Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi các Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Sẩy thai liên tục là hiện tượng phụ nữ sảy thai 3 lần liên tiếp khi thai nhỏ hơn 20 tuần tuổi hoặc khi trọng lượng thai nhỏ hơn 500g. Tỷ lệ phụ nữ sẩy thai liên tục chiếm 0.5-1% phụ nữ mang thai.
1. Sẩy thai liên tục là gì?
Sẩy thai liên tục (hay còn gọi là sẩy thai tái phát) là tình trạng sảy thai 3 lần liên tiếp nhau lúc thai nhỏ hơn 20 tuần tuổi hoặc trọng lượng thai nhỏ hơn 500g. Sẩy thai liên tục khác với sẩy thai gián đoạn là sẩy thai gián đoạn có những lần thai kỳ bình thường giữa những lần sẩy thai.
Có hai dạng sẩy thai liên tục là:
- Sẩy thai liên tục nguyên phát: sản phụ chưa sinh em bé nào sống trước đó.
- Sẩy thai liên tục thứ phát: sản phụ đã từng sinh thành công ít nhất một em bé.
Tỷ lệ phụ nữ sẩy thai liên tục chiếm 0.5-1% số phụ nữ mang thai. Những phụ nữ đã có 3 lần sảy thai liên tục thì tỷ lệ cơ hội con sống những lần sinh tiếp theo chỉ là 50% và tỷ lệ sinh non cũng cao 20% so với bình thường.
2. Nguyên nhân gây sảy thai tái phát
- Yếu tố di truyền
Sảy thai do thai bị rối loạn nhiễm sắc thể chiếm 50-85% các trường hợp sẩy thai. Tuy nhiên, tỷ lệ thai bị rối loạn nhiễm sắc thể những phụ nữ sẩy thai liên tục khá thấp, tỷ lệ khoảng 3-5%
- Yếu tố cơ thể học
Tử cung người mẹ có các bất thường do bẩm sinh hoặc do mắc phải:
Bất thường bẩm sinh: tử cung kém phát triển, tử cung nhỏ, cổ tử cung nhỏ và dài, tử cung bị dị dạng như tử cung đôi, tử cung hai sừng, tử cung có vách ngăn...
Bất thường mắc phải: u xơ tử cung to hoặc nhiều nhân, hội chứng Asherman, polyp nội mạc tử cung,... Hở eo tử cung do tổn thương rách cổ tử cung do nong nạo, khoét chóp cổ tử cung, cắt cụt cổ tử cung.
Tất cả những phụ nữ bị sẩy thai tái phát cần khám, siêu âm vùng chậu để bác sĩ đánh giá tử cung có các bất thường giải phẫu học hay không.
- Rối loạn hệ miễn dịch
Hội chứng kháng thể kháng Phospholipid: Kháng thể kháng Phospholipid là yếu tố miễn dịch duy nhất liên quan đến tiên lượng xấu của thai. Kháng thể này gây sảy thai vì làm ngưng tiết prostacyclin, một chất làm giãn mạch và kết tập tiểu cầu. Trên lâm sàng, hội chứng này gây đông máu nhanh và đông máu tại bánh nhau.
Khoảng 20% phụ nữ bị sảy thai liên tục có nguyên nhân miễn dịch mà phổ biến nhất là mắc hội chứng kháng thể kháng Phospholipid. Phụ nữ với tiền sử sẩy thai sớm và nồng độ kháng thể kháng Phospholipid co sẽ bị sẩy thai trong 70% trường hợp.
- Rối loạn nội tiết
Rối loạn nội tiết là nguyên nhân của 8-12% các trường hợp sẩy thai liên tục:
Giảm progesterol: Hormone sinh dục Progesterol chuẩn bị lớp nội mạc tử cung cho sự làm tổ của trứng và bảo vệ thai phát triển bình thường, ngăn ngừa sinh non. Nếu bánh nhau hoặc hoàng thể không tiết ra đủ Progesterol sẽ dẫn đến sảy thai, thường gặp ở đầu thai kỳ.
