Scanax 500 là thuốc gì?

Thuốc Scanax (Ciprofloxacin) thường được chỉ định cho những trường hợp nhiễm khuẩn nặng mà các kháng sinh thông thường không tác dụng, ví dụ như: viêm đường tiết niệu, viêm tuyến tiền liệt, viêm ruột nhiễm khuẩn nặng, viêm xương - tủy, nhiễm khuẩn bệnh viện nặng (nhiễm khuẩn máu, dự phòng nhiễm khuẩn, bệnh não mô cầu ở người suy giảm miễn dịch).

1. Thuốc Scanax có tác dụng gì?

Thuốc Scanax có chứa thành phần chính là hoạt chất Ciprofloxacin, một kháng sinh thuộc nhóm Fluoroquinolone (Quinolon thế hệ 2) có cơ chế kháng khuẩn dựa vào sự ức chế Enzyme gyrase và topoisomerase IV (những enzyme cần thiết cho quá trình tái sinh ADN của vi khuẩn).

Ciprofloxacin có dược động học và phổ kháng khuẩn rộng hơn so với Axit nalidixic (kháng sinh Quinolon thế hệ 1), do đó được cho phép sử dụng trong các trường hợp nhiễm trùng toàn thân.

Vậy thuốc Scanax chữa bệnh gì? Để tránh phát triển những loại vi khuẩn có khả năng kháng Ciprofloxacin, thuốc Scanax được chỉ định trong những trường hợp nhiễm khuẩn nặng mà những thuốc kháng sinh thông thường không có tác dụng, ví dụ như:

2. Hướng dẫn sử dụng thuốc Scanax

2.1. Liều dùng

Thuốc Scanax được bào chế dưới dạng viên nén với hàm lượng Ciprofloxacin 500mg. Dựa vào mục đích điều trị, liều dùng của thuốc cho mỗi ngày được đề xuất như sau:

  • Điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu trên: dùng 250-500mg x 2 lần;
  • Điều trị nhiễm khuẩn ở da, mô mềm và xương: dùng 500 - 700mg x2 lần;
  • Điều trị nhiễm khuẩn bệnh viện nặng, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn ở người suy giảm hệ miễn dịch: dùng 500-750mg x 2 lần;
  • Bệnh lậu không có biến chứng: dùng 1 liều duy nhất 500mg;
  • Điều trị viêm tuyến tiền liệt mãn tính, viêm ruột nhiễm khuẩn nặng: dùng 500mg x 2 lần;
  • Dự phòng viêm ruột nhiễm khuẩn nặng và bệnh do não mô cầu: dùng 1 liều duy nhất 500mg (đối với trẻ em > 20kg: dùng 500mg; trẻ em < 20kg: 250mg);
  • Phòng nhiễm khuẩn Gram âm ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch: dùng 250-500mg x2 lần.

(*Lưu ý: Cần cân nhắc giảm bớt liều dùng ở các bệnh nhân bị suy giảm chức năng gan hoặc mắc suy thận nặng. Không cần giảm liều ở người bệnh suy thận nhẹ nếu đã dùng liều thấp; nếu dùng liều cao hơn cần điều chỉnh dựa trên độ thanh thải Creatinin hoặc nồng độ creatinin huyết thanh).

2.2. Cách dùng

Thời điểm tốt nhất để dùng thuốc Scanax là khoảng 2 tiếng sau bữa ăn. Người bệnh nên uống thuốc với nhiều nước và không nên dùng thuốc chống toan dạ dày trong vòng 2 tiếng sau khi uống Scanax.

Với đa số trường hợp nhiễm khuẩn, thời gian điều trị thường kéo dài từ 1-2 tuần. Đối với những ca nhiễm khuẩn nặng có kèm biến chứng hoặc nhiễm khuẩn xương khớp, việc điều trị có thể kéo dài từ 4-6 tuần hoặc lâu hơn.

(*Lưu ý: Người bệnh cần tuân thủ đủ thời gian điều trị bằng thuốc kháng sinh. Ngay cả khi không còn triệu chứng bệnh thì việc dùng thuốc cũng nên tiếp tục ít nhất là 48 tiếng).


Giải đáp Scanax 500 là thuốc gì?
Giải đáp Scanax 500 là thuốc gì?

3. Tác dụng phụ của thuốc

Trong một số trường hợp, thuốc Scanax có thể làm thay đổi các chỉ số xét nghiệm và gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, tiêu hóa, tuần hoàn máu, chuyển hóa, gan, cơ, da...

Một số phản ứng phụ của thuốc Scanax có thể kể đến:

Phản ứng phụ thường gặp:

  • Tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn và nôn;
  • Nồng độ Transaminase tăng tạm thời.

