Bài viết bởi Bác sĩ chuyên khoa I Vũ Thị Hạnh - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
U máu bánh nhau là khối u mạch máu không thuộc nguyên bào nuôi của bánh nhau hay gặp nhất, với tỷ lệ khoảng 1%. Theo đó, siêu âm u máu bánh nhau giúp các bác sĩ phát hiện được các bất thường ở nhiều cơ quan của thai nhi để sớm có hướng xử trí kịp thời.
1. U máu bánh nhau là gì?
U máu bánh nhau (chorioangioma) là khối u mạch máu không thuộc nguyên bào nuôi của bánh nhau hay gặp nhất, với tỷ lệ khoảng 1%. Mặc dù nguyên nhân chính xác của nó chưa được làm sáng tỏ hoàn toàn, nhưng chúng được cho là kết quả sự phát triển bất thường của các mạch máu trong các giai đoạn khác nhau của sự biệt hóa trong chất xơ nền xuất phát từ mô nhau.
2. Hình ảnh siêu âm u máu bánh nhau
Chẩn đoán trước sinh của u máu bánh nhau dựa vào việc quan sát một khối tăng âm, tròn, bờ rõ, đồng nhất hoặc không, nằm về phía bề mặt của bánh nhau. Sử dụng siêu âm Doppler màu cho phép quan sát các mạch máu nuôi đi vào bánh nhau và tạo mạch dạng lan tỏa xung quanh khối u. Trong hầu hết các trường hợp nặng, các dấu hiệu của suy tim tăng cung lượng, bao gồm tim lớn, đa ối, tăng vận tốc đỉnh động mạch não giữa và thai đa ối có thể đi kèm cùng với khối u. Kích thước của khối u, sự hiện diện của thai đa ối và tuổi thai khi xuất hiện suy tim đã được báo cáo là các yếu tố chính quyết định kết cục chu sinh ở các thai kỳ có biến chứng bởi u máu bánh nhau.
3. Dựa vào đặc điểm nào để quản lý những khối u máu
Hầu hết, các u máu là các tổn thương kích thước nhỏ và không có triệu chứng, chúng chỉ được tìm thấy sau sinh khi cắt lát bánh nhau. Ngược lại, các khối u lớn thường đi kèm với kết cục chu sinh bất lợi, bao gồm thai chậm tăng trưởng trong tử cung, sinh non, thai chết lưu và bất thường phát triển thần kinh.
Một tổng quan hệ thống 28 nghiên cứu (161 thai kỳ) cho thấy, trong các thai kỳ có u máu bánh nhau không có can thiệp, tỷ lệ thai chết trong tử cung là 8.2%, trong khi tỷ lệ tử vong sơ sinh và chu sinh xảy ra ở 3.8% và 11.1%, tương ứng. Thai nhỏ chiếm 24% các trường hợp. Sinh non trước 37 tuần chiếm 34.1% các thai kỳ. Tỷ lệ bệnh tật xảy ra ở 12% các trường hợp.
4. Phải làm gì khi siêu âm u bánh máu nhau (chorioangioma)?
4.1. Đối với siêu âm qua thành bụng
- Bạn sẽ nằm ngửa trên bàn khám và để lộ toàn bộ vùng bụng.
- Tiếp đến, bác sĩ sẽ bôi một loại gel đặc biệt lên vị trí cần khảo sát và di chuyển đầu dò qua lại để ghi lại các hình ảnh cần thiết.
- Trong lúc đó, hãy nhìn lên màn hình. Bạn sẽ có thể nhìn thấy bánh rau của thai nhi hiện lên trên.
4.2. Đối với siêu âm qua ngã âm đạo
- Bạn sẽ được yêu cầu thay một loại áo choàng đặc biệt hoặc cởi bỏ phần quần áo từ thắt lưng trở xuống.
- Điều chỉnh tư thế: bạn bước lên bàn khám và đặt hai chân vào bàn đạp (tương tự như khi khám phụ khoa).
- Trước hết, bác sĩ sẽ bọc đầu dò trong một vỏ nhựa (như bao cao su) và bôi trơn nó bằng gel.
- Sau đó đặt nó vào âm đạo và di chuyển đến các vị trí khác nhau để khảo sát và ghi lại thông tin cần thiết. Tùy thuộc vào vị trí và giai đoạn phát triển của bé, bạn có thể thấy các giai đoạn khác nhau của bánh nhau.
- Cuối cùng, khi đã hoàn tất, đầu dò sẽ được đưa ra khỏi ngả âm đạo.
Siêu âm u máu bánh nhau giúp bác sĩ phát hiện những bất thường ở bánh nhau để có hướng xử trí kịp thời.
Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện nay sử dụng các thế hệ máy siêu âm màu hiện đại nhất hiện nay trong thăm khám và điều trị cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, đội ngũ các y, bác sĩ giàu kinh nghiệm sẽ hỗ trợ phần nhiều trong việc chẩn đoán và phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của cơ thể nhằm đưa ra phương pháp điều trị kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.