Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Răng - Hàm - Mặt - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Sâu răng là bệnh lý phổ biến, dễ mắc phải, không chỉ gặp ở trẻ em mà có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào. Sâu ngà là giai đoạn sau khi răng bị sâu men. Sâu răng gây ê buốt, khó chịu mà nó còn gây ra những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị đúng cách. Do đó khi răng đã bị sâu ngà thì cần có phương pháp điều trị thích hợp.
1. Tìm hiểu về sâu răng
Cấu tạo của chiếc răng từ ngoài vào trong bao gồm các lớp như sau: ngoài cùng là mô cứng có lớp men gọi là men răng, sau đó đến lớp ngà, trong cùng là lớp mô mềm gọi là tủy răng.
Sâu răng chính là hiện tượng phá hủy cấu trúc của răng, tạo nên lỗ sâu trên bề mặt dần dần phá hủy các cấu trúc bên trong của răng gây biểu hiện đau, nhức, ê buốt khó chịu cho người bệnh.
Nguyên nhân gây sâu răng là do các thực phẩm có nhiều đường, sau khi ăn đồ ngọt không vệ sinh răng miệng. Những thực phẩm có đường ở trong miệng sẽ tạo thành acid cùng với các vi khuẩn trong khoang miệng sẽ phá hủy các cấu trúc của răng.
Sâu răng gồm có 2 giai đoạn là sâu men và sâu ngà:
- Giai đoạn sâu men: xuất hiện ở các hố, rãnh mặt nhai hoặc quanh rìa miếng trám cũ. Biểu hiện là những đốm trắng trên bề mặt của răng, chưa có lỗ sâu, chưa có biểu hiện đau nhức, ê buốt hay khó chịu gì. Giai đoạn này có thể khó phát hiện.
- Sâu ngà: Là giai đoạn tiếp theo của sâu men nếu không điều trị khi bị sâu men. Biểu hiện lâm sàng của sâu răng ngà là nhìn thấy những lỗ sâu, mô răng bị đổi màu nâu hoặc đen. Có thể bị ê buốt, đau khi có các kích thích như nóng, lạnh hay ăn đồ ngọt.
2. Biến chứng sâu răng ngà
- Sâu ngà nếu không được điều trị đúng cách thì sâu răng sẽ ăn sâu vào tủy gây viêm tủy cấp kèm theo các cơn đau dữ dội, nhức buốt lên thái dương, làm bệnh nhân mất ăn, mất ngủ.
- Sâu răng ngà làm tủy răng bị viêm nhiễm lâu ngày có thể dẫn tới hoại tử gây biến chứng ra mô quanh cuống, gây viêm quanh cuống, đau buốt, sưng nề phần lợi, má, góc hàm.
- Sâu răng ngà có thể dẫn đến nhiễm trùng lan ra các mô xung quanh gây áp xe, gây nang quanh chóp, viêm xương tủy hàm. Đối với răng hàm trên chân răng sát xoang hàm có thể gây viêm xoang.
- Sâu răng ngà sẽ gây nguy hiểm khi mức độ nhiễm trùng lan rộng dẫn đến viêm tấy lan tỏa, nhiễm trùng máu hoặc lan xuống trung thất... gây nguy hiểm đến tính mạng.
3. Điều trị sâu răng ngà như thế nào?
Phương pháp điều trị phụ thuộc vào mức độ và giai đoạn của sâu răng ngà bao gồm:
- Trường hợp sâu ngà nông: giai đoạn này có thể hàn được, các vật liệu hàn như GIC, Composite. Tuy nhiên sau hàn vẫn cần phải theo dõi nếu hàn mà răng đó vẫn đau hay ê buốt nhiều cần chuyển chữa tủy.
- Trường hợp sâu ngà sâu: Có thể hàn che tủy hoặc hàn nót bằng các vật liệu có tính sinh học cao như Ca(OH)2, MTA...và theo dõi từ 1 tuần đến 6 tháng nếu răng không đau có thể lấy bớt phần chất hàn bên trên và hàn vĩnh viễn.
- Điều trị nội nha (chữa tủy răng): Áp dụng cho trường hợp sâu răng tiến triển đến viêm tủy. Bao gồm lấy sạch tủy tổn thương, tạo hình, bơm rửa làm sạch ống tủy sau đó sẽ trám bít kín hệ thống ống tủy nhằm ngăn chặn sự xâm nhập vi khuẩn và bảo tồn phần mô răng còn lại.
- Bọc răng sứ, inlay/onlay, veneer... trường hợp răng sâu nặng, lỗ sâu to, bị vỡ mẻ nhiều hoặc khi răng đã điều trị tủy và việc hàn răng nhiều khi không đảm bảo được về chức năng ăn nhai, thẩm mỹ răng thì cần bọc răng để phủ toàn bộ thân răng.
- Nhổ răng: áp dụng đối với trường hợp răng sâu quá lớn và các phương pháp điều trị trên không thể giúp giữ lại chiếc răng đó, thì phải nhổ các răng đó đi. Và thay thế bằng một chiếc răng giả bằng cấy ghép răng implant hoặc làm cầu răng để đảm bảo chức năng nhai cũng như thẩm mỹ.
4. Cách phòng bệnh sâu răng
Để phòng tránh sâu răng bạn cần tuân thủ các nguyên tắc sau:
- Hạn chế đồ ăn có đường, bánh kẹo ngọt, không ngậm kẹo khi ngủ. Nếu ăn đồ ngọt cần vệ sinh răng miệng ngay sau khi ăn.
- Vệ sinh răng miệng: vệ sinh răng miệng ngay sau khi ăn, chải răng đúng cách đảm bảo lấy hết các mảng bám trên răng, sử dụng chỉ tơ nha khoa đúng cách, dùng nước súc miệng hàng ngày, lấy cao răng định kỳ.
- Tăng cường chất chống sâu răng (fluor hợp lý) như sử dụng kem đánh răng có fluor, súc miệng nước fluor 0.2% mỗi tuần một lần.
- Khi đã phát hiện sâu men thì cần điều trị sớm bằng cách trám bít hố rãnh ở mặt nhai, hàn lại các lỗ sâu.
- Răng cần được thăm khám răng định kỳ để phát hiện sâu răng và chữa kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.