Phản ứng phụ ít gặp:

Phản ứng phụ hiếm gặp:

  • Các phản ứng phản vệ;
  • Các cơn co giật, lú lẫn;
  • Rối loạn tâm thần, hoang tưởng;
  • Rối loạn giấc ngủ, loạn cảm ngoại vi, trầm cảm;
  • Rối loạn thị giác, kém thính, ảo ảnh, ù tai;
  • Rối loạn khứu giác và vị giác, tăng áp lực nội sọ;
  • Viêm đại tràng giả mạc;
  • Hội chứng da - niêm mạc, hội chứng Lyell, ban đỏ da xuất hiện thành nốt, ban đỏ đa dạng tiết dịch;
  • Vài trường hợp hoại tử tế bào gan, viêm gan, vàng da ứ mật;
  • Đau cơ, viêm gân gót và phần mô bao quanh;
  • Xét nghiệm nước tiểu kiềm tính, có tinh thể niệu, tiểu ra máu, viêm thận kẽ, suy thận cấp;
  • Thiếu máu tán huyết, tăng tiểu cầu, bạch cầu, thay đổi nồng độ Prothrombin;
  • Nhạy cảm với ánh sáng khi phơi nắng, phù phổi, phù thanh quản, khó thở, co thắt phế quản.

Khi thấy có những tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh nên ngừng sử dụng thuốc Scanax và trao đổi với bác sĩ để được cân nhắc đổi sang loại thuốc khác phù hợp hơn.

4. Lưu ý trước khi sử dụng thuốc

Chống chỉ định dùng thuốc Scanax cho những trường hợp sau:

  • Bệnh nhân nhạy cảm với hoạt chất Ciprofloxacin, các thuốc thuộc nhóm Quinolon khác hoặc với bất cứ thành phần nào của thuốc;
  • Người bệnh đang dùng thuốc Tizanidine;

Thận trọng khi dùng thuốc Scanax ở những bệnh nhân bị động kinh, có tiền sử rối loạn hệ thần kinh trung ương, suy thận, thiếu men G6DP hoặc bị nhược cơ.

Các lưu ý khác:

  • Nên ngưng dùng thuốc nếu người bệnh có dấu hiệu đau, viêm hay thoát vị dây chằng;
  • Tránh tiếp xúc nhiều với ánh sáng mặt trời hoặc ánh sáng chiếu mạnh trong suốt thời gian điều trị bằng Scanax 500;
  • Tránh dùng đồng thời thuốc Scanax với các thuốc có chứa Fluoroquinolon khác trong khi điều trị nhiễm trùng da do tụ cầu (MRSA) vì mức độ kháng thuốc cao;
  • Thuốc có thể làm cho xét nghiệm trực khuẩn lao bị âm tính;
  • Hạn chế dùng kháng sinh Ciprofloxacin ở trẻ nhỏ và trẻ đang lớn do nhiều nghiên cứu cho thấy thuốc có nguy cơ gây thoái hóa sụn khớp trên động vật còn nhỏ;
  • Phụ nữ đang mang thai chỉ nên dùng thuốc Scanax trong trường hợp nhiễm khuẩn nặng mà các kháng sinh khác không thể điều trị thay thế, bắt buộc phải dùng tới Fluoroquinolon;
  • Thuốc có thể bài tiết qua sữa mẹ và gây ảnh hưởng đến trẻ đang bú mẹ, do vậy phụ nữ đang cho con bú cần ngừng hoạt động này nếu bắt buộc phải dùng thuốc Scanax 500mg;
  • Thuốc Scanax có thể làm giảm khả năng vận hành máy móc, lái xe gây nguy hiểm khi thao tác.

Tiêu chảy, đau bụng là tác dụng phụ của thuốc Scanax 500
Tiêu chảy, đau bụng là tác dụng phụ của thuốc Scanax 500

5. Tương tác thuốc Scanax

Một số loại thuốc có thể tương tác với thuốc bao gồm:

  • Cloroquin;
  • Fenbufen;
  • Naproxen;
  • Các thuốc kháng axit có chứa magie hoặc nhôm;
  • Thuốc chống đông như Warfarin;
  • Các muối canxi, sắt, kẽm;
  • Theophylin;
  • Glibenclamid;
  • Ciclosporin;
  • Các thuốc gây độc tế bào như: Cyclophosphamide, Vincristine, Doxorubicin, Cytosine Arabinoside, Mitoxantrone;
  • Didanosin;
  • Sucralfat.

Hy vọng bài viết đã cung cấp cho quý độc giả những thông tin cần biết để giải đáp thắc mắc “Scanax 500 là thuốc gì?”, “Thuốc scanax chữa bệnh gì?” và có định hướng sử dụng thuốc hiệu quả trong quá trình điều trị của mình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe