Siêu âm trong giãn tĩnh mạch thừng tinh

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Hoàng Văn Làn Đức - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Bác sĩ có trên 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh đặc biệt trong chẩn đoán với các bệnh lý cấp cứu nội, ngoại khoa, ổ bụng, lồng ngực, cơ xương khớp, thần kinh và các tuyến giáp, vú,...

Giãn tĩnh mạch thừng tinh là hiện tượng tĩnh mạch tinh bị giãn bất thường. Đây là bệnh lý rất phổ biến và là một trong những nguyên nhân gây ra vấn đề yếu sinh lý hay hiếm muộn/vô sinh ở nam giới. Hiện nay, bệnh được chẩn đoán dựa trên các dấu hiệu lâm sàng và cận lâm sàng (cụ thể là thông qua siêu âm tinh hoàn).

1. Tìm hiểu về bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh ở nam giới

Tĩnh mạch thừng tinh là một hệ thống tĩnh mạch giữ vai trò lưu thông máu từ tinh hoàn, bìu và đi theo ống bẹn để về tuần hoàn chung. Sự lưu thông máu này đảm bảo quá trình trao đổi chất ở cơ quan sinh dục nam, cụ thể là tinh hoàn, giúp tinh hoàn thực hiện tốt chức năng sản xuất hormone sinh dục cũng như sản xuất tinh trùng ở nam giới.

2. Giãn tĩnh mạch thừng tinh là gì?

Giãn tĩnh mạch thừng tinh (varicocele) là tình trạng giãn bất thường của tĩnh mạch tinh trong đám rối tĩnh mạch hình dây leo, thường có nguyên nhân từ hiện tượng trào ngược từ tĩnh mạch thận trái vào tĩnh mạch tinh trái hoặc từ tĩnh mạch chủ vào tĩnh mạch tinh phải.


Hình ảnh minh họa giãn tĩnh mạch thừng tinh
Hình ảnh minh họa giãn tĩnh mạch thừng tinh

Bệnh tĩnh mạch tinh bị giãn rất ít gặp ở trẻ dưới 10 tuổi, nhưng thường gặp ở giai đoạn bắt đầu dậy thì ở nam giới (khoảng 15% - 20%). Hầu hết trường hợp giãn tĩnh mạch thừng tinh xảy ra bên trái (chiếm từ 78% - 93%), ít khi xảy ra bên phải và đôi khi cũng có thể xảy ra ở cả hai bên.

Bệnh lý này tiến triển theo quá trình phát triển của cơ thể, có thể dẫn đến sự phát triển chậm hoặc dừng phát triển của tinh hoàn bên tĩnh mạch giãn, các thay đổi bất thường về tinh dịch đồ ở nam giới.

3. Giãn tĩnh mạch thừng tinh có gây vô sinh/yếu sinh lý hay không?

Câu trả lời là có.

Tĩnh mạch thừng tinh bị giãn có thể ảnh hưởng đến chuyển hóa của tinh hoàn tại bên bị giãn tĩnh mạch, khiến chức năng nội tiết sản xuất hormone sinh dục nam bị hạn chế. Khi giãn tĩnh mạch tinh kéo dài lâu ngày, nồng độ hormone testosterone sẽ ngày càng giảm và gây ra chứng rối loạn cương dương. Bên cạnh đó, tinh hoàn của bệnh nhân cũng sẽ teo lại, ít sản xuất tinh trùng hơn, dẫn đến yếu sinh lý, vô sinh – hiếm muộn...

4. Chẩn đoán giãn tĩnh mạch thừng tinh trên lâm sàng như thế nào?

Trên lâm sàng, các bác sĩ sẽ dựa trên triệu chứng cơ năng và triệu chứng thực thể để có những nhận định/nghi ngờ ban đầu, sau đó bệnh nhân sẽ được đề nghị thực hiện các kiểm tra cận lâm sàng như siêu âm tinh hoàn, siêu âm ổ bụng, chụp CT – Scanner... để có kết quả chính xác hơn.


Bác sĩ thực hiện các xét nghiệm hình ảnh để chẩn đoán giãn mạch thừng tinh
Bác sĩ thực hiện các xét nghiệm hình ảnh để chẩn đoán giãn mạch thừng tinh

4.1 Triệu chứng cơ năng của giãn tĩnh mạch thừng tinh

Bệnh nhân sẽ có một số biểu hiện như:

  • Khó chịu, đau nhức và căng tức vùng tinh hoàn.
  • Đôi khi, bệnh nhân có cảm giác nóng ở vùng bìu hoặc khó chịu tại khu vực này một cách mơ hồ.
  • Có thể nhìn hoặc sờ thấy búi tĩnh mạch giãn to, ngoằn ngoèo (hình ảnh như búi giun) trong bìu khi đứng dậy.
  • Tự sờ thấy một bên tinh hoàn nhỏ hơn với bên đối diện.
  • Hiếm muộn/vô sinh, rối loạn cương dương, yếu sinh lý.

