“Thủy trị liệu” là phương pháp dùng nước để điều trị hoặc chăm sóc sức khỏe, trong đó nhiệt độ của nước đóng vai trò quan trọng. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy công dụng của tắm nước lạnh và nước nóng đối với từng trường hợp. Bài viết này sẽ chia sẻ những lợi ích cũng như nhược điểm của tắm nước nóng và tắm nước lạnh.
1. Công dụng của tắm nước nóng
Tắm nước nóng cũng có thể có mang lại tác dụng hữu ích cho sức khỏe. Một số ví dụ về những lợi ích của tắm nước nóng bao gồm:
1.1. Cải thiện sức khỏe tim mạch
Một nghiên cứu từ năm 2014 cho biết tắm nước nóng có thể cải thiện lưu thông máu ở những người bị suy tim mãn tính, điều này là do sự giãn nở tự nhiên của các mạch máu khi gặp nhiệt độ cao.
Một nghiên cứu năm 2012 cũng khám phá rằng ngâm chân trong nước nóng cũng có thể giảm độ xơ cứng động mạch, từ đó giảm bớt nguy cơ xơ vữa động mạch dẫn đến huyết áp cao.
1.2. Nâng cao độ dẻo dai cơ và khớp
Như đã nói ở trên, tắm nước nóng có thể tăng cường lưu lượng máu, giúp thả lỏng các khớp cứng và cơ bắp mệt mỏi. Trong khi đó, tắm nước lạnh có thể giảm viêm nhiễm và giảm đau đồng thời.
Một nghiên cứu từ năm 2017 đã đánh giá tác động của các nước nóng và lạnh đối với bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối và nhận thấy cơn đau suy giảm cũng như cải thiện nhẹ chức năng đầu gối.
1.3. Gia tăng sức khỏe não bộ
Một nghiên cứu từ năm 2018 đã điều tra tác động của nước nóng đối với chức năng hoạt động của não bộ, kết quả tắm nước nóng:
- Thúc đẩy sự tồn tại của các hoạt chất dinh dưỡng thần kinh BDNF.
- Phát triển và duy trì hoạt động của các tế bào thần kinh.
- Gia tăng khả năng học tập và ghi nhớ.
Một nghiên cứu nhỏ chia 8 người thành 2 nhóm: một nhóm đã tắm 20 phút trong nước nóng có nhiệt độ 42 độ C, nhóm còn lại ngâm mình 20 phút trong nước ấm có nhiệt độ 35 độ C. Kết quả cho thấy những người tham gia tắm nước nóng có mức chuyển hóa tế bào thần kinh não bộ cao hơn đáng kể. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng tình trạng tăng thân nhiệt do tắm nước nóng làm tăng sức khỏe não bộ.
1.4. Giúp ngủ ngon hơn
Nhiều chuyên gia về sức khỏe đều đưa ra lời khuyên là nên tắm nước nóng trước khi đi ngủ từ 1-2 giờ như một cách để cải thiện giấc ngủ. Tắm nước nóng có thể giúp mọi người dễ đi vào giấc ngủ do cơ thể thư giãn, thả lỏng trong khi tắm và từ từ giảm nhiệt độ tự nhiên sau đó.
XEM THÊM: Lý do nên tắm nước ấm sau khi bơi để bảo vệ da
2. Công dụng của tắm nước lạnh
Mặc dù, không phải ai cũng có can đảm tắm nước lạnh, nhưng theo nhiều nghiên cứu nó có thể mang lại một số lợi ích về sức khỏe nhất định, ví dụ như:
- Giảm viêm và sưng tấy.
- Giảm co thắt cơ.
- Có tác dụng giảm đau.
Một nghiên cứu cũ hơn từ năm 2000 kiểm tra tác động của các nhiệt độ nước khác nhau đối với phản ứng của cơ thể. Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã để những người tham gia ngâm mình trong nước 14 độ C trong 1 giờ và quan sát thấy những biến chuyển sau (một số trong đó có thể không nhất thiết có lợi cho sức khỏe):
- Tăng quá trình trao đổi chất.
- Tăng nhịp tim và huyết áp.
- Tăng mức độ của các hóa chất dẫn truyền thần kinh Dopamine và Norepinephrine.
- Giảm "hormone căng thẳng" Cortisol.
Một số tác dụng có lợi của việc tắm nước lạnh bao gồm:
2.1. Cải thiện lưu thông máu
Việc tiếp xúc với nước lạnh sẽ khiến các mao mạch trên bề mặt da co lại, từ đó chuyển hướng chảy của máu ra khỏi bề mặt da. Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy tắm nước lạnh sau khi tập thể dục, thể thao có thể hạ nhiệt cơ thể và cải thiện quá trình hydrat hóa (giữ nước và cấp nước). Khi máu di chuyển ra khỏi da, các mạch máu trong các mô sâu hơn sẽ giãn ra, giúp cải thiện lưu thông ở khu vực này.
2.2. Giảm nồng độ Cortisol
Cortisol thường được xem là “hormone căng thẳng" mà cơ thể tiết ra để phản ứng với stress. Do đó, giảm nồng độ cortisol trong máu có thể giúp giảm mức độ căng thẳng đáng kể. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng khi tắm hoặc ngâm mình trong bồn nước lạnh, nồng độ cortisol của cơ thể sẽ giảm xuống.
2.3. Giảm đau
Theo một đánh giá từ năm 2014, việc tiếp xúc với nước lạnh sẽ kích hoạt phản ứng giảm đau tự động (SIA) của cơ thể. SIA là quá trình thích nghi kèm giảm đau trong hoặc sau khi tiếp xúc với một yếu tố căng thẳng, ví dụ như ngâm nước lạnh.
2.4. Giảm đau nhức cơ và kiệt sức do thể thao
Một nghiên cứu từ năm 2009 đã kiểm tra tác động của tắm nước lạnh đối với hoạt động thể chất của các vận động viên. Sau khi tập luyện thể thao, một số vận động viên được tắm nước lạnh, trong khi những người khác được ngâm trong nước ấm. Tuy không có sự khác biệt về hiệu suất thể chất sau đó giữa 2 nhóm nhưng cảm giác đau nhức cơ và mệt mỏi ở nhóm tắm nước lạnh thấp hơn đáng kể so với nhóm còn lại. Hiệu ứng tâm lý này có thể sẽ hữu ích trong thi đấu các môn thể thao cạnh tranh, có tính đối kháng.
XEM THÊM: Bà bầu có nên tắm nước nóng không?
3. Vậy khi nào nên tắm nước lạnh và nước nóng?
Các bác sĩ đôi khi đề xuất liệu pháp thủy trị liệu nhiệt và lạnh cho những bệnh nhân bị chấn thương cơ hoặc xương. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ liệu tắm vòi sen nước nóng hay lạnh có mang lại hiệu quả giống như chườm đá hoặc chườm nóng hay không. Một số người bị viêm khớp thích tắm nước nóng vào buổi sáng vì nó giúp họ cảm thấy dễ chịu hơn. Tuy nhiên, tắm nước lạnh sẽ có lợi cho các chấn thương có viêm nhiễm.
Đối với việc tắm nước nóng để cải thiện chất lượng giấc ngủ, một nghiên cứu năm 2019 cho thấy thời điểm tốt nhất để tắm vòi sen hoặc tắm là 1-2 giờ trước khi ngủ. Tuy nhiên, những người bị bệnh chàm (Ezecma) và phát ban trên da nên tránh tắm nước nóng hoàn toàn, vì chúng có thể làm da khô hơn.
4. Những nguy cơ tiềm ẩn
Tắm trong thời gian dài hoặc với nước quá lạnh hoặc quá nóng đều có thể làm tăng giảm nhiệt độ cơ thể quá mức. Nếu tắm nước lạnh quá mức và để nhiệt độ cơ thể 1 người giảm xuống dưới 32,2 độ C, họ có thể gặp phải:
- Giảm nhịp thở.
- Hạ huyết áp.
- Nhịp tim bất thường.
- Giảm khả năng nhận thức.
Nếu tắm nước quá nóng, mọi người có nguy cơ bị bỏng và sốc nhiệt. Do đó, miễn là tránh nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp, tắm nước lạnh và nước nóng đều có thể mang lại những lợi ích nhất định về sức khỏe.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: Medicalnewstoday, runnersworld.com