Phân biệt sốt thường, sốt virus và sốt xuất huyết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Nhật - Bác sĩ Chuyên khoa truyền nhiễm - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Dịch sốt xuất huyết, sốt virus hiện đang vào mùa cao điểm. Vậy khi bị sốt, làm thế nào để phân biệt sốt thường, sốt virus hay sốt xuất huyết? Khi bị sốt xuất huyết cần xử lý ra sao?

1. Sốt thường

Sốt thường là biểu hiện tăng nhiệt độ cơ thể tạm thời để phản ứng lại với bệnh. Mặt khác, thân nhiệt thường không hằng định mà dao động vào các thời điểm khác nhau trong ngày, thường cao hơn vào buổi chiều. Tuy nhiên, nếu nhiệt độ cơ thể vượt quá 37.5 độ C thì được xem là sốt.

Cơn sốt thường xảy ra khi cơ thể phản ứng lại với tác nhân gây bệnh nhiễm như virus cảm cúm hoặc cảm lạnh, vi khuẩn gây viêm họng, hay tình trạng viêm gây ra do tổn thương mô hoặc bệnh lý nào đó. Bên cạnh đó, những yếu tố ngoại lai đến từ môi trường, chẳng hạn như cảm nắng, cảm lạnh, thuốc hoặc hóa chất, cũng có thể là nguyên nhân gây ra sốt.

Trắc nghiệm: Bạn có phân biệt được chính xác cảm lạnh và cúm mùa?

Cảm cúm và cảm lạnh là hai khái niệm mà chúng ta thường đánh đồng nó giống nhau, không phân biệt rõ ràng. Dưới đây là một số câu hỏi trắc nghiệm, giúp bạn có thêm những kiến thức phân biệt cảm lạnh và cảm cúm. Từ đó, có những biện pháp điều trị bệnh phù hợp.

2. Sốt virus

Sốt virus có thể gây ra bởi nhiều căn nguyên virus và cũng biểu hiện bằng sự tăng nhiệt độ cơ thể. Bệnh sốt virus khá đa dạng vì có đến hàng ngàn loại virus khác nhau, ví dụ như virus gây sốt xuất huyết (virus dengue) là bệnh nhiễm virus lây truyền qua vết đốt của muỗi vằn. Sau khi bị muỗi đốt truyền virus, người bệnh sẽ biểu hiện cơn sốt dengue sau khoảng 4 - 7 ngày. Sốt virus ở trẻ em thường nghiêm trọng và dễ gặp hơn ở người lớn, do hệ miễn dịch và sức đề kháng của trẻ còn chưa hoàn thiện.

2.1. Dấu hiệu trẻ bị sốt virus

Sốt virus ở trẻ em thường biểu hiện bằng những cơn sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C, đi kèm 1 số dấu hiệu khác như:

  • Đau cơ bắp: Khi bị sốt virus, một số trẻ có biểu hiện đau nhức khắp mình mẩy, đau tập trung ở cơ bắp.
  • Đau đầu, quấy khóc, li bì: Thường gặp ở trẻ nhỏ, biểu hiện quấy khóc không rõ nguyên nhân, tuy nhiên một số trường hợp mặc dù bị đau đầu nhưng bé vẫn tỉnh táo, chơi nghịch được.
  • Phát ban da: Thường xuất hiện từ 2 - 3 ngày sau khi bị sốt (đến khi xuất hiện ban thì bé đỡ sốt hơn).
  • Các dấu hiệu khác: Như chảy nước mắt, đỏ mắt, đau mắt, nhiều gỉ mắt,... khiến cho tầm nhìn của bé bị mờ đi.
  • Khó thở, co giật: Một số trẻ nhỏ bị sốt virus nghiêm trọng, có triệu chứng co giật liên hồi, kèm khó thở, thở dốc.

Những biểu hiện đặc trưng của sốt virus
Những biểu hiện đặc trưng của sốt virus

2.2. Dấu hiệu sốt virus ở người lớn

  • Mệt mỏi, lừ đừ: Đây là một trong những dấu hiệu đặc trưng nhất của sốt virus ở người lớn.
  • Đau khắp cơ thể: Tương tự như ở trẻ em, do tình trạng mệt mỏi và tăng thân nhiệt, bệnh nhân sốt virus thường bị đau nhức khắp người, đặc biệt là ở các cơ.
  • Sốt: Thân nhiệt tăng cao là một trong những triệu chứng điển hình của sốt virus ở người lớn. Nhiệt độ cơ thể tăng cao báo hiệu tình trạng nhiễm trùng trở nặng, cơn sốt có khi lên đến 40 độ C.
  • Ho, chảy nước mũi: Sốt virus gây ra cảm giác run lạnh, khiến bệnh nhân bị ho và chảy nước mũi.
  • Nghẹt mũi: Sau những cơn ho và sổ mũi là tình trạng nghẹt mũi, khó thở, thở khò khè.
  • Nhức đầu: Bệnh nhân sốt virus thường bị đau nhức đầu, nhất là sau khi sốt.
  • Phát ban da: Một vài trường hợp bệnh nhân nổi ban trên da, đi kèm với biểu hiện sốt.