Mẹ mắc tiểu đường type II có nguy cơ gây sẩy thai liên tiếp và dị tật bẩm sinh nếu đường huyết không được kiểm soát tốt.
Suy giáp hoặc cường giáp: trong ba tháng đầu thai kỳ, thai nhi chưa phát triển tuyến giáp nên nhu cầu về hormon giáp của thai phụ thuộc hoàn toàn vào mẹ. Người mẹ bị suy giáp hoặc cường giáp đều có thể gây tăng nguy cơ sảy thai, thai chết lưu, rau bong non, sinh non,...
Hội chứng buồng trứng đa nang: Khoảng 5-10% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ mắc hội chứng buồng trứng đa nang. Hội chứng này không chỉ gây vô sinh mà còn làm tăng tỉ lệ sẩy thai liên tục. Hội chứng buồng trứng đa nang gây tình trạng kháng insulin, làm cản trở lớp nội mạc tử cung hình thành và phát triển, thai không có chỗ bám vào thành tử cung, gây sẩy thai ở giai đoạn sớm.
- Viêm nhiễm
Người mẹ bị viêm nhiễm niêm mạc tử cung trong các bệnh Toxoplasmoses, Listerioses,... có thể gây sảy thai. Tuy nhiên, yếu tố viêm nhiễm ít gây sẩy thai liên tục vì cơ thể có sự thích nghi sau lần viêm nhiễm đầu.
- Do lối sống
Người mẹ nghiện rượu, cà phê, thuốc lá, các chất kích thích, làm việc trong môi trường căng thẳng, ô nhiễm trong thời gian kéo dài và không được điều chỉnh sau các lần sẩy thai có thể làm một nguyên nhân gây tăng nguy cơ sẩy thai liên tục.
- Không rõ nguyên nhân:
Nếu đã thực hiện tất cả các thăm khám, xét nghiệm lâm sàng mà kết quả thu được đều bình thường thì có thể nghĩ đến trường hợp sẩy thai liên tục không rõ nguyên nhân. Khoảng 75% trường hợp sản phụ sảy thai liên tiếp không rõ nguyên nhân sẽ có thai mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu tuổi người mẹ càng cao và số lần sẩy thai càng nhiều thì tỷ lệ mang thai càng thấp.
3. Làm gì khi bị sẩy thai liên tục?
Phụ nữ sau khi bị sẩy thai nên đến các cơ sở y tế có đầy đủ phương tiện chuyên môn để được đánh giá toàn diện về các nguy cơ gây ra tình trạng sảy thai như: xét nghiệm nhiễm sắc thể đồ cho cả hai vợ chồng để phát hiện các bất thường nhiễm sắc thể; thực hiện siêu âm, nội soi, chụp cộng hưởng từ để đánh giá tình trạng tử cung và buồng tử cung; xét nghiệm tìm sự bất thường di truyền về động máu; xét nghiệm hội chứng kháng thể kháng Phospholipid, xét nghiệm đánh giá các chỉ số nội tiết,... Việc điều trị sẽ được thực hiện dựa vào nguyên nhân gây sảy thai được phát hiện. Nếu kết quả xét nghiệm có các bất thường, việc điều trị sẽ làm tăng tỷ lệ thai sống trong tương lai là 77% so với không được điều trị.
Trong những lần mang thai tiếp theo, cần khám thai thường xuyên, theo dõi sát thai kỳ, nếu có các dấu hiệu đau bụng dưới hoặc ra máu âm đạo cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám, xác định tình trạng thai.
Sẩy thai liên tục khiến nhiều chị em rơi vào tâm trạng bất an, buồn phiền, đây là điều không ai muốn nhưng nó đã xảy ra, chị em không nên đổ lỗi cho bản thân mình, hãy chăm sóc cơ thể thật tốt, bồi bổ để cơ thể nhanh chóng hồi phục, cố gắng giữ tâm trạng lạc quan. Kiên nhẫn khám và tuân thủ điều trị của bác sĩ, các chị còn rất nhiều cơ hội mang thai và có những đứa con khỏe mạnh.
Nếu có triệu chứng bất thường, bạn nên được thăm khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.