Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Quốc Ánh - Bác sĩ Nhi khoa - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Thông thường trẻ sơ sinh thường rụng rốn trong khoảng thời gian từ 8-10 ngày. Rốn sau khi rụng vẫn cần được chăm sóc tốt và giữ khô thoáng, tuy nhiên khi việc vệ sinh và chăm sóc rốn không tốt nó có thể dẫn đến tình trạng xấu.
1. Trẻ sơ sinh rụng rốn sau bao nhiêu ngày?
Thông thường rốn của trẻ sơ sinh sẽ rụng trong khoảng thời gian từ 8 – 10 ngày sau khi sinh và đến ngày thứ 15 thì liền hẳn. Tuy nhiên, một số trẻ có thể rụng rốn sớm hoặc muộn hơn một chút tùy vào cơ thể trẻ và cách mẹ chăm sóc.
Vẫn có trường hợp trẻ rụng rốn sau 2 tuần sau sinh, trường hợp này vẫn được coi là bình thường nếu rốn của trẻ khô, sạch và không có biểu hiện nhiễm trùng.
Đối với trường hợp bé lâu rụng rốn, bị nhiễm trùng rốn, trẻ sinh non, băng kín rốn, nuôi ăn tĩnh mạch, chiếu đèn. Khi rốn của bé chưa rụng, mẹ cần vệ sinh rốn hàng ngày và thay băng rốn thường xuyên, tuyệt đối không bôi bất cứ thứ gì lên rốn nếu chưa có chỉ định của bác sĩ hay để rốn dính nước. Vì điều đó sẽ khiến rốn lâu rụng và càng tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Trắc nghiệm: Thế nào là trẻ sơ sinh non tháng?
Trẻ sơ sinh non tháng rất cần được chăm và điều trị thật tốt để giúp giảm nguy cơ gặp phải các di chứng về tinh thần, vận động và sự phát triển sau này. Cùng theo dõi bài trắc nghiệm dưới đây để có thể nhận biết trẻ sơ sinh non tháng và có thêm kiến thức chăm sóc, nuôi dưỡng tốt nhất cho trẻ.Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa, Ma Văn Thấm , chuyên khoa Nhi , Phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec Dương Đông(Phú Quốc)
2. Bệnh lý về rốn ở trẻ sơ sinh
2.1 Nhiễm trùng rốn khu trú
- Nhiễm trùng rốn khu trú: Mất ranh giới bình thường giữa da và dây rốn, dây rốn viêm đỏ có mủ, đôi khi có rỉ máu.
- Chăm sóc rốn: Đây là một việc rất quan trọng cần làm mỗi ngày nhằm mục đích: giảm tình trạng nhiễm trùng, rốn mau khô và rụng.
- Chăm sóc tại nhà và phòng ngừa: Các bà mẹ cần được hướng dẫn cách chăm sóc rửa rốn tại nhà mỗi ngày 1 - 2 lần bằng nước muối sinh lý 0,9% và dặn dò đem trẻ trở lại tái khám nếu rốn còn chảy mủ hay dịch sau 2 ngày hoặc khi tình trạng nhiễm trùng nặng hơn.
- Phòng ngừa: Bảo đảm vô trùng trước và sau khi sinh. Cắt và cột rốn bằng dụng cụ vô trùng.
- Rửa tay trước khi săn sóc trẻ.
2.2 Nhiễm trùng rốn lan tỏa
Nhiễm trùng rốn nặng: Nhiễm trùng lan ra mô liên kết xung quanh, gây viêm đỏ cứng quanh rốn, tạo quầng rốn đường kính lớn hơn 2cm. Trẻ có kèm biểu hiện nhiễm trùng toàn thân (sốt cao, lừ đừ, bỏ bú).
Nhiễm trùng lan theo đường máu: Thấy ổ mủ ở da. ở chi ở phổi... kèm theo triệu chứng nhiễm trùng huyết (tổn thương đa cơ quan). Soi cấy mủ rốn, mủ áp-xe.
2.3 Bệnh uốn ván rốn
Vi khuẩn Clostridium Tetani xâm nhập vào cơ thể trẻ qua vết cắt rốn. Vi khuẩn uốn ván có thể sống trong điều kiện yếm khí. Sau khi vi khuẩn uốn ván vào cơ thể trẻ, thường không làm phát sinh ngay các triệu chứng rõ rệt.
Trong thời kỳ ủ bệnh (trung bình 7 ngày, còn sớm hay muộn hơn tùy theo mức độ độc tố mà vi khuẩn tiết ra). Dựa vào khoảng thời gian ủ bệnh có thể tiên lượng được một phần bệnh nặng hay nhẹ.
2.4 Bệnh động mạch rốn duy nhất
Bình thường trong dây rốn liên kết giữa mẹ và thai có 3 mạch máu: 2 động mạch và 1 tĩnh mạch. Bất thường ở dây rốn thường gặp nhất là 1 động mạch rốn, chiếm 0,08 - 1,9% trong tổng số thai kỳ.
