Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Mikael Hartman - Phó Chủ tịch Hội đồng Ung thư, kiêm Giám đốc Chương trình Ung thư Vú tại Hệ thống Y tế Vinmec.
Sàng lọc giúp phát hiện sớm các dấu hiệu của ung thư vú, do đó bệnh nhân được chẩn đoán bệnh sớm, giúp điều trị bệnh từ giai đoạn đầu, nâng cao kết quả và tