Sẹo phì đại và sẹo lồi: Điểm giống và khác nhau

Sẹo là nỗi ám ảnh không chỉ ở phái đẹp mà cả ở đàn ông, đặc biệt là sẹo lồi hay sẹo phì đại ở những vùng trực diện của cơ thể. Vậy sẹo lồi và sẹo phì đại có gì giống và khác nhau?

1. Thế nào là sẹo phì đại? Thế nào là sẹo lồi?

  • Sẹo phì đại: Hình thành trong vòng 6 tháng sau khi bị thương ngoài da, sẹo nhô lên và thường nằm trong ranh giới của vết thương. Sẹo phì đại xảy ra khi cơ thể tạo ra quá nhiều collagen trong quá trình tự sửa chữa làm lành vết thương hoặc do quá trình nhiễm trùng tại vết thương. Nó có thể tự thoái triển theo thời gian, làm vùng da bị thương trở lại bình thường như trước đó đó.
  • Sẹo lồi: Hình thành sau khi bị thương khoảng 6 tháng, quá trình lành vết thương làm sẹo phát triển lớn hơn vết thương ban đầu. Lượng collagen do cơ thể sản xuất lớn, gây tích tụ quá mức và không tự thoái triển được. Sẹo lồi sẽ tồn tại vĩnh viễn trên da nếu không có các biện pháp can thiệp khác.

Quá trình tạo sẹo phì đại lượng collagen tăng sinh chỉ gấp ba lần so với bình thường, trong khi đó ở sẹo lồi quá trình này gấp 20 lần bình thường. Do đó, sẹo phì đại sẽ biến mất theo thời gian dù không có can thiệp điều trị còn sẹo lồi rất khó mất dù có dùng các biện pháp tích cực.

Sau khi có một tổn thương trên da, quá trình hình thành sẹo phụ thuộc vào tình trạng tổn thương, cơ địa của từng người nhưng không phụ thuộc vào giới tính.

2. Nguyên nhân hình thành sẹo lồi và sẹo phì đại

Bất kỳ các tổn thương nào trên bề mặt da đều có nguy cơ tạo thành sẹo, một số nguyên nhân có thể gây sẹo lồi hay sẹo phì đại như sau:

  • Bỏng do nhiệt, do hóa chất hay do lạnh từ độ 2 trở lên.
  • Các phẫu thuật, thủ thuật có xâm lấn da.
  • Quá trình nhiễm trùng da do vết thương chậm lành.
  • Quá trình viêm bất thường trên da do mụn trứng cá, côn trùng cắn,...
  • Các tai nạn làm tổn thương da từ lớp trung bì trở xuống.
  • Các tổn thương da ở người bệnh có quá trình chuyển hóa nguyên bào sợi bất thường hay người có cơ địa sẹo lồi (yếu tố di truyền).

3. Phân biệt điểm giống nhau, khác nhau giữa sẹo lồi và sẹo phì đại

Giống nhau

  • Sẹo lồisẹo phì đại đều có bề mặt trơn láng, nổ gồ lên trên da, có màu đỏ hồng hoặc hơi tím.
  • Thường gây cảm giác ngứa ngáy trên da, có thể làm co rút da hoặc gây đau.
  • Nguyên nhân gây sẹo đều do bất cứ tổn thương nào tác động lên da.

Khác nhau

Sẹo lồi Sẹo phì đại
Tuổi Thường gặp hơn ở độ tuổi 10 - 30 tuổi. Gặp ở bất kỳ độ tuổi nào.
Khởi phát Sau chấn thương khoảng 6 tháng. Khởi phát ngay sau chấn thương, kéo dài dưới 6 tháng.
Kích thước Sẹo vượt qua ranh giới tổn thương ban đầu. Sẹo chỉ nằm trong ranh giới tổn thương ban đầu.
Khả năng tự khỏi Thường tồn tại vĩnh viễn nếu không điều trị, ít khi tự khỏi. Có thể tự khỏi sau 6 tháng mà không cần điều trị.
Tái phát Thường tái phát sau điều trị. Không tái phát.
Mô bệnh học Tăng sản xuất collagen quá mức, do đó sẹo lồi thường có hình dạng bất thường. Tăng phát triển collagen dạng nguyên bào sợi, các sợi sắp xếp trật tự và hiếm khi có hình dạng bất thường.

4. Điều trị sẹo phì đại và sẹo lồi

Có thể chia quá trình điều trị sẹo làm 2 giai đoạn: giai đoạn sẹo hình thành (ngay sau khi lành vết thương) và giai đoạn sẹo tiến triển.

Giai đoạn sẹo hình thành:

  • Bôi các loại kem chống sẹo ngay khi vết thương khô hẳn;
  • Sử dụng miếng dán silicon để băng sẹo dưới chỉ định của nhân viên y tế;
  • Thực hiện các phương pháp vật lý trị liệu, massage tại vùng bị sẹo.

Giai đoạn sẹo tiến triển:

  • Tiêm corticoid để làm mềm tổ chức sẹo, ức chế sự tăng sinh các nguyên bào sợi, làm phẳng bề mặt sẹo. Tuy nhiên nó cũng gây ra một số phản ứng phụ như làm giảm sắc tố da hay teo da ;
  • Điều trị sẹo lồi hoặc sẹo phì đại bằng laser được chỉ định ở các sẹo không hoạt động. Phương pháp này làm mòn các tổ chức sẹo, hoại tử mạch máu nuôi từ đó làm sẹo thoái triển.
  • Phẫu thuật cắt bỏ sẹo áp dụng cho các trường hợp sẹo kéo dài trên 1 năm gây mất thẩm mỹ hay sẹo ở vị trí khớp làm hạn chế vận động. Tuy nhiên, sau phẫu thuật nên phối hợp thêm các liệu pháp tiêm corticoid hoặc laser để ngừa sẹo lồi tái phát.
  • Phẫu thuật lạnh là phương pháp sử dụng nitơ dạng lỏng phun trực tiếp lên vùng sẹo, làm co các mạch máu nuôi dưỡng dẫn đến hoại tử các tế bào sẹo. Phương pháp này gây đau đớn, làm mất sắc tố da và có thể gây bỏng lạnh tại vị trí sẹo.

Các biện pháp phòng ngừa để tránh hình thành sẹo:

  • Khi có tổn thương trên da cần chăm sóc vết thương cẩn thận, thay rửa vết thương đều đặn, hạn chế nhiễm trùng hay các yếu tố khác làm chậm lành vết thương dẫn đến hình thành sẹo xấu.
  • Khi vết thương lành, mô sẹo hình thành trong thời gian 2 tuần đến 2 tháng cần kiểm tra thường xuyên bởi các bác sĩ da liễu - thẩm mỹ để được hướng dẫn massage, băng ép để ngừa sẹo.
  • Không kích thích mạnh, cào gãi, hay mặc quần áo chật đè ép lên vùng sẹo.
  • Ăn đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng đặc biệt là chất xơ và vitamin để tăng cường quá trình liền sẹo, tránh kiêng khem quá mức.

Tóm lại, sẹo lồisẹo phì đại có cơ chế hình thành, hình dạng và phương pháp điều trị tương đối giống nhau. Tuy nhiên khác với sẹo lồi, sẹo phì đại có thể tự khỏi và không tái phát lại. Để tránh nguy cơ hình thành sẹo gây mất thẩm mỹ và thiếu tự tin, tốt nhất bạn nên chăm sóc vết thương ngay từ giai đoạn mới hình thành.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe