Sốt là triệu chứng rất phổ biến ở cả người lớn và trẻ nhỏ, khiến người bệnh khó chịu và có nhu cầu sử dụng thuốc hạ sốt. Tuy nhiên, nhiều trường hợp người bệnh sau khi uống thuốc hạ sốt nhưng tình trạng sốt vẫn không giảm. Chuyên luận này sẽ cung cấp cho bạn đọc một vài hướng dẫn xử lý như dưới đây.
1. Triệu chứng sốt là gì?
Trước khi tìm hiểu nguyên nhân sau khi uống thuốc hạ sốt mà không giảm sốt, chúng ta cùng tìm hiểu khái niệm sốt là gì.
Về mặt định nghĩa, sốt là tình trạng thân nhiệt tăng cao hơn bình thường. Nhiệt độ cơ thể thay đổi theo vị trí đo (khoang miệng, nách và trực tràng dao động khoảng 0.5 độ C) và thời điểm trong ngày (buổi chiều thường cao hơn buổi sáng khoảng 0.5 độ C). Nhiệt độ bình thường dao động là 36.5 - 37°C tùy vị trí và thời điểm đo.
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường có nhiệt độ cao hơn trẻ lớn và người lớn. Điều này liên quan đến tỷ lệ diện tích bề mặt trên trọng lượng cơ thể lớn hơn và tỷ lệ trao đổi chất cao hơn ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trong giai đoạn trẻ sơ sinh (từ 0 đến 28 ngày tuổi), nhiệt độ bình thường trung bình (đo ở trực tràng) là 37,5°C, với giới hạn trên của nhiệt độ bình thường (tức là hai độ lệch chuẩn trên mức trung bình) là 38°C.
Một số tình trạng tăng thân nhiệt lành tính nhẹ (từ 38 đến 38.5 độ C) do tác động của môi trường bao gồm: vận động mạnh, mặc quần áo dày, tắm nước nóng hoặc khi nhiệt độ môi trường tăng cao, cần kiểm tra lại nhiệt độ sau 30 phút để loại trừ tình trạng sốt.
Các nguyên nhân gây sốt ở trẻ em phần lớn là do nhiễm virus như cảm lạnh hoặc cảm cúm và chỉ một số ít nguyên nhân là do nhiễm vi khuẩn (như viêm họng hoặc nhiễm trùng tiểu...). Lưu ý, sốt là biểu hiện của cơ thể khi hệ thống miễn dịch hoạt động chống lại các tác nhân xâm nhập. Đối với trẻ em, hầu hết các cơn sốt có nhiệt độ từ 37.8 đến 39 độ C đều không quá nguy hiểm. Sự tăng thân nhiệt quá cao (thường trên 40 độ) có thể gây hại. Do đó Bố mẹ lưu ý chỉ nên cho bé uống thuốc nếu sốt thật sự khiến con khó chịu và thường là thân nhiệt phải trên 38.5 độ C.
Phụ huynh cần liên hệ ngay lập tức với bác sĩ nếu trẻ sốt và kèm theo những tình trạng sau:
- Trẻ dưới 3 tháng tuổi;
- Nhiệt độ cơ thể trên 40 độ C và uống thuốc hạ sốt mà không hạ sau 2 giờ;
- Trẻ lừ đừ, kèm theo đau đầu, chóng mặt, cổ cứng, khó thở, nổi hồng ban hoặc không chịu uống nước.
Một vài trường hợp trẻ sốt cần trao đổi với bác sĩ trong vòng 24 giờ nếu:
- Trẻ 3 đến 6 tháng tuổi (trừ trường hợp sốt do chích ngừa);
- Trẻ nhỏ hơn 2 tuổi, sốt kéo dài hơn 24 giờ mà chưa có nguyên nhân rõ ràng
- Sốt kéo dài hơn 3 ngày;
- Hết sốt khoảng 24 tiếng nhưng sau đó sốt tái phát.
2. Uống thuốc hạ sốt mà không hạ phải làm sao?
Các loại thuốc hạ sốt thường bắt đầu có tác dụng sau 30 phút và tác dụng này sẽ kéo dài khoảng 4-6 giờ đồng hồ. Các thuốc hạ sốt hay được sử dụng bao gồm:
- Acetaminophen (hay Paracetamol): Hoạt chất này có thể sử dụng cho trẻ dưới 3 tháng tuổi. Liều dùng của Acetaminophen cần tính theo cân nặng của bé, thường là 15-20 mg/kg cân nặng và lặp lại mỗi 4-6 giờ. Chú ý: Không cho trẻ uống Acetaminophen quá 5 lần/ngày;
- Ibuprofen: Được cho phép sử dụng ở trẻ trên 6 tháng tuổi. Ưu điểm của Ibuprofen là tác dụng kéo dài hơn Acetaminophen (khoảng 6-8 giờ). Do đó phụ huynh cần cho con uống đúng liều lượng khuyến cáo theo cân nặng, khoảng 5-10mg/kg và lặp lại sau mỗi 6-8 giờ;
- Hạn chế hạ sốt bằng Aspirin do có nguy cơ dẫn đến hội chứng Reye (gây phù não và suy gan).
Đa phần trường hợp trẻ sốt sẽ đáp ứng rất tốt với các thuốc kể trên, tuy nhiên vẫn có nhiều trường hợp uống thuốc hạ sốt mà không hạ. Một số nguyên nhân cần được rà soát:
- Dùng thuốc hạ sốt chưa đủ liều khuyến cáo. Đặc biệt với các chế phẩm paracetamol đặt hậu môn, thao tác đặt thuốc chưa chính xác có thể ảnh hướng tới lượng thuốc hấp thu, không đủ liều thuốc để đạt tác dụng hạ sốt.
- Trẻ đang trong tình trạng bệnh lý nguy hiểm, gây sốt cao khó hạ như nhiễm trùng huyết, viêm tai giữa nung mủ, cúm A ... Khi đó trẻ cần được đưa đến cơ sở y tế uy tín để bác sỹ chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây sốt và tiến hành điều trị căn nguyên gây bệnh (ví dụ kháng sinh và/hoặc thuốc kháng virus).
- Trẻ chưa được dùng phối hợp các loại thuốc hạ sốt (ví dụng paracetamol và ibuprofen)
Vậy câu hỏi tiếp theo được cha mẹ đặt ra là trẻ uống thuốc hạ sốt mà không hạ phải làm sao? Theo đó, các chuyên gia khuyến cáo cha mẹ có thể áp dụng những biện pháp sau đây:
- Đảm bảo liều lượng thuốc hạ sốt cho trẻ đã đủ liều theo khuyến cáo, phối hợp các loại hạ sốt có cơ chế phối hợp để tăng hiệu quả hạ sốt.
- Đảm bảo trẻ được dùng thuốc điều trị căn nguyên gây sốt (bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm virus...) nếu có
Ngoài ra, một số lưu ý khi chăm sóc trẻ sốt cao:
- Bổ sung đủ nước: khi sốt cao, cơ thể trẻ bị mất nước qua da, tỷ lệ thuận với nhiệt độ và thời gian sốt. Bù nước cho trẻ để cân bằng với lượng nước mất đi, đảm bảo các hoạt động sinh lý bình thường của trẻ. Nguồn nước của trẻ có thể thông qua trái cây tươi cũng cấp vitamin dồi dào, nước oresol. Không tự ý truyền nước cho trẻ số nếu việc uống thuốc hạ sốt mà không hạ, thay vào cần đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
- Mặc quần áo thoáng mát để nhiệt độ được thoát dễ dàng qua da. Trẻ không nên được trùm hay mặc đồ quá dày cho trẻ để tránh làm tăng thân nhiệt cao hơn. Nếu trẻ cảm thấy lạnh hoặc run rẩy, cha mẹ chỉ nên đắp cho con một chiếc khăn mỏng;
- Lau mình: Lau mình đơn thuần là không phù hợp để hạ sốt và đòi hỏi phải kết hợp với thuốc hạ sốt như Acetaminophen hoặc Ibuprofen. Đặc biệt biện pháp lau mình sẽ hiệu quả khi trẻ đã uống thuốc hạ sốt mà không giảm hoặc khi sốt cao trên 40 độ C. Khi lau mình cho con, cha mẹ nên sử dụng nước âm ấm (khoảng 29-32 độ C). Nếu trẻ run rẩy thì nâng nhiệt độ nước lên hoặc ngừng lau mình cho đến khi Acetaminophen hay Ibuprofen phát huy hiệu quả tối đa. Chú ý: Cha mẹ không nên thêm rượu vào nước lau mình vì có thể khiến trẻ nhỏ hít phải hơi rượu và dẫn đến hôn mê.
- Đặc biệt lưu ý: Cha mẹ chỉ nên cho con uống thuốc hạ sốt khi thân nhiệt thể cao hơn 39 độ C.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.