Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trần Công Trình - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park. Bác sĩ đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh.
Hiện nay, sinh thiết não có thể được tiến hành qua sinh thiết mở hoặc sinh thiết định vị. Sinh thiết mở có thể được tiến hành dễ dàng cho những tổn thương nông ở bề mặt vỏ não. Tuy nhiên đối với các tổn thương nhỏ, đặc biệt nằm sâu trong nhu mô não, sinh thiết mở khó có thể lấy được những mô bệnh phẩm một các chính xác
1. Tổng quan
Ngày nay, cùng với sự phát triển của các phương tiện chẩn đoán hình ảnh, đặc biệt là cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ, số bệnh nhân có tổn thương trong não được phát hiện ngày càng nhiều, nhu cầu điều trị ngày càng cao. Việc tiên lượng, lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp phụ thuộc vào bản chất của tổn thương. Bản chất của tổn thương chính là kết quả giải phẫu bệnh từ mẫu bệnh phẩm lấy từ khối bệnh lý, đây được coi là “tiêu chuẩn vàng” của bệnh. Việc làm này có thể được tiến hành thông qua phẫu thuật mở, lấy khối bệnh lý.
Phẫu thuật là phương pháp loại bỏ tổn thương nhanh nhất, hiệu quả nhất. Tuy nhiên, đối với những tổn thương nằm sâu trong nhu mô não hoặc ở các vùng não chức năng, phẫu thuật có thể gây ra những tổn thương mô não lành, gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh hoặc để lại các di chứng nặng nề hơn.Trong những trường hợp này, việc lấy mô bệnh phẩm qua sinh thiết có vai trò rất quan trọng.
Tuy nhiên đối với các tổn thương nhỏ, đặc biệt nằm sâu trong nhu mô não, sinh thiết mở khó có thể lấy được những mô bệnh phẩm một các chính xác. Cùng với sự phát triển của kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, nhiều hệ thống định vị ra đời giúp cho việc sinh thiết có thể lấy được chính xác mô bệnh phẩm, đặc biệt giúp cho hạn chế tối đa tổn thương nhu mô não lành. Sinh thiết dưới hướng dẫn của các hệ thống định vị được gọi là sinh thiết định vị.
Có hai loại hệ thống sinh thiết định vị: Có khung và không khung. So với hệ thống sinh thiết định vị có khung, hệ thống sinh thiết định vị không khung ít cồng kềnh và tiện sử dụng hơn, chính vì vậy được áp dụng ngày càng phổ biến hơn. Bên cạnh đó việc đưa vào các hệ thống có thể nhận được các dữ liệu từ các phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại như: cộng hưởng từ mạch máu, cộng hưởng từ dẫn truyền... giúp cho việc lập kế hoạch sinh thiết ngày càng chính xác và an toàn.
2. Sinh thiết não là gì?
Hiểu đơn giản, sinh thiết u não là lấy một phần nhỏ từ khối u trong não để xét nghiệm. Khi sinh thiết, bác sĩ sử dụng dưới sự hướng dẫn của hệ thống định vị hoặc hệ thống thần kinh dẫn đường. Cụ thể, bác sĩ thực hiện rạch 2cm, khoan lỗ nhỏ trên sọ. Sau đó người ta đưa kim đầu tù nhỏ vào trong khối u để lấy mẫu. Mảnh u não được xử lí qua một quy trình và nghiên cứu dưới kính hiển vi. Sau khi quan sát, phân tích bác sĩ có thể đưa ra kết luận khối u lành tính hay ác tính. Bác sĩ phẫu thuật có thể làm sinh thiết bằng 3 cách sau:
- Sinh thiết kim: Rạch đường nhỏ ở da đầu, khoan một lỗ nhỏ qua xương sọ sau đó dùng kim hút một ít mô não bị khối u.
- Sinh thiết qua hướng dẫn của máy chụp cắt lớp vi tính hoặc MRI.
- Sinh thiết đồng thời với điều trị: Bác sĩ lấy một ít mô gửi xét nghiệm tế bào sau khi đã cắt bỏ khối u não.
3. Chỉ định sinh thiết não
Sinh thiết não định vị không khung được chỉ định cho các thương tổn:
- Thương tổn không có biểu hiện “choáng chỗ” hoặc không có chỉ định phẫu thuật mở như: u di căn nhiều ổ hay u não ác tính.
- Thương tổn ở sâu, vùng vỏ não chức năng hoặc nhân xám ở sâu (hạch nền, đồi thị..) những vị trí khi phẫu thuật sẽ mang lại tỉ lệ tử vong và tàn phế cao.
- Thương tổn xâm lấn: không có ranh giới rõ, dễ lấy lẫn vào mô não lành.
- Những thương tổn xuất hiện trên chẩn đoán hình ảnh hoặc biểu hiện lâm sàng nghi ngờ những nguyên nhân viêm nhiễm, bệnh mất myelin.
4. Các bước thực hiện sinh thiết não qua chụp cắt lớp vi tính
Chuẩn bị bệnh nhân: Bệnh nhân có đầy đủ hồ sơ bệnh án và các xét nghiệm cơ bản gồm cả đông máu cơ bản, HIV và HbsAg. Giải thích cho bệnh nhân và người nhà về thủ thuật sinh thiết.
Chuẩn bị dụng cụ: Các dụng cụ vô khuẩn và thuốc cần thiết cho thủ thuật.
Các bước thực hiện sinh thiết não:
- Bước 1: Nhập dữ liệu hình ảnh và hệ thống định vị và lập chương trình sinh thiết.
- Bước 2: Cố định khung quy chiếu vào giá Mayfield.
- Bước 3: Tạo liên kết giữa máy tính với bệnh nhân.
- Bước 4: Định vị điểm sinh thiết trên da.
- Bước 5: Đánh dấu vị trí mở da và xương sọ trên da.
- Bước 6: Mở da và xương sọ theo vị trí đã đánh dấu.
- Bước 7: Mở màng cứng và lấy bệnh phẩm theo chương trình.
- Bước 8: Tháo hệ thống sinh thiết và đóng vết mổ.
5. Một số biến chứng sau sinh thiết não
Có thể gặp một số biến chứng có thể gặp trong và sau thủ thuật sinh thiết não. Tuy nhiên các biến chứng xảy ra đều là các biến chứng không nghiêm trọng, không ảnh hưởng đến tính mạng hoặc chức năng của người bệnh. Trong quá trình theo dõi, các bệnh nhân có biến chứng này đều có diễn biến ổn định sau sinh thiết, không xuất hiện thêm dấu hiệu thần kinh khu trú mới và có hình ảnh chụp CT bình thường sau 2-7 ngày.
Biến chứng cấp tính: Chảy máu trong u não, trong nhu mô não, khoang dưới nhiện. Tụ khí nội sọ, mất ý thức hay dấu hiệu thần kinh khu trú đột ngột.
Biến chứng muộn: viêm màng não, viêm xương tại vị trí sinh thiết.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.