan hay gan to và được phát hiện khi xét nghiệm trong khi người bệnh hoàn toàn không có triệu chứng gì.
1. Sỏi đường mật là gì?
Sỏi đường mật hình thành trên các cặn lắng trong dịch mật, chứa các enzyme giúp tiêu hóa chất béo và hấp thụ một số vitamin. Mật được tạo ra ở gan, bài tiết theo các ống mật và được mang đến cô đặc, dự trữ tại túi mật, một cơ quan nhỏ hình quả lê bên dưới gan, sẵn sàng sử dụng vào các bữa ăn.
Khi các chất rắn trong dịch mật bị kết tinh, có thể do tắc nghẽn hay có sự tham gia của vi trùng, sỏi đường mật sẽ có điều kiện xuất hiện. Hầu hết các viên sỏi đường mật có đường kính rất nhỏ, có thể tương tự như một hạt cát, tuy nhiên đôi khi lại phát hiện sỏi lớn như một quả bóng golf trong túi mật.
Bản chất của hầu hết sỏi đường mật có thành phần chủ yếu là cholesterol. Phần còn lại - được gọi là sỏi sắc tố - được làm từ muối canxi và bilirubin, một sản phẩm phân hủy của các tế bào hồng cầu.
Về tỷ lệ thường gặp, phụ nữ có nguy cơ gặp phải sỏi đường mật cao hơn nam giới. Đó là hệ quả tác dụng của nội tiết tố nữ. Estrogen làm tăng cholesterol trong mật trong khi progesterone làm chậm quá trình làm rỗng túi mật. Chính vì thế, trước 40 tuổi, phụ nữ được chẩn đoán sỏi mật gần gấp ba lần so với nam giới.
Tuy vậy, khi đến 60 tuổi, nguy cơ của nữ giới chỉ lớn hơn nam giới một chút. Ngoài ra, các liệu pháp estrogen, như thuốc tránh thai, sẽ làm tăng nguy cơ mắc phải sỏi đường mật, đặc biệt là khi dùng thuốc dưới dạng thuốc viên thay vì miếng dán.
Bên cạnh đó, béo phì cũng là một yếu tố nguy cơ khác làm tăng tỷ lệ mắc sỏi đường mật do cơ thể có nhiều chất béo, sản xuất nhiều estrogen hơn. Nghịch lý thay, giảm cân nhanh cũng làm tăng nguy cơ, bởi vì chế độ ăn rất ít calo sẽ làm trì trệ việc sản xuất mật và dễ gây ra sự kết tinh của cholesterol nhiều hơn.
Mặt khác, sỏi đường mật cũng hay gặp ở những người mắc bệnh tiểu đường hoặc bất kỳ tình trạng nào làm giảm co bóp nhu động ruột hoặc túi mật, chẳng hạn như chấn thương tủy sống. Một số bằng chứng cho thấy mối liên hệ trong khiếm khuyết di truyền đối với sự hình thành sỏi mật.
2. Các triệu chứng của sỏi đường mật như thế nào?
Hầu hết những người có sỏi đường mật không biết sự hiện diện này cho đến khi xuất hiện triệu chứng. Theo đó, sỏi đường mật “giữ im lặng” và chỉ có thể được phát hiện tình cờ, thông qua siêu âm hoặc CT scan được thực hiện vì những bệnh lý khác.
Các triệu chứng của sỏi đường mật chỉ xảy ra chủ yếu khi sỏi đi qua ống mật hoặc tắc nghẽn tại bất kỳ vị trí nào trên đường mật. Lúc này, các cơn đau bụng đường mật xuất hiện. Cơn đau sẽ có khuynh hướng xảy ra khi túi mật co thắt, thường là để đáp ứng với bữa ăn nhiều chất béo nhằm tăng tống xuất dịch mật vào tá tràng để tiêu hóa thức ăn. Vị trí đau thường ở bụng trên hoặc giữa bên phải, thuộc vùng của gan.
Cường độ cơn đau là lớn nhất trong vòng một giờ và có thể tồn tại đến vài giờ sau bữa ăn. Đôi khi cơn đau có thể lan ra phía sau hoặc vai phải và kèm theo buồn nôn, nôn ói. Sau đó, cơn đau sẽ dịu dần khi túi mật thư giãn. Tuy nhiên, chúng sẽ có khuynh hướng tái phát trong các bữa ăn tiếp theo, nhất là khi ăn nhiều dầu mỡ. Lâu ngày, người bệnh sẽ gặp tình trạng chán ăn, ăn kém và suy mòn.