4.2 Triệu chứng thực thể khi tĩnh mạch tinh bị giãn

Khi ở tư thế đứng, trong các trường hợp điển hình, có thể dễ dàng nhận thấy búi giãn tĩnh mạch ở phía trên và sau tinh hoàn. Nếu như làm nghiệm pháp Valsalva (bệnh nhân sẽ được hướng dẫn chạy tại chỗ hay tập thể dục, hoặc hít vào nín thở...), mức độ giãn có thể gia tăng thông qua đánh giá so sánh sự chênh lệch độ giãn của tĩnh mạch tinh.

5. Siêu âm trong chẩn đoán giãn tĩnh mạch thừng tinh

Bên cạnh các triệu chứng cơ năng và triệu chứng thực thể của bệnh nhân, để chẩn đoán chính xác bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh, bệnh nhân cần phải thực hiện các kiểm tra cận lâm sàng mà cụ thể là siêu âm.

Siêu âm tinh hoàn là kiểm tra được chỉ định đầu tiên để đánh giá tình trạng hiện tại của tĩnh mạch thừng tinh sau khi có các nghi ngờ về lâm sàng thông qua dấu hiệu triệu chứng. Đây là phương pháp đơn giản, không xâm lấn, đồng thời có giá thành rẻ và độ đặc hiệu cao, có thể hỗ trợ chẩn đoán sớm các trường hợp không thể phát hiện trên lâm sàng.


Siêu âm tinh hoàn là phương pháp đơn giản và có giá thành rẻ
Siêu âm tinh hoàn là phương pháp đơn giản và có giá thành rẻ

5.1 Siêu âm Doppler màu

Bệnh nhân sẽ được siêu âm Doppler màu tĩnh mạch thừng tinh để đánh giá mức độ giãn.

Thông thường, khẩu kính tĩnh mạch thừng tinh nhỏ hơn 2mm. Nếu như bệnh nhân bị giãn tĩnh mạch thừng tinh, khẩu kính lúc này sẽ lớn hơn 2mm, có hồi lưu làm tĩnh mạch phình to khi bệnh nhân đứng dậy hoặc hít vào căng bụng.

Thăm khám trên siêu âm sẽ chẩn đoán tĩnh mạch tinh bị giãn khi đường kính tĩnh mạch tinh lớn hơn 2.5mm và có phối hợp thêm với nghiệm pháp Valsalva để đánh giá các trường hợp kín đáo. Dựa trên phân loại của Satechi, có 5 mức độ giãn tĩnh mạch thừng tinh dựa trên siêu âm Doppler gồm:

  • Độ 1: không giãn tĩnh mạch tinh trong bìu, trong đám rối tĩnh mạch thừng tinh đoạn ống bẹn có dòng trào ngược (hồi lưu) khi làm nghiệm pháp Valsava.
  • Độ 2: không giãn tĩnh mạch ở tư thế nằm, tư thế đứng giãn và có hồi lưu khu trú ở cực trên của tinh hoàn khi thực hiện nghiệm pháp Valsava.
  • Độ 3: không giãn tĩnh mạch ở tư thế nằm, tư thế đứng giãn và có hồi lưu lan tỏa ở cực trên lẫn cực dưới của tinh hoàn khi thực hiện nghiệm pháp Valsava.
  • Độ 4: giãn tĩnh mạch tinh và có hồi lưu khi nghiệm pháp Valsava ở tư thế nằm.
  • Độ 5: giãn và có hồi lưu ngay cả khi không làm nghiệm pháp Valsava.

Có 5 mức độ giãn tĩnh mạch thừng tinh dựa trên siêu âm Doppler
Có 5 mức độ giãn tĩnh mạch thừng tinh dựa trên siêu âm Doppler

5.2 Siêu âm ổ bụng – chụp cắt lớp vi tính ổ bụng

Sau siêu âm Doppler tĩnh mạch tinh hoàn, các kiểm tra tiếp theo cần thực hiện khi chẩn đoán giãn tĩnh mạch thừng tinh bao gồm siêu âm ổ bụng và chụp cắt lớp vi tính ổ bụng. Những kiểm tra này có thể hỗ trợ loại trừ trường hợp bị giãn tĩnh mạch tinh thứ phát do khối u chèn ép.

Siêu âm tinh hoàn là một trong những kiểm tra tiên quyết nhằm chẩn đoán chính xác bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh hiệu quả. Ngoài ra, bệnh nhân cũng sẽ được đề nghị các kiểm tra khác để xác định rõ nguyên nhân, từ đó có biện pháp điều trị thích hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe