Sắt đóng vai trò quan trọng với sức khỏe, thiếu hụt sắt sẽ gây ra các vấn đề nghiêm trọng điển hình là tình trạng thiếu máu do thiếu sắt. Hãy cùng tìm hiểu cơ thể hấp thu sắt như thế nào và cách hấp thụ sắt tốt nhất từ thực phẩm hoặc thực phẩm bổ sung để việc bổ sung sắt trở nên hiệu quả và an toàn.
1. Hấp thu sắt như thế nào?
Sắt có thể được bổ sung bằng thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày. Thức ăn có thể cung cấp 10mg đến 15mg sắt mỗi ngày nhưng cơ thể chỉ hấp thụ được khoảng 5% đến 15% lượng sắt có trong thực phẩm. Tuy nhiên, những đối tượng có nguy cơ thiếu sắt cao hoặc gặp phải bệnh lý gây ra do thiếu sắt cần sử dụng thực phẩm bổ sung sắt. Những người bị thiếu máu thiếu sắt, phụ nữ mang thai có thể hấp thụ 20% đến 30% lượng sắt có trong thức ăn.
Sắt có thể được dùng dưới dạng viên nang, viên nén, viên nhai và ống thuốc lỏng, với hàm lượng phổ biến nhất là 325 mg ở dạng sắt sulfat, ngoài ra còn có các dạng hóa học là gluconate và fumarate. Sắt có trong thực phẩm là sắt ở dạng Fe3+ heme hoặc non-heme, còn sắt tồn tại trong cơ thể dưới dạng sắt hydroxit hoặc được liên kết với các protein.
Sắt được hấp thụ bắt đầu từ dạ dày rồi đi qua hành tá tràng và kết thúc tại ruột non. Cơ thể không hấp thu Fe3+ và chỉ có thể hấp thu được F2+, nên HCl (axit clohidric) và vitamin C (axit ascorbic) có nhiệm vụ khử Fe3+ thành Fe2+ để cơ thể dễ hấp thụ hơn. Sau đó, pepsin trong dạ dày sẽ giúp tách các phân tử sắt ra khỏi các hợp chất hữu cơ để sắt kết hợp với đường và axit amin.
Sắt được kiểm soát hấp thụ bởi hai yếu tố là nhu cầu sắt vận chuyển và sắt dự trữ trong cơ thể. Nếu thiếu máu thiếu sắt, phần lớn sắt được hấp thụ vào niêm mạc ruột, vào máu và đi về tĩnh mạch cửa. Nếu thừa sắt, lượng sắt được hấp thụ vào niêm mạc ruột sẽ giảm xuống. Sắt thừa kết hợp với apoferritin tạo ra ferritin trong bào tương của tế bào niêm mạc ruột. Cuối cùng ferritin sẽ được đào thải vào lòng ruột cùng các biểu mô ruột bong ra.
2. Làm gì để cơ thể hấp thu sắt tốt nhất?
Thông thường, cách hấp thụ sắt tốt nhất là dùng khi bụng đói, điều này ít gây ra vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên, ở một số người, uống bổ sung sắt có thể gây co thắt dạ dày, buồn nôn và tiêu chảy. Trong trường hợp này, người dùng có thể cần bổ sung sắt cùng với một lượng nhỏ thức ăn để hạn chế những triệu chứng khó chịu về tiêu hóa.
Bên cạnh việc uống sắt xa bữa ăn, người sử dụng không nên uống sữa, canxi và thuốc kháng axit cùng lúc với thuốc bổ sung sắt. Nghĩa là bạn nên đợi ít nhất 2 giờ sau khi ăn những thực phẩm này trước khi uống sắt để hấp thụ sắt tốt nhất.
Ngoài ra, để hấp thụ sắt tốt nhất không nên đồng thời uống sắt với ăn những loại thực phẩm giàu chất xơ, chẳng hạn như ngũ cốc nguyên hạt, rau sống và cám; thực phẩm hoặc đồ uống có chứa caffeine.
Ngược lại, bổ sung đồng thời vitamin C hoặc uống nước cam khi nạp sắt cho cơ thể sẽ cơ thể tăng khả năng hấp thụ sắt tốt nhất.
3. Những tương tác thuốc nào có thể gặp phải khi bổ sung sắt?
Tương tác thuốc có thể thay đổi hoạt động, tác dụng và hiệu quả hoặc thậm chí có thể làm tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ nghiêm trọng của thuốc. Một số sản phẩm có thể tương tác với sắt dẫn tới ức chế sự hấp thu sắt và làm giảm hoạt tính của thuốc bao gồm: Các thuốc kháng sinh nhóm quinolon và tetracyclin; các thuốc ức chế bơm proton như omeprazol, lanzoprazol; các thuốc kháng acid trong thành phần có hydroxyd nhôm Al(OH)3, hydroxyd magie Mg(OH)2, thuốc ảnh hưởng tới hoóc-môn tuyến giáp như levothyroxine; các glycoside tim như Digoxin; các thuốc cao huyết áp như Methyldopa.
Vì vậy để tránh tương tác thuốc và việc hấp thu sắt tốt nhất, người dùng cần uống cách xa các thuốc này với thời điểm uống sắt tối thiểu ít nhất 2 giờ.
4. Những tác dụng phụ nào có thể gặp phải khi bổ sung sắt và cách hạn chế như thế nào?
Khi bổ sung sắt, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy phân có màu đen. Dấu hiệu này là bình thường khi uống sắt và không có nguy hại gì. Tuy nhiên, bạn cần liên hệ với bác sĩ ngay lập tức nếu nhận thấy những dấu hiệu sau:
- Phân có màu đen và trạng thái như nhựa đường
- Trong phân có vệt đỏ
- Chuột rút, đau nhói hoặc đau bụng xảy ra
Người sử dụng thuốc bổ sung sắt dễ bị gặp phải các tác dụng phụ phổ biến như táo bón và tiêu chảy, ở liều cao hơn có thể dẫn tới buồn nôn và nôn. Nếu cảm thấy phiền toái với những vấn đề trên, hãy nói chuyện với dược sĩ hoặc bác sĩ để được hướng dẫn uống thuốc làm mềm phân như docusate natri (Colace) để hạn chế táo bón, hoặc thay đổi liều lượng sắt hoặc dạng hợp chất chứa sắt để tránh cảm giác buồn nôn và nôn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: medlineplus.gov, webmd.com, hemochromatosishelp.com