Tuy nhiên, nếu sỏi gây tắc nghẽn đường mật, người bệnh sẽ gặp phải nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn, bao gồm viêm túi mật cấp tính, viêm tụy cấp hoặc viêm đường mật cấp, viêm gan cấp. Bất kỳ tình trạng nào trong số này đều sẽ biểu hiện bằng cơn đau dữ dội và các triệu chứng khác, như vàng da, vàng mắt, sốt cao, ớn lạnh và nôn mửa. Lúc này, người bệnh cần được nhập viện và điều trị kịp thời trước khi viêm nhiễm trên đường mật lan ra toàn ổ bụng gây viêm phúc mạc hay theo đường nhiễm trùng máu lan toàn thân.
3. Biến chứng của sỏi đường mật có nguy hiểm không?
Các biến chứng của sỏi đường mật có thể bao gồm:
- Viêm túi mật. Khi sỏi đường mật di chuyển và bị kẹt lại tại cổ của túi mật có thể gây viêm túi mật. Người bệnh sẽ đau hạ sườn phải dữ dội và sốt cao.
- Tắc nghẽn ống mật chung. Sỏi đường mật có thể gây tắc nghẽn trên các ống dẫn mật. Triệu chứng cũng tương tự như khi sỏi kẹt cổ túi mật, người bệnh đau bụng dữ dội và kèm vàng da, nóng sốt do nhiễm trùng ống mật gây ra.
- Tắc nghẽn ống tụy. Ống tụy là một ống chạy từ tuyến tụy và kết nối với ống mật thông thường tại vị trí ngay trước khi bài tiết vào tá tràng. Một sỏi đường mật di chuyển đến đoạn này có thể gây ra tắc nghẽn trong ống tụy và có thể dẫn đến viêm tụy cấp. Người bệnh đau bụng dữ dội liên tục, kèm theo nôn ói và thường phải nhập viện ngay sau đó.
- Ung thư túi mật. Những người có tiền sử có sỏi đường mật tồn tại trong túi mật sẽ có nguy cơ mắc ung thư túi mật. Đây là hệ quả của các phản ứng viêm mạn tính kéo dài theo thời gian.
4. Làm sao để chẩn đoán sỏi đường mật?
- Xét nghiệm máu. Xét nghiệm máu nhằm đánh giá men gan, bao gồm từ tế bào nhu mô gan lẫn các tế bào nội mô đường mật, có thể cho thấy sỏi đường mật làm tăng men gan. Đồng thời, khi xảy ra biến chứng cấp tính do sỏi kẹt trên đường mật, xét nghiệm máu còn cho thấy tình trạng nhiễm trùng, vàng da, viêm tụy hoặc các biến chứng khác do sỏi mật.
- Siêu âm ổ bụng. Đây là một công cụ hình ảnh học phổ biến nhất, được sử dụng rộng rãi để tìm kiếm sự hiện diện của các sỏi trên đường mật. Độ nhạy và độ đặc hiệu của công cụ này tương đối cao.
- Siêu âm qua nội soi. Thủ thuật này có thể giúp xác định sỏi đường mật nhỏ hơn có thể bị bỏ sót trên siêu âm bụng. Quy trình thực hiện là bác sĩ đưa một ống nội soi qua miệng, phát ra sóng âm thanh nhằm tạo ra hình ảnh chính xác của vùng mô xung quanh.
- Các xét nghiệm hình ảnh khác. Các xét nghiệm bổ sung có thể giúp phát hiện sỏi đường mật bao gồm chụp cắt lớp vi tính, chụp đường mật cộng hưởng từ hoặc nội soi ngược dòng mật tụy. Đối với nội soi ngược dòng mật tụy, sỏi đường mật không chỉ được phát hiện và còn được can thiệp gắp ra ngoài.
5. Cách điều trị sỏi đường mật như thế nào?
Hầu hết những người có sỏi đường mật không xuất hiện triệu chứng thì sẽ không cần điều trị.
Bác sĩ chỉ xác định cần can thiệp nếu sỏi đường mật gây các triệu chứng trên lâm sàng như làm gan to đau, vàng da, vàng mắt, sốt... hay trên xét nghiệm chẩn đoán như tăng men gan.
Các phương pháp điều trị sỏi đường mật bao gồm:
- Phẫu thuật cắt bỏ túi mật. Bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để loại bỏ túi mật của bạn, vì sỏi đường mật thường có vị trí là nằm trong túi mật và thường xuyên tái phát. Đây cũng là một tạng không thiết yếu. Cách thức cắt túi mật có thể qua mổ hở hay qua ngã nội soi. Một khi túi mật được loại bỏ, mật sẽ chảy trực tiếp từ gan vào ruột non của bạn, thay vì được lưu trữ trong túi mật.
- Nội soi mật tụy ngược dòng lấy sỏi. Đây là biện pháp vừa chẩn đoán và vừa can thiệp. Bác sĩ sẽ cắt cơ vòng của ống mật tại vị trí đổ vào tá tràng để gắp lấy sỏi ra ngoài.
- Thuốc làm tan sỏi mật. Có một số loại thuốc có thể giúp làm tan sỏi mật. Tuy nhiên, thời gian điều trị có thể mất nhiều tháng hoặc nhiều năm. Đồng thời, sỏi đường mật có thể sẽ hình thành trở lại nếu ngừng điều trị. Vì vậy, thuốc trị sỏi mật không được sử dụng phổ biến và được dành riêng cho những người từ chối phẫu thuật. Tuy nhiên, thuốc cũng có thể ưu tiên chỉ định cho các trường hợp vị trí sỏi nằm trong hệ thống đường mật gan, thay vì trong túi mật hay ống mật chủ, nơi phẫu thuật khó can thiệp được. Lúc này, nếu việc điều trị nội không cải thiện hay sỏi gây biến chứng, chỉ định phẫu thuật gan lấy sỏi có thể được đưa ra.
6. Phòng ngừa sỏi đường mật bằng cách nào?
Bạn có thể giảm nguy cơ hình thành sỏi đường mật cho chính bản thân mình nếu bạn:
- Không bỏ bữa ăn. Cố gắng tuân thủ các giờ ăn thông thường của bạn mỗi ngày. Bỏ bữa hoặc nhịn ăn có thể làm tăng nguy cơ sỏi mật.
- Giảm cân đúng phương pháp. Nếu bạn cần giảm cân, hãy chậm rãi với mục tiêu giảm khoảng 0,5 đến 1 kg trong mỗi tuần. Giảm cân quá nhanh chóng có thể làm tăng nguy cơ sỏi mật.
- Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ. Xây dựng chế độ ăn với nhóm chất xơ chiếm tỷ lệ lớn, như trái cây, rau và ngũ cốc, giúp bạn giảm thiểu rủi ro xuất hiện sỏi mật.
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh. Thừa cân và béo phì sẽ làm tăng nguy cơ sỏi mật. Hãy tập luyện để đạt được trọng lượng khỏe mạnh bằng cách giảm số lượng calo ăn vào và tăng cường các hoạt động thể chất.
Tóm lại, sỏi đường mật không phải là bệnh hiếm gặp. Cùng với sự tiến bộ của Y học, các phương pháp điều trị bệnh lý này đã đạt được hiệu quả rất cao, giải quyết các cơn đau đường mật hành hạ người bệnh sau mỗi bữa ăn. Người bệnh nên thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm sỏi đường mật do làm tăng men gan hay gan to trên siêu âm. Từ đó, có những can thiệp kịp thời giúp hạn chế các biến chứng nặng nề do sỏi đường mật gây ra.
Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã áp dụng kỹ thuật nội soi mật tụy ngược dòng để điều trị các bệnh lý sỏi ống mật chủ, sỏi ống gan, u bóng Vater, u đầu tụy, đặt stent đường mật, sond mật mũi, trong đó có bệnh sỏi đường mật, với tỷ lệ thành công cao trên 98%.
Để thực hiện kỹ thuật nội soi mật tụy ngược dòng, Vinmec đã trang bị hệ thống soi mềm hiện đại với Dao điện Endocut có ưu điểm không gây viêm tụy và các phản ứng tụy. Để thực hiện thành công và hạn chế tối đa các biến chứng có thể xảy ra ở kỹ thuật này, ngoài việc đầu tư trang thiết bị hiện đại, yếu tố quyết định chính là đội ngũ cán bộ y tế có chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm. Kỹ thuật Nội soi mật tụy ngược dòng tại Vinmec được thực hiện bởi các Bác sĩ nổi tiếng có chuyên môn cao, tay nghề giỏi, tận tâm và chuyên nghiệp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: health.harvard.edu, unlockfood.ca, emedicinehealth.com, health.com, niddk.nih.gov