3. Sốt xuất huyết


Sốt xuất huyết ở trẻ em thường biểu hiện nặng hơn ở người lớn
Sốt xuất huyết ở trẻ em thường biểu hiện nặng hơn ở người lớn

Sốt xuất huyết ở trẻ em thường biểu hiện nặng hơn ở người lớn. Bởi vì trẻ em khi bị sốt xuất huyết dễ dẫn đến sốc và tái sốc, rất nguy hiểm nếu không xử lý kịp thời.

Bệnh sốt xuất huyết thường diễn biến qua 3 giai đoạn với những dấu hiệu khác nhau. Giai đoạn đầu của sốt xuất huyết có thể nhầm lẫn với sốt thườngsốt virus. Tuy nhiên, bệnh cảnh của sốt xuất huyết đặc trưng chủ yếu ở các biểu hiện như: xung huyết trên da, phát ban dạng chấm dưới da (dấu hiệu xuất huyết), chảy máu chân răng. Nếu tình trạng bệnh đã nặng, bệnh nhân có triệu chứng đau bụng vùng gan, gan to, tiểu ít, nôn ói nhiều, xét nghiệm công thức máu thấy chỉ số hematocrit tăng cao và lượng tiểu cầu giảm nhanh.

Đối với trẻ em, biểu hiện sốt xuất huyết là cơn sốt cao đột ngột, đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, đau khắp mình mẩy, đau nhức ở hốc mắt, niêm mạc xung huyết, phát ban dạng chấm dưới da, có thể kèm theo chảy máu chân răng. Nghiêm trọng hơn, trẻ có thể bị chảy máu nội tạng, suy hô hấp, suy tuần hoàn nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Như vậy, với sốt xuất huyết trong giai đoạn sốt cao ở 3 ngày đầu, chỉ có thể phân biệt với các loại sốt virus khác nhờ kết quả xét nghiệm (nếu được chẩn đoán sớm). Còn khi bệnh đã sang các giai đoạn sau thì có thể phân biệt nhờ xét nghiệm và biểu hiện bệnh.

Điều đáng lưu ý là, với sốt virus thông thường, khi hết sốt thì triệu chứng bệnh cũng thuyên giảm. Trong khi đó, với sốt xuất huyết, khi lui sốt thì lại là lúc bệnh bắt đầu vào giai đoạn biến chứng nguy hiểm, cần được thăm khám, theo dõi sát sao để phát hiện sớm và xử trí kịp thời những biến chứng xảy ra.

4. Khi bị sốt xuất huyết cần xử lý ra sao?

Người bệnh khi nhận thấy dấu hiệu sốt kèm theo những biểu hiện sau đây thì nên đến cơ sở y tế để được bác sĩ chẩn đoán chính xác và điều trị tích cực:

  • Sốt cao liên tục 3 - 4 không thuyên giảm.
  • Mệt lả người.
  • Nôn nhiều.
  • Vật vã hoặc li bì.
  • Đau bụng nặng, đau tức ở vùng gan.
  • Tiểu ít.
  • Biểu hiện chảy máu bất thường: Chảy máu cam, chảy máu chân răng, các chấm xuất huyết dưới da, kinh nguyệt bất thường, nôn ra máu, đi ngoài phân đen, hoặc có lẫn máu.

Bệnh sốt xuất huyết không thể lây trực tiếp từ người này sang người khác mà phải lây truyền trung gian qua muỗi vằn. Do đó, để phòng bệnh sốt xuất huyết, người dân phải chủ động phòng chống, diệt trừ muỗi, bọ gậy, ngủ mùng để tránh bị muỗi đốt, dọn dẹp vệ sinh quanh nhà để tránh muỗi sinh sôi, nâng cao thể trạng và giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ.

Thạc sĩ. Bác sĩ. Nguyễn Thị Nhật đã có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thận nhân tạo, và trong lĩnh vực truyền nhiễm, khám và quản lý các bệnh nhân mắc bệnh thận và các bệnh truyền nhiễm. Hiện đang là Bác sĩ Chuyên khoa truyền nhiễm Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe