Bệnh tiểu đường thai kỳ chỉ diễn ra trong thời kỳ mang thai ở những phụ nữ trước đó chưa từng được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường. Bệnh tiểu đường thai kỳ thường xuất hiện vào ba tháng giữa thai kỳ và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ lẫn thai nhi. Vì vậy bác sĩ thường sàng lọc định kỳ tiểu đường thai kỳ ở thời điểm từ tuần 24 đến tuần 28.
1. Triệu chứng của bệnh tiểu đường thai kỳ
Bệnh tiểu đường thai kỳ là tình trạng lượng đường trong máu của sản phụ tăng cao khi mang thai. Bệnh này diễn ra ở khoảng 10% phụ nữ mang thai ở Hoa Kỳ mỗi năm.
Đối với hầu hết sản phụ, bệnh tiểu đường thai kỳ không gây ra bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng đáng chú ý nào khiến sản phụ phải đi khám. Vì vậy, sản phụ nên đi khám sức khỏe định kỳ theo hướng dẫn dành cho bà mẹ mang thai để bác sĩ đánh giá nguy cơ và sàng lọc tiểu đường thai kỳ. Tuy nhiên, ở một số sản phụ có thể có các triệu chứng như:
- Khát nước nhiều hơn bình thường
- Nhanh đói hơn và ăn nhiều hơn bình thường
- Đi tiểu nhiều hơn bình thường
Có hai loại bệnh tiểu đường thai kỳ:
- Loại A1 được điều trị thông qua chế độ ăn uống và tập thể dục.
- Loại A2 sản phụ được điều trị bằng insulin hoặc các loại thuốc khác.
2. Nguyên nhân bệnh tiểu đường thai kỳ
Khi ăn, tuyến tụy giải phóng insulin, đây là một loại hormone giúp đưa glucose từ máu vào trong các tế bào và từ đó tế bào sẽ sử dụng đường để tạo năng lượng.
Khi mang thai, nhau thai của sản phụ tạo ra các hormone khiến glucose tích tụ và tăng trong máu. Bình thường, tuyến tụy có thể sản xuất đủ insulin để xử lý lượng glucose tăng trong máu, nhưng nếu cơ thể sản phụ không thể tạo ra đủ insulin hoặc không sử dụng insulin như bình thường thì lượng đường trong máu sẽ tăng và sản phụ sẽ bị tiểu đường thai kỳ.
3. Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ
Bất kỳ phụ nữ nào cũng có thể mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, nhưng một số phụ nữ có yếu tố sau đây thì sẽ nguy cơ cao hơn, bao gồm:
- Lớn hơn 25. Phụ nữ trên 25 tuổi có nhiều khả năng mắc bệnh tiểu đường thai kỳ hơn.
- Tiền sử sức khỏe gia đình hoặc cá nhân. Nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ tăng nếu trước đó, sản phụ trước khi mang thai đã có triệu chứng của tiền tiểu đường hoặc thành viên thân thiết trong gia đình, như cha mẹ hoặc anh chị em, có người đã mắc bệnh tiểu đường type 2. Sản phụ cũng có nhiều khả năng mắc tiểu đường thai kỳ nếu ở lần mang hai trước cũng đã mắc tiểu đường thai kỳ hoặc thai nhi nặng hơn 4,1 kg hoặc nếu thai chết lưu không rõ nguyên nhân.
- Béo phì. Sản phụ có nhiều khả năng mắc tiểu đường thai kỳ nếu chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 30 trở lên.
- Chủng tộc. Phụ nữ da đen, Tây Ban Nha, Mỹ gốc Ấn Độ hoặc châu Á có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ cao hơn so với phụ nữ da trắng.
4. Cách thức sàng lọc tiểu đường thai kỳ
Tùy thuộc vào các yếu tố nguy cơ của sản phụ đối với bệnh tiểu đường thai kỳ, bác sĩ có thể sẽ đánh giá khi:
- Ngay lần khám thai đầu tiên: Nếu sản phụ có yếu tố làm tăng nguy cơ cao mắc tiểu đường thai kỳ như chỉ số khối cơ thể (BMI) trước khi mang thai >= 30 hoặc có mẹ, cha, anh chị em hoặc con đã mắc bệnh tiểu đường.
- Từ tuần 24 đến tuần 28: Nếu sản phụ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ ở mức độ trung bình.
Sàng lọc định kỳ cho bệnh tiểu đường thai kỳ
Xét nghiệm glucose ban đầu. Sản phụ sẽ uống một một loại dung dịch có chứa glucose. Một giờ sau, bác sĩ sẽ lấy máu và xét nghiệm lượng đường huyết máu. Sản phụ có kết quả bình thường nếu nồng độ đường huyết dưới 130 đến 140 miligam mỗi decilit (mg/dL), hoặc 7,2 đến 7,8 milimol mỗi lít (mmol/L), mặc dù các chỉ số này có thể khác nhau tùy theo phòng khám hoặc phòng xét nghiệm.
Nếu lượng đường trong máu của sản phụ cao hơn các chỉ số trên, điều đó chỉ có nghĩa là sản phụ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ. Bước tiếp theo, sản phụ cần xét nghiệm dung nạp glucose để xác định có bị bệnh không.
Ngày hôm sau, sản phụ sẽ uống một dung dịch có chứa nồng độ glucose cao hơn và lượng đường trong máu sẽ được kiểm tra 1 giờ/lần và kiểm tra 3 lần. Nếu có ít nhất hai trong ba kết quả có chỉ số đường trong máu cao hơn bình thường thì sản phụ sẽ được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường thai kỳ.
Sản phụ đã được chẩn đoán mắc tiểu đường thai kỳ
Bác sĩ sẽ khuyên sản phụ mắc tiểu đường thai kỳ cần thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe, đặc biệt là trong ba tháng cuối. Trong các lần khám, bác sĩ sẽ theo dõi lượng đường trong máu của sản phụ. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể yêu cầu sản phụ theo dõi lượng đường huyết hàng ngày.
Xét nghiệm đường huyết sau sinh
Bác sĩ sẽ kiểm tra đường huyết của sản phụ sau khi sinh và một lần nữa sau 6 đến 12 tuần để đảm bảo rằng mức độ đường huyết đã trở lại bình thường. Nếu các xét nghiệm bình thường thì sản phụ này sẽ cần phải đánh giá nguy cơ mắc bệnh tiểu đường ít nhất ba năm/lần.
5. Điều trị tiểu đường thai kỳ
Nếu sản phụ mắc tiểu đường thai kỳ, sản phụ sẽ cần điều trị càng sớm càng tốt để giữ cho bản thân và thai nhi khỏe mạnh trong suốt quá trình mang thai và sinh nở. Các phương pháp điều trị bao gồm:
- Kiểm tra đường huyết bốn lần trở lên trong một ngày
- Kiểm tra nước tiểu để tìm ketone, đây là hóa chất có nghĩa là bệnh tiểu đường của sản phụ đang không được kiểm soát tốt
- Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh
- Tập thể dục
- Thuốc. Nếu chế độ ăn kiêng và tập thể dục không đủ để kiểm soát đường huyết, sản phụ có thể cần tiêm insulin để giảm lượng đường trong máu. Từ 10 đến 20 % sản phụ có bệnh tiểu đường thai kỳ cần sử dụng insulin để đạt được mục tiêu lượng đường trong máu.
- Theo dõi chặt chẽ thai nhi. Bác sĩ theo dõi sự tăng trưởng và phát triển của thai nhi bằng siêu âm và các xét nghiệm khác ở mỗi lần khám thai. Nếu đến ngày dự kiến sinh mà vẫn chưa có dấu hiệu chuyển dạ, bác sĩ sẽ có thể kích thích chuyển dạ do việc sinh sau ngày dự kiến sinh sẽ làm tăng nguy cơ biến chứng cho cả sản phụ và thai nhi.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec mang đến Chương trình chăm sóc thai sản trọn gói cho các sản phụ ngay từ khi bắt đầu mang thai từ những tháng đầu tiên với đầy đủ các lần khám thai, siêu âm 3D, 4D định kỳ cùng các xét nghiệm thường quy để đảm bảo người mẹ luôn khỏe mạnh và thai nhi phát triển toàn diện. Sản phụ sẽ không còn cô đơn khi bước vào cuộc chuyển dạ vì có người thân đồng hành giúp quá trình sinh con luôn mang đến sự an tâm và hạnh phúc.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: diabetes.org, mayoclinic.org
XEM THÊM: