Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lưu Thị Bích Ngọc - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Bác sĩ có 06 năm kinh nghiệm làm trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh.
Bàng quang tăng hoạt là tình trạng bàng quang hoạt động một cách quá mức dẫn tới thường xuyên buồn tiểu gấp một cách đột ngột. Tình trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt của người bệnh. Để chẩn đoán phát hiện bệnh bàng quang tăng hoạt cần tiến hành làm các biện pháp cận lâm sàng như xét nghiệm nước tiểu, siêu âm bàng quang,...
1. Bàng quang tăng hoạt là gì?
Hội chứng bàng quang tăng hoạt hay còn được gọi là hội chứng OAB là tình trạng bàng quang hoạt động quá mức dẫn tới thường xuyên buồn tiểu gấp một cách đột ngột. Tình trạng này xảy ra khi bàng quang bị co thắt đột ngột mà không có sự kiểm soát và khi bàng quang không chứa đầy nước tiểu. Theo đó, khi đã buồn tiểu thì rất người bệnh rất khó nhịn và dẫn đến giải phóng nước tiểu không kiểm soát. Tình trạng này được gọi là tiểu không tự chủ hay són tiểu cấp kỳ. Bàng quang tăng hoạt là tình trạng thường gặp, xảy ra ở nữ giới nhiều hơn nam giới.
Những triệu chứng điển hình của hội chứng bàng quang tăng hoạt bao gồm:
- Tiểu gấp: người bệnh thường bị kích thích phải đi tiểu đột ngột
- Tiểu nhiều lần: đi vệ sinh thường xuyên với tần suất hơn 8 lần/ ngày hoặc nhiều hơn thế. Tuy nhiên số lượng nước tiểu mỗi lần đi là không nhiều.
- Tiểu đêm: thức dậy đi tiểu nhiều hơn một lần vào mỗi ban đêm
- Tiểu không tự chủ: nước tiểu rỉ ra trước khi người bệnh vào nhà vệ sinh khi có cảm giác tiểu gấp.
Hiện nay vẫn chưa xác định được rõ nguyên nhân gây ra hội chứng bàng quang tăng hoạt. Thông thường cơ quan tạo nước tiểu và nước tiểu sẽ dần đi từ thận vào bàng quang qua niệu quản. Khi bàng quang đầy, tín hiệu thần kinh được gửi đến não và tạo ra cảm giác buồn tiểu, não sẽ truyền đi tín hiệu từ thần kinh đến bàng quang để chỉ đạo cơ vòng niệu đạo giãn ra, cơ bàng quang co bóp đẩy nước tiểu thoát ra ngoài cơ thể.
Bàng quang tăng hoạt khiến cơ bàng quang co thắt một cách bất thường, tạo cảm giác buồn tiểu thường xuyên ngay cả khi bàng quang không đầy. Một số yếu tố gây ra triệu chứng bàng quang tăng hoạt bao gồm:
- Cơ sàn chậu suy yếu: ở phụ nữ việc mang thai và sinh con có thể khiến cơ sàn chậu bị kéo giãn ra và suy yếu đi. Điều này có thể khiến bàng quang bị xệ ra khỏi vị trí bình thường.
- Tổn thương thần kinh: có thể do chấn thương hoặc bệnh, đã từng phẫu thuật vùng chậu hoặc lưng dưới, đa xơ cứng, đột quỵ, thoát vị đĩa đệm, bệnh Parkinson,... dẫn tới các tín hiệu gửi đến não và bàng quang để xả nước tiểu không đúng thời điểm.
- Bệnh nhiễm trùng: nhiễm trùng đường tiết niệu có thể gây kích thích dây thần kinh chỉ đạo bàng quang và khiến bàng quang co bóp mà không báo trước.
- Bệnh tiểu đường: những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường có thể gặp một số vấn đề về bàng quang như giảm khả năng kiểm soát các cơ vòng niệu đạo, bàng quang tăng hoạt, bí tiểu và nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Thừa cân: thừa cân béo phì làm tăng áp lực lên bàng quang và cũng có thể dẫn tới tình trạng buồn tiểu gấp.
- Suy giảm chức năng nhận thức: do quá trình lão hóa khiến bàng quang khó tiếp nhận được các tín hiệu mà não gửi đi.
- Các yếu tố cản trở dòng chảy nước tiểu: các khối u, phì đại tuyến tiền liệt, táo bón hoặc các ca phẫu thuật điều trị các dạng tiểu không tự chủ khác.
2. Siêu âm bàng quang tăng hoạt
Siêu âm bàng quang tăng hoạt là một trong những biện pháp cận lâm sàng nhằm kiểm tra những vấn đề trong bàng quang và đo lượng nước tiểu tồn dư sau khi đi tiểu. Ngoài ra siêu âm còn giúp đánh giá tình trạng của bang quang, các nguyên nhân u hay sỏi nếu có, để chẩn đoán bàng quang tăng hoạt bệnh nhân cần phải làm thêm một số xét nghiệm bao gồm:
- Xét nghiệm nước tiểu: giúp phát hiện nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc các vấn đề khác ở đường tiết niệu.
- Nội soi bàng quang: sử dụng ống nội soi có gắn đèn chiếu sáng và camera đưa vào bàng quang sau khi gây mê. Phương pháp nội soi có thể giúp bác sĩ xác định được các triệu chứng có phải do vấn đề bất thường trong bàng quang ví dụ như: sỏi bàng quang, khối u,...
- Đo niệu động học: bao gồm các biện pháp kiểm tra đo đạc nhằm đánh giá chức năng của bàng quang. Các biện pháp niệu động học bao gồm: đo nước tiểu tồn dư, đo niệu dòng, đo áp lực bàng quang.
Bệnh nhân mắc hội chứng bàng quang tăng hoạt có thể tập luyện bàng quang giúp cải thiện các triệu chứng. Tuy nhiên, ở một số trường hợp cần phải sử dụng thuốc trong quá trình điều trị nhằm giảm kích thích bàng quang. Ngoài ra, người bệnh cần duy trì một lối sống lành mạnh không hút thuốc lá và sử dụng các chất kích thích, caffeine trong trà và cafe, rượu bia,...
Tóm lại, bàng quang tăng hoạt là bệnh thường gặp bao gồm các triệu chứng tiểu gấp, tiểu nhiều lần và tiểu không tự chủ. Siêu âm bàng quang là biện pháp cận lâm sàng chẩn đoán bệnh bàng quang tăng hoạt. Tuy nhiên, một số trường hợp cần làm thêm một số xét nghiệm khác như: nội soi bàng quang, xét nghiệm nước tiểu, đo niệu động học,... để có thể chẩn đoán chính xác và có các biện pháp điều trị phù hợp đối với từng trường hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.