Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh, Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Siêu âm tim trong bệnh viêm nội tâm mạc nhiễm trùng có vai trò quan trọng trong chẩn đoán bệnh, theo dõi trong thời gian điều trị, trong phẫu thuật và sau khi kết thúc việc điều trị bệnh.
1. Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng là bệnh gì?
Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng là bệnh lý gây ra do vi khuẩn từ những ổ nhiễm trùng khu trú ở nội mạc động mạch và nội tâm mạc. Viêm nội tâm mạc hay xuất hiện ở người có bệnh tim có sẵn như tim bẩm sinh, chênh lệch áp suất xuyên valve lớn. Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng thường có tiên lượng nặng và tỷ lệ tử vong cao. Các loại viêm nội tâm mạc nhiễm trùng gồm:
- Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng trên van tự nhiên: Xuất hiện ở người nghiện ma túy qua đường tĩnh mạch. Điều trị dựa vào kháng sinh và kết quả điều trị thường tốt.
- Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng trên van nhân tạo: Có thể xảy ra trước hoặc bằng hai tháng sau khi thay valve. Nguyên nhân là do nhiễm trùng van nhân tạo lúc mổ hoặc biến chứng sau phẫu thuật.
- Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng ở các đối tượng đặc biệt: Các đối tượng thường bị viêm nội tâm mạc nhiễm trùng như sau mổ tim hở, sản phụ khoa, mắc phải trong bệnh viện, người chạy thận nhân tạo định kỳ.
- Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng vi khuẩn: Streptococcus viridans, staphylococci, HACEK nguồn gốc hầu họng, da hô hấp trên; Streptococcus bovis; đường tiêu hóa hay kết hợp với polyp hoặc u đại tràng; enterococci từ đường niệu dục, vi trùng Pneumococcus...
- Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng do đường vào: Nguyên nhân từ ổ tổn thương, vi trùng gây nhiễm trùng huyết, du khuẩn huyết...
2. Siêu âm tim trong bệnh viêm nội tâm mạc nhiễm trùng
Siêu âm tim trong bệnh viêm nội tâm mạc nhiễm trùng có vai trò quan trọng như sau:
Vai trò siêu âm tim trong chẩn đoán bệnh viêm nội tâm mạc nhiễm trùng:
- Siêu âm tim qua thành ngực có vai trò quan trong khi nghi ngờ viêm nội tâm mạc nhiễm trùng.
- Siêu âm tim qua thực quản được sử dụng ở tất cả người bệnh lâm sàng nghi ngờ viêm nội tâm mạc nhiễm trùng mà khi siêu âm tim qua thành ngực có chẩn đoán không rõ ràng.
- Siêu âm tim qua thực quản được sử dụng khi người bệnh lâm sàng nghi ngờ viêm nội tâm mạc nhiễm trùng, mà có van nhân tạo hoặc thiết bị nhân tạo trong tim.
- Siêu âm tim qua thành ngực hoặc qua thực quản được áp dụng khi làm lại trong vòng 5-7 ngày nếu vẫn còn nghi ngờ khả năng cao viêm nội tâm mạc nhiễm trùng mà thăm khám lần đầu âm tính.
- Xem xét siêu âm tim ở những người bệnh nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu vàng và xem xét siêu âm tim qua thực quản ở người bệnh nghi ngờ viêm nội tâm mạc nhiễm trùng khi siêu âm tim qua thành ngực dương tính.
Theo dõi trong thời gian điều trị viêm nội tâm mạc nhiễm trùng:
- Siêu âm tim qua thành ngực hoặc qua thực quản được sử dụng khi nghi ngờ có biến chứng mới của viêm nội tâm mạc nhiễm trùng.
- Sử dụng phương pháp siêu âm tim qua thành ngực hoặc qua thực quản trong thời gian theo dõi viêm nội tâm mạc nhiễm trùng không biến chứng để phát hiện các biến chứng thầm lặng mới, cũng như kích thước khối sùi.
Siêu âm tim trong phẫu thuật viêm nội tâm mạc nhiễm trùng:
- Siêu âm tim trong phẫu thuật viêm nội tâm mạc nhiễm trùng được được sử dụng trong tất cả các trường hợp.
Siêu âm tim khi kết thúc điều trị:
- Siêu âm tim qua thành ngực được sử dụng khi kết thúc điều trị kháng sinh nhằm đánh giá chức năng, hình thái tim và các lá van.
3. Điều trị viêm nội tâm mạc nhiễm trùng
3.1. Điều trị nội khoa
Điều trị nội khoa chủ yếu là điều trị bằng kháng sinh. Thời điểm điều trị phụ thuộc vào diễn tiến bệnh, tình trạng lâm sàng. Khi điều trị nội khoa, nên dùng kháng sinh diệt khuẩn, liều cao ở đường tĩnh mạch hoặc tiêm bắp. Phương pháp điều trị cụ thể như sau:
Kháng sinh trị liệu theo kinh nghiệm:
- Người bệnh không có van tim nhân tạo và viêm nội tâm mạc nhiễm trùng bán cấp: Sử dụng Penicillin 200mg/kg/ngày chia 6 lần tiêm tĩnh mạch.
- Người bệnh không có van tim nhân tạo và viêm nội tâm mạc nhiễm trùng cấp: Cần cho kháng sinh trước khi có kết quả cấy máu thường do staphylococcus.
- Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng trên bệnh nhân mang van nhân tạo: Sau 12 tháng từ lúc thay van tim thì dùng kháng sinh điều trị theo kinh nghiệm gồm vancomycin phối hợp với aminoglycoside và cephalosporin thế hệ 3.
Điều trị kháng sinh phù hợp tùy theo nguyên nhân:
- Đối với trực khuẩn gram âm họ Enterobacteriaceae thì phối hợp 1 cephalosporin thế hệ 3 thời gian 4-6 tuần.
- Pseudomonas aeruginosa: phối hợp ceftazidime hoặc imipenem với 1 aminoglycoside, thời gian 6 tuần.
- Vi nấm: Phẫu thuật tim cắt bỏ sùi và thay van kết hợp với amphotericin B truyền tĩnh mạch trong thời gian 6-8 tuần
- Cấy máu âm tính: Diễn tiến bán cấp thì sử dụng ampicillin liều cao với gentamycin; diễn tiến cấp hoặc van nhân tạo phối hợp thêm vancomycin.
3.2. Điều trị ngoại khoa
Điều trị ngoại khoa khi người bệnh bị suy tim vừa đến nặng do rối loạn hoạt động của van tim; van tim nhân tạo không ổn định; nhiễm trùng không kiểm soát bằng kháng sinh hoặc nhiễm trùng trên van nhân tạo tái phát sau khi đã dùng kháng sinh trị liệu tối ưu.
Ngoài ra, có thể chỉ định tương đối ở người bị nhiễm trùng xâm lấn quanh van, nhiễm trùng tái phát sau khi đã dùng kháng sinh trị liệu tối ưu, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng cấy máu (-) kèm theo sốt kéo dài, có sùi lớn > 10mm.
Nói tóm lại, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng là một bệnh lý nhiễm trùng tại tim tương đối hiếm gặp trong cộng đồng nhưng lại xảy ra với mức độ nặng nề. Trong đó, việc thường xuyên thăm khám định kỳ, tầm soát các bất thường tại tim để chủ động đề phòng là một biện pháp cần làm, nhằm đảm bảo sức khỏe lâu dài cho chính mình và người thân.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.