Thuốc Soares là một loại thuốc có tác dụng trung hòa acid dịch vị, được chỉ định trong các trường hợp viêm loét dạ dày hay thừa acid dịch vị. Để sử dụng đúng và hiệu quả, bạn cần hiểu rõ về bản chất của thuốc và những lưu ý khi dùng.
1. Soares là thuốc gì?
Thuốc Soares có chứa thành phần chính là Almagate, bào chế dưới dạng dung dịch uống. Almagate là thuốc kháng axit chứa nhôm hydroxit và magie hydroxit. Một số tác dụng của Almagate bao gồm:
- Almagate có tác dụng trung hòa acid dạ dày một cách nhanh chóng và kéo dài, giúp duy trì pH dạ dày ở mức bình thường (pH từ 3 đến 5) trong một giai đoạn dài do có cấu trúc mạng tinh thể vững chắc.
- Almagate dạng dịch tạo ra một lớp màng tương tự như lớp chất nhầy tự nhiên trên bề mặt niêm mạc dạ dày, có tác dụng bảo vệ tính toàn vẹn của lớp chất nhầy, giúp làm giảm sự tổn thương trực tiếp của dịch vị vào các tế bào biểu mô.
- Almagate hấp thụ và giúp làm mất hoạt tính của acid mật, vì nếu chất này trào ngược vào dạ dày có thể gây rối loạn về dạ dày ruột trở nên trầm trọng hơn. Đồng thời cũng có thể làm giảm hoạt động của pepsin.
- Almagate còn có tác dụng loại bỏ các gốc tự do, đây là một yếu tố cũng gây ra phá huỷ lớp chất nhầy trên niêm mạc dạ dày.
2. Thuốc soares trị gì?
Thuốc Soares được chỉ định dùng trong các trường hợp sau:
- Hỗ trợ giảm các triệu chứng bệnh loét dạ dày- tá tràng, viêm dạ dày.
- Chứng tăng acid dạ dày: Gây ra triệu chứng như có cảm giác khó chịu ở dạ dày, buồn nôn, nôn, ợ chua, đau vùng dạ dày.
- Trào ngược dạ dày thực quản.
3. Liều dùng và cách dùng thuốc Soares
Cách dùng: Uống trực tiếp hỗn dịch này sau khi ăn từ 1 đến 2 giờ và dùng trước khi đi ngủ.
Liều dùng:
- Đối với người lớn: Uống 15ml mỗi lần, ngày uống 4 lần đối với loét dạ dày tá tràng. Một đợt dùng thuốc trong khoảng từ 4 đến 6 tuần hoặc tới khi vết loét liền. Nếu bị trào ngược dạ dày thực quản hay loét do stress có thể dùng nhiều lần hơn mỗi ngày tùy từng trường hợp.
- Trẻ em từ 6-12 tuổi: Dùng bằng một nửa liều dành cho người lớn. Khi dùng cần có người lớn giám sát, tránh dùng quá liều.
4. Không dùng thuốc Sorae khi nào?
Thuốc chống chỉ định cho một số trường hợp sau:
- Bệnh nhân tiền sử mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
- Suy thận nặng: Bởi nếu dùng có nguy cơ tăng magnesi huyết.
- Trẻ nhỏ có nguy cơ tăng magnesi huyết cao và nhiễm độc nhôm, đặc biệt nếu trẻ bị mất nước hoặc trẻ bị suy thận.
- Bệnh nhân bị giảm phosphat máu.
- Thận trọng khi dùng: Nếu phải dùng thì cần dùng thận trọng đối với người có suy tim sung huyết, phù, xơ gan.
5. Những lưu ý khi dùng thuốc Sorae
Khi dùng thuốc bạn cần lưu ý một số thông tin sau:
- Bạn cần đọc kỹ hướng dẫn do nhà sản xuất cung cấp.
- Một số tác dụng phụ có thể xảy như cảm giác miệng đắng, tiêu chảy hoặc táo bón, cảm giác chát miệng, cứng bụng, buồn nôn, nôn. Ít gặp hơn có thể gây giảm phosphat huyết. Hiếm gặp Sorae thuốc có thể gây phản ứng quá mẫn với các biểu hiện như khó thở, phù mạch, phát ban. Khi thấy các dấu hiệu bất thường khi dùng thuốc bạn nên ngừng thuốc và hỏi ý kiến bác sĩ, nếu phản ứng quá mẫn xảy ra cần tới bệnh viện ngay.
- Nếu triệu chứng của bạn không có dấu hiệu cải thiện sau 2 tuần dùng thuốc, bạn nên tái khám.
- Với người suy thận mức độ nhẹ và vừa: tránh việc điều trị liều cao và lâu dài.
- Người cao tuổi, do nhiều yếu tố mà khi điều trị thuốc có thể tăng nguy cơ tác dụng phụ bị táo bón và phân rắn hơn. Cho nên cần thận trọng khi dùng và chú ý các thuốc dùng kèm.
- Nếu dùng kéo dài nên kiểm tra định kỳ hàng tháng hoặc khoảng 2 tháng 1 lần nồng độ phosphat trong huyết thanh cho người bệnh có bệnh thận.
- Thời kỳ mang thai: Đã có những thông báo tác dụng không mong muốn như tăng hoặc giảm magnesi trong máu, tăng phản xạ gân ở thai và trẻ sơ sinh, khi người mẹ dùng các thuốc chứa magnesi antacid lâu dài và đặc biệt dùng với liều cao. Luôn tham khảo ý kiến bác sĩ khi dùng và cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ cho thai nhi.
- Thời kỳ cho con bú: Mặc dù có một lượng nhỏ nhôm, magnesi bài tiết qua sữa mẹ, nhưng nồng độ này không đủ để gây tác hại đến trẻ bú mẹ. Tuy nhiên vẫn cần hết sức lưu ý khi dùng thuốc.
- Tương tác thuốc có thể xảy ra: Tất cả các thuốc đối kháng với acid dạ dày đều có thể làm tăng hoặc giảm tốc độ, mức độ hấp thu các thuốc khác, khi dùng phối hợp các thuốc này do làm thay đổi thời gian thuốc ở trong ống tiêu hóa, hoặc sự liên kết hay tạo phức giữa các thuốc với nhau. Một số thuốc cần lưu ý khi dùng chung bao gồm Digoxin, indomethacin, isoniazid, muối sắt, clodiazepoxid, naproxen nó làm giảm hấp thu các thuốc này. Nó có thể làm tăng hấp thu các thuốc diazepam, dicumarol...
- Bảo quản thuốc nơi khô ráo, thoáng mát. Để xa tầm tay trẻ em.
Hy vọng, thông qua bài viết bạn đã biết thuốc Sorae trị bệnh gì và phải lưu ý gì khi dùng thuốc để đảm bảo an toàn. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào khi dùng thuốc bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ hay dược sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.