Bất thường cấu trúc khác có thể kèm theo gồm: hệ niệu sinh dục, hệ tim mạch, hệ xương khớp, hệ thần kinh và rối loạn nhiễm sắc thể. Khi có động mạch rốn duy nhất thì cần khảo sát kỹ hình thái thai nhi.
Khi trẻ sinh ra có khoảng 30% những trẻ có 1 động mạch rốn, có bất thường bẩm sinh khác đi kèm. Cần thăm khám cuống rốn trẻ cẩn thận và tìm các dị tật khác đi kèm. Để điều trị thích hợp.
2.5 Bệnh u hạt rốn
U hạt rốn là tình trạng chậm biểu bì hóa sau rụng rốn khiến mô hạt phát triển quá mức.
Nguyên nhân: Thông thường u hạt rốn xảy ra ở những trẻ chậm rụng rốn, thường quá 6 - 8 ngày sau sinh.
2.6 Tồn tại ống niệu rốn
Bình thường thì ống niệu rốn nối từ xoang niệu sinh dục và rốn sẽ được đóng kín và xơ hóa thành dây chằng rốn - bàng quang từ trong thời kỳ bào thai. Tồn tại ống rốn niệu là sự tồn tại 1 ống nối từ rốn vào bàng quang.
Như vậy, nước tiểu có thể trào ngược từ bàng quang vào rốn. Tổn thương nơi nối giữa bàng quang và rốn để cho nước tiểu đổ ra cuống rốn, cuống rốn luôn rỉ dịch liên tục, đôi khi trẻ bị nhiễm trùng tiểu. Bệnh lý này khi được phẫu thuật. Giải phóng tồn tại ống rốn niệu.
2.7 Thoát vị rốn
Dây rốn được gắn ở bụng khi trẻ sinh ra. Trong vòng 5 - 7 ngày sau khi sinh, cuống rốn teo dần và rụng đi, vết thương tự lành và tạo nên rốn của trẻ. Khi trẻ lớn lên lỗ ở thành bụng sẽ tự động đóng lại, tuy nhiên trong một số trường hợp các cơ bụng không đóng kín dẫn đến thoát vị rốn.
2.8 Chăm sóc rốn trẻ sơ sinh sau khi rụng
Rốn sau khi rụng vẫn cần được chăm sóc tốt và giữ khô thoáng. Mỗi ngày, mẹ cần làm sạch đáy rốn 1 – 2 lần bằng miếng bông hoặc gạc thấm một ít cồn 70 độ hoặc cồn i-ốt và liên tiếp băng bó lại cho đến khi rốn bé hoàn toàn liền sẹo.
Mẹ nên gấp mép của tã xuống dưới để rốn được thông thoáng, không để nước tiểu dính vào rốn, khi cuống rốn rụng, đồng thời khi cuống rốn của bé đã rụng gần hết không được dùng tay kéo cuống rốn.
Là lĩnh vực trọng điểm của hệ thống Y tế Vinmec, Khoa Nhi luôn mang lại sự hài lòng cho Quý khách hàng và được các chuyên gia trong ngành đánh giá cao với:
- Quy tụ đội ngũ y bác sĩ về Nhi khoa: gồm các chuyên gia có trình độ chuyên môn cao (giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ), giàu kinh nghiệm, từng công tác tại các bệnh viện lớn như Bạch Mai, 108.. Các bác sĩ đều được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, có tâm - tầm, am hiểu tâm lý trẻ. Bên cạnh các bác sĩ chuyên khoa Nhi trong nước, khoa Nhi còn có sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài (Nhật Bản, Singapore, Úc, Mỹ) luôn tiên phong áp dụng những phác đồ điều trị mới nhất và hiệu quả nhất.
- Dịch vụ toàn diện: Trong lĩnh vực Nhi khoa, Vinmec cung cấp chuỗi các dịch vụ khám - chữa bệnh liên hoàn từ Sơ sinh đến Nhi và Vaccine,... theo tiêu chuẩn Quốc tế để cùng bố mẹ chăm sóc sức khỏe bé từ khi lọt lòng đến tuổi trưởng thành
- Kỹ thuật chuyên sâu: Vinmec đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật chuyên sâu giúp việc điều trị các căn bệnh khó trong Nhi khoa hiệu quả hơn: phẫu thuật thần kinh - sọ, ghép tế bào gốc tạo máu trong điều trị ung thư.
- Chăm sóc chuyên nghiệp: Ngoài việc thấu hiểu tâm lý trẻ, Vinmec còn đặc biệt quan tâm đến không gian vui chơi của các bé, giúp các bé vui chơi thoải mái và làm quen với môi trường của bệnh viện, hợp tác điều trị, nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh.
Thạc sĩ. Bác sĩ Vũ Quốc Ánh đã có kinh nghiệm gần 10 năm là bác sĩ nội trú và bác sĩ điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà nẵng. Hiện tại, đang là Bác sĩ Nhi khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.