Siêu âm tụy trong đánh giá các bệnh lý tụy

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS, BS. Đặng Mạnh Cường - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park. Bác sĩ có trên 18 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực siêu âm – chẩn đoán hình ảnh.

Để khảo sát tình trạng của tụy, siêu âm tụy trở thành một phương pháp quan trọng trong việc đáng giá tình trạng và các bệnh lý tụy. Tuy nhiên, do tụy nằm sau phúc mạc, kích thước bé nên có thể sẽ gặp phải một số khó khăn trong quá trình siêu âm.

1. Siêu âm tụy là gì?

Tụy là một tạng nằm sâu trong ổ bụng, phía trước cột sống và sau phúc mạc. Tụy có chức năng ngoại tiết sản xuất và bài tiết các dịch tụy để giúp cho quá trình tiêu hoá thức ăn, đồng thời giúp điều hoà chuyển hoá đường và một số quá trình khác liên quan. Để khảo sát tình trạng của tụy, siêu âm tụy trở thành một phương pháp quan trọng trong việc đáng giá tình trạng và các bệnh lý tụy.

Mặc dù siêu âm tụy là phương pháp hữu hiệu giúp xác định các bệnh lý tụy, nhưng do tụy nằm sau phúc mạc, kích thước bé, bị che lấp bởi hơi trong dạ dày và đại tràng và người có thể tạng béo nên có thể sẽ gặp phải một số khó khăn trong quá trình siêu âm.

2. Khi nào cần siêu âm tụy?

Không có chỉ định nào bắt buộc việc phải thực hiện siêu âm tụy, nhưng nếu thấy các triệu chứng lâm sàng sau đây thì nên đi siêu âm tụy, cụ thể:

  • Đau bụng: Nếu bị việc đau bụng thường xuyên lặp đi lặp lại nhiều lần, nhất là đau sau bữa ăn, sau đó, triệu chứng phát triển thành đau vùng thượng vị và lan sang hai bên hạ sườn hoặc phần lưng dưới.

Nếu bạn thường xuyên bị đau bụng sau bữa ăn thì nên đi siêu âm tụy
Nếu bạn thường xuyên bị đau bụng sau bữa ăn thì nên đi siêu âm tụy
  • Buồn nôn: Sau thời kỳ bị đau bụng dữ dội, nếu bạn bị buồn nôn hoặc nôn ra dịch dạ dày, nôn ra mật hoặc máu loãng thì cần đến cơ sở y tế để siêu âm.
  • Chướng bụng: Khi có bệnh lý tại tuyến tụy, người bệnh thường có cảm giác chướng bụng. Việc tiêu hóa cũng diễn ra thất thường, có thể bí trung và đại tiện, nhưng cũng có thể đi lỏng liên tục.
  • Đối với trẻ em nếu đau bụng bất thường sau ăn đồ ăn dầu mỡ, đau bụng quanh rốn hoặc trên rốn, nôn nhiều và mất nước thì nên siêu âm tụy.
  • Bệnh nhân bị vàng da, sụt cân nhanh, ngứa nghi do bệnh lý gan tụy, bị các chấn thương vùng bụng do tai nạn, theo dõi các biến chứng của viêm tụy cấp, nghi ngờ ung thư tuyến tụy.

3. Một số bệnh lý phát hiện được qua siêu âm tụy

Khi siêu âm tụy có thể phát hiện hoặc hỗ trợ phát hiện một số bệnh lý tại tụy như sau:

  • Viêm tụy cấp: Siêu âm tụy thường được yêu cầu để tìm các liên quan nguyên phát hoặc thứ phát. Khi siêu âm tụy, có thể thấy tuyến to lan tỏa, giảm âm toàn thể, có sự xuất hiện của lượng dịch nhỏ gần tụy,..
  • Nang giả tụy: Nang giả tụy thường chứa các mảnh lắng hoặc các vách không đều do hoại tử mô hoặc chảy máu. Các thành phần tăng âm bên trong tụy càng nhiều, thì cơ hội bội nhiễm vi khuẩn càng lớn. Nang giả tụy có thể được phát hiện bằng siêu âm màu hoặc phổ Doppler.
  • Viêm tụy cấp và mạn: Viêm tụy cấp tái diễn sẽ tạo cơ hội thuận lợi để phát hiện các dấu hiệu siêu âm của viêm tụy mạn. Khi siêu âm, các vùng tăng âm không đều của xơ hoá hoặc vôi hóa. Tăng âm trong viêm tụy mạn thường dưới dạng mảng và không đồng nhất. Sự hình thành vôi hóa và xơ hóa có thể tạo thành một khối mô viêm và gây tắc ống mật chủ và ống tụy.

Siêu âm tụy giúp phát hiện và đánh giá tình trạng một số bệnh lý tại tụy
Siêu âm tụy giúp phát hiện và đánh giá tình trạng một số bệnh lý tại tụy
  • Giãn ống tụy: Đây có thể do quá trình viêm mạn; giãn thường được mô tả là không đều, nguyên nhân là do các đoạn giãn xen kẽ các đoạn hẹp do xơ.
  • Nang: Các nang tụy hầu hết là nang giả xảy ra sau viêm tụy.
  • U tụy: Ung thư biểu mô tụy đa số xuất hiện dưới dạng giảm âm to khu trú tuyến, các bờ không rõ. Khối u ở đầu tụy thường biểu hiện triệu chứng sớm như vàng da, còn khối u ở thân và đuôi tụy thường có đường kính lớn hơn 2cm khi phát hiện. Chẩn đoán u tụy có thể xác định bằng chọc hút him nhỏ dưới hướng dẫn siêu âm.
  • Khối u nang của tụy: Có hai dạng u nang tụy (u tuyến nang thanh dịch và u tuyến nang nhầy
  • U nội tiết của tụy: Các u nội tiết của tụy rất biến đổi về kích thước, có xu hướng giảm âm và giới hạn rõ; chúng thường có kích thước nhỏ, rất khó nhận ra bằng siêu âm thường. Tuy nhiên, siêu âm trong mổ là cần thiết đối với các khối u này.

4. Quy trình kỹ thuật siêu âm tụy

Trước khi siêu âm tụy, người bệnh cần nhịn ăn từ 6-8 giờ, và tốt nhất là nên siêu âm vào buổi sáng vì thức ăn sẽ được tiêu hóa sau khi ngủ dậy, giúp hình ảnh siêu âm chính xác hơn. Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên uống nhiều nước trong khoảng 1 tiếng trước khi siêu âm, mặc đồ rộng rãi.


Người bệnh nên nhịn ăn từ 6-8 tiếng trước khi siêu âm tụy
Người bệnh nên nhịn ăn từ 6-8 tiếng trước khi siêu âm tụy

Quy trình siêu âm tụy thường diễn ra như sau:

  • Bước 1: Hướng dẫn người bệnh nằm ngửa, 2 tay đưa cao lên đầu và chân duỗi thẳng. Để lộ vùng bụng từ mũi ức đến phần khớp mu, thả lỏng một cách tự nhiên.
  • Bước 2: Hỏi về các triệu chứng bệnh và tiền sử những bệnh mà bệnh nhân mắc phải đồng thời thoa gel lên vùng bụng
  • Bước 3: Khi siêu âm tụy, người bệnh có thể được yêu cầu nằm nghiêng phải, nghiêng trái hoặc nằm sấp, phối hợp với hít, thở theo nhịp hướng dẫn của bác sĩ để rõ hơn hình ảnh của tuỵ khi siêu âm tụy.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe