Serotonin, hay còn được gọi là “hóc môn hạnh phúc”, do những tác động của chất dẫn truyền thần kinh này lên cảm xúc, nhưng ngoài ra, Serotonin còn mang lại nhiều tác động khác lên sức khỏe tâm thần của chúng ta.
1. Serotonin là gì?
Serotonin là một hóa chất do các tế bào thần kinh sản xuất. Nó gửi tín hiệu giữa các tế bào thần kinh. Serotonin được tìm thấy chủ yếu trong hệ tiêu hóa, mặc dù nó cũng hiện diện trong tiểu cầu và khắp hệ thần kinh trung ương.
Serotonin được tạo ra từ axit amin thiết yếu tryptophan. Axit amin này được hấp thụ từ chế độ ăn uống và thường được tìm thấy trong các loại thực phẩm như quả hạch, pho mát và thịt đỏ. Thiếu tryptophan có thể dẫn đến mức Serotonin thấp, có thể dẫn đến rối loạn tâm trạng, chẳng hạn như lo lắng hoặc trầm cảm.
2. Công dụng của Serotonin?
Serotonin tác động đến mọi bộ phận của cơ thể, từ cảm xúc đến kĩ năng vận động. Serotonin được xem là một chất ổn định tâm trạng tự nhiên. Đây là chất giúp quá trình ngủ, ăn và tiêu hóa. Serotonin cũng có tác dụng:
- Giảm trầm cảm
- Điều chỉnh cảm xúc lo lắng
- Chữa lành vết thương
- Kích thích buồn nôn
- Giữ gìn sức khỏe xương
Vai trò Serotonin trong các hoạt động chức năng của cơ thể như sau:
- Nhu động ruột: Serotonin được tìm thấy chủ yếu trong dạ dày và ruột của cơ thể. Nó giúp kiểm soát nhu động và chức năng của ruột.
- Tâm trạng: Serotonin trong não được cho là có tác dụng điều chỉnh sự lo lắng, hạnh phúc và tâm trạng. Mức Serotonin thấp có liên quan đến trầm cảm và mức Serotonin tăng lên do thuốc được cho là làm giảm sự hưng phấn.
- Buồn nôn: Serotonin là một phần nguyên nhân khiến bạn buồn nôn. Serotonin tăng lên để đẩy thức ăn độc hại ra ngoài nhanh hơn khi con người mắc tiêu chảy. Chất này cũng tăng trong máu, làm kích thích phần não kiểm soát cảm giác buồn nôn.
- Giấc ngủ: Chất này có nhiệm vụ kích thích các bộ phận của não kiểm soát giấc ngủ và thức dậy. Việc bạn ngủ hay thức phụ thuộc vào khu vực được kích thích và thụ thể Serotonin nào được sử dụng.
- Đông máu: Các tiểu cầu trong máu giải phóng Serotonin để giúp chữa lành vết thương. Serotonin làm thu hẹp các động mạch nhỏ, giúp hình thành cục máu đông.
- Sức khỏe xương: Mức Serotonin cao đáng kể trong xương có thể dẫn đến chứng loãng xương, làm cho xương yếu hơn.
Đời sống tình dục: Mức Serotonin thấp có liên quan đến tăng ham muốn tình dục, trong khi mức Serotonin tăng có liên quan đến sự giảm hưng phấn.
3. Serotonin và sức khỏe tâm thần
Serotonin giúp điều chỉnh tâm trạng của bạn một cách tự nhiên. Khi mức Serotonin của bạn bình thường, bạn cảm thấy:
- Hạnh phúc hơn
- Bình tĩnh hơn
- Tập trung hơn
- Bớt lo lắng
- Ổn định hơn về mặt cảm xúc
Một nghiên cứu năm 2007 cho thấy những người bị trầm cảm thường có lượng Serotonin thấp. Sự thiếu hụt Serotonin cũng có liên quan đến chứng lo âu và mất ngủ.
Có một số bất đồng nhỏ về vai trò của Serotonin đối với sức khỏe tâm thần. Một số nhà nghiên cứu trong các nghiên cứu cũ đã đặt câu hỏi liệu sự tăng hoặc giảm Serotonin có thể ảnh hưởng đến chứng trầm cảm hay không. Nghiên cứu mới hơn khẳng định có. Ví dụ, một nghiên cứu trên động vật năm 2016 đã kiểm tra những con chuột thiếu thụ thể tự động Serotonin có tác động ức chế tiết Serotonin. Không có các cơ quan thụ cảm tự động này, những con chuột có lượng Serotonin có sẵn trong não cao hơn. Các nhà nghiên cứu nhận thấy những con chuột này biểu hiện ít lo lắng và các hành vi liên quan đến trầm cảm hơn.
4. Cách điều trị thiếu hụt Serotonin
4.1 Thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc Serotonin (SSRIs)
Hàm lượng Serotonin trong não thấp có thể gây ra trầm cảm, lo lắng và khó ngủ. Nhiều bác sĩ sẽ kê đơn thuốc ức chế tái hấp thu Serotonin có chọn lọc (SSRIs) để điều trị trầm cảm. Đây là loại thuốc chống trầm cảm được kê đơn phổ biến nhất.
SSRI làm tăng mức độ Serotonin trong não bằng cách ngăn chặn sự tái hấp thu hóa chất, vì vậy nhiều chất này vẫn hoạt động. Các loại thuốc SSRI thường gặp bao gồm Prozac và Zoloft, ...
Khi đang dùng thuốc Serotonin, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các loại thuốc khác. Việc trộn lẫn các loại thuốc có thể gây nguy cơ mắc hội chứng Serotonin.
4.2 Chất tăng Serotonin tự nhiên
Bên cạnh thuốc SSRIs, các yếu tố sau có thể tăng mức Serotonin, theo một bài báo được xuất bản trên Tạp chí Tâm thần và Khoa học Thần kinh:
- Tiếp xúc với ánh sáng: Ánh nắng mặt trời hoặc liệu pháp ánh sáng là những biện pháp thường được khuyên dùng để điều trị chứng trầm cảm theo mùa.
- Tập thể dục: Tập thể dục thường xuyên có tác dụng nâng cao tâm trạng.
- Chế độ ăn uống lành mạnh: Thực phẩm có thể làm tăng mức Serotonin bao gồm trứng, pho mát, gà tây, các loại hạt, cá hồi, đậu phụ và dứa.
- Thiền: Ngồi thiền có thể giúp giảm căng thẳng và thúc đẩy cái nhìn tích cực về cuộc sống, giúp tăng đáng kể mức Serotonin.
5. Hội chứng Serotonin
Các loại thuốc làm tăng và tích tụ Serotonin trong cơ thể có thể dẫn đến hội chứng Serotonin. Hội chứng này thường có thể xảy ra sau khi người bệnh bắt đầu dùng một loại thuốc mới hoặc tăng liều lượng của một loại thuốc hiện có.Các triệu chứng của hội chứng Serotonin bao gồm:
- Rùng mình
- Tiêu chảy
- Đau đầu
- Lú lẫn
- Đồng tử giãn
- Nổi da gà
Các triệu chứng nghiêm trọng có thể bao gồm:
- Co giật cơ
- Mất sự nhanh nhẹn của cơ bắp
- Cứng cơ
- Sốt cao
- Nhịp tim nhanh
- Huyết áp cao
- Nhịp tim không đều
- Co giật
Không có bất kỳ xét nghiệm nào có thể chẩn đoán hội chứng Serotonin. Thay vào đó, bác sĩ sẽ khám lâm sàng để xác định xem bạn có mắc bệnh này hay không.Thông thường, các triệu chứng hội chứng Serotonin sẽ biến mất trong vòng một ngày nếu bạn dùng thuốc chặn Serotonin hoặc thay thế thuốc gây ra tình trạng này ngay từ đầu.Hội chứng Serotonin có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.