Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Anh Tú - Bác sĩ Siêu âm sản – Chẩn đoán trước sinh – Khoa Sản - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Chẩn đoán thai ngoài tử cung phải được dựa vào các triệu chứng lâm sàng và các phương tiện cận lâm sàng. Siêu âm thai ngoài tử cung là phương tiện được sử dụng rộng rãi nhất, trong đó siêu âm qua đường âm đạo đóng vai trò nhiều hơn siêu âm ngã bụng vì tính chính xác của nó. Hình ảnh thu được trên siêu âm có thể trực tiếp hình ảnh thai nằm ngoài buồng tử cung hoặc hình ảnh gợi ý như tụ dịch túi cùng và ổ bụng.
1. Thai ngoài tử cung là gì?
Thai ngoài tử cung là tình trạng thai làm tổ bên ngoài thân tử cung, vị trí làm tổ bất thường hay gặp là vòi tử cung. Đây là cấu trúc nối tử cung với buồng trứng hai bên. Khi dừng lại để làm tổ tại vòi tử cung, phôi thai sẽ không thể phát triển thành một em bé bình thường và tình trạng sức khỏe của sản phụ sẽ gặp nhiều nguy cơ nếu bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Các vị trí làm tổ khác của thai ngoài tử cung có thể gặp là buồng trứng, ổ bụng, cổ tử cung. Thai kỳ có thai ngoài tử cung không được phép duy trì. Thông thường, việc chấm dứt quá trình mang thai sẽ được thực hiện bằng thuốc hoặc phẫu thuật. Tần suất gặp thai ngoài tử cung ở nước Anh khoảng 1:90 thai kỳ và có khoảng 11000 trường hợp mỗi năm.
2. Đối tượng nguy cơ của thai ngoài tử cung
Thai ngoài tử cung làm tổ ở vòi là thể thường gặp nhất, nguyên nhân chính của tình trạng này là tình trạng viêm nhiễm của hai vòi tử cung. Bên cạnh đó, sự mất cân bằng hóc môn và sự phát triển bất thường của trứng đã thụ tinh cùng đóng một vai trò quan trọng.
Những người phụ nữ có các đặc điểm sau đây sẽ có nguy cơ mắc thai ngoài tử cung cao hơn:
- Tiền sử được chẩn đoán thai ngoài tử cung
- Viêm hoặc nhiễm trùng vòi tử cung: Các tình trạng viêm nhiễm lây qua đường tình dục do lậu hoặc chlamydia có thể là nguyên nhân gây viêm nhiễm vòi và những cơ quan lân cận, làm tăng nguy cơ xuất hiện thai ngoài tử cung.
- Điều trị hiếm muộn: Một vài nghiên cứu cho rằng phụ nữ làm thụ tinh trong ống nghiệm (in vitro fertilization – IVF) hoặc các phương pháp điều trị vô sinh khác có khả năng mắc thai ngoài tử cung cao hơn. Bản thân tình trạng vô sinh đã làm tăng tỷ lệ thai ngoài tử cung.
- Các phẫu thuật ở vòi tử cung: Phẫu thuật sửa chữa các bất thường của vòi tử cung trước đây làm tăng nguy cơ của thai ngoài tử cung.
- Phương pháp tránh thai: xác suất có thai khi đặt dụng cụ tránh thai trong buồng tử cung là rất thấp, tuy nhiên nếu tránh thai thất bại, thai kỳ thường là thai ngoài tử cung.
- Thuốc lá: Hút thuốc lá trước khi có thai tỷ lệ thuận với khả năng xuất hiện thai ngoài tử cung.
3. Dấu hiệu nhận biết thai ngoài tử cung
Không phải lúc nào thai ngoài tử cung cũng có những biểu hiện trên lâm sàng. Ở một số trường hợp thai ngoài tử cung, các triệu chứng gợi ý có thai thông thường sẽ xuất hiện như trễ kinh, buồn nôn, căng tức hai vú. Người bệnh thường có triệu chứng vào khoảng tuần thứ 4 đến tuần thứ 12 của thai kỳ. Nhiều phụ nữ chỉ có thể được phát hiện có thai ngoài tử cung khi siêu âm sớm hoặc khi có các triệu chứng nặng nề hơn sau đó.
- Thai ngoài tử cung thường gặp ở những phụ nữ trễ kinh, test có thai dương tính và có các dấu hiệu gợi ý đang mang thai. Những triệu chứng lâm sàng chính của thai ngoài tử cung bao gồm:
- Chảy máu âm đạo: Không dễ dàng để phân biệt chảy máu âm đạo bất thường với máu của chu kỳ kinh nguyệt. Chảy máu âm đạo trong thai ngoài tử cung thường có màu đà nâu, lỏng. Nhiều phụ nữ nhầm lẫn với một chu kỳ kinh nguyệt bình thường và không nhận ra bản thân đang mang thai. Xuất huyết âm đạo trong thời gian mang thai tương đối phổ biến và thường không phải là dấu hiệu của những tình trạng nghiêm trọng nhưng vẫn cần đến sự đánh giá và tư vấn từ bác sĩ.
- Đau bụng: Đau bụng trong bệnh cảnh thai ngoài tử cung thường xuất hiện ở một bên vùng bụng thấp. Triệu chứng này có thể xuất hiện một cách đột ngột hoặc từ từ và kéo dài. Khi thai ngoài tử cung dọa vỡ, máu chảy vào ổ bụng từ vòi tử cung, cảm giác đau bụng sẽ tăng lên nhiều. Nếu lượng máu tăng lên nhiều, người bệnh có thể có cảm giác đau vai bời vì máu tràn ngập trong tiểu khung và ổ bụng, kích thích dây thần kinh chi phối cảm giác của vai. Đau bụng là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác nhau, tuy nhiên nên đến khám tại các cơ sở y tế nếu đau bụng ở người đang mang thai hoặc nghi ngờ có thai. Phụ nữ đang trong độ tuổi sinh sản đau bụng và xuất huyết âm đạo là những dấu hiệu gợi ý thai ngoài tử cung cần lưu ý.
- Những dấu hiệu cấp cứu: Khi thai ngoài tử cung bám vào vòi tử cung và gây vỡ, xuất huyết trong ổ bụng trở nên ồ ạt. Bệnh nhân rơi vào bối cảnh mất máu cấp tính, sẽ biểu hiện nhiều triệu chứng khác như mệt mỏi, da nhợt nhạt, đau bụng dữ dội và sốc.
Người bệnh cần tìm đến các cơ sở y tế ngay nếu như có các dấu hiệu gợi ý của thai ngoài tử cung, bao gồm:
- Đau bụng hoặc đau vùng chậu nhiều khi đang mang thai
- Chảy máu âm đạo bất thường
- Mệt mỏi, lờ đờ
- Những triệu chứng nghi ngờ khác, đặc biệt khi người bệnh có nhiều yếu tố nguy cơ của thai ngoài tử cung.
4. Siêu âm có phát hiện được thai ngoài tử cung
Việc chẩn đoán thai ngoài tử cung có thể giúp cứu sống người bệnh một cách kịp thời và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Thăm khám vùng chậu có thể giúp bác sĩ định khu vị trí đau bụng hoặc phát hiện các khối bất thường quanh vòi tử cung và buồng trứng. Tuy nhiên, không thể khẳng định chắc chắn một thai ngoài tử cung khi chỉ dựa vào thăm khám lâm sàng. Bệnh nhân cần thực hiện xét nghiệm máu và siêu âm thai ngoài tử cung.
- Định lượng beta-hCG trong máu: Nồng độ của hóc môn này sẽ tăng cao khi đang mang thai. Xét nghiệm định lượng beta-hCG có thể được thực hiện lặp lại sau vài ngày cho đến khi siêu âm có thể xác định chẩn đoán hoặc loại trừ thai ngoài tử cung.
- Siêu âm: Trong chẩn đoán thai ngoài tử cung, bác sĩ có thể chỉ định siêu âm bụng và/hoặc siêu âm đầu dò âm đạo. Siêu âm đầu dò âm đạo có nhiều ưu điểm nổi bật hơn siêu âm bụng thông thường, trong đó độ chính xác và độ nhạy cao hơn. Một đầu dò nhỏ dài được đưa vào âm đạo sẽ cho phép định vị được vị trí làm tổ của thai. Các hình ảnh khảo sát tử cung, buồng trứng và vòi tử cung thu được chi tiết hơn. Siêu âm đường bụng thường được dùng xác nhận việc có thai hoặc đánh giá tình trạng chảy máu trong ổ bụng, hay phân biệt với các nguyên nhân gây đau bụng cấp tính khác như viêm ruột thừa, viêm phần phụ, ...
- Công thức máu: Một công thức máu đầy đủ có thể được dùng để đánh giá tình trạng thiếu máu. Nếu lượng máu mất quá nhiều, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm định nhóm máu trong trường hợp cần truyền máu.
Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện có dịch vụ thai sản trọn gói như một giải pháp giúp mẹ bầu an tâm vì đã có sự đồng hành của đội ngũ y bác sĩ trong suốt thai kỳ. Khi lựa chọn Thai sản trọn gói, thai phụ được:
- Quá trình mang thai được theo dõi bởi đội ngũ bác sĩ giàu chuyên môn
- Thăm khám đều đặn, phát hiện sớm các vấn đề bất thường
- Thai sản trọn gói giúp thuận tiện cho quá trình sinh đẻ
- Trẻ sơ sinh được chăm sóc toàn diện
Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY
XEM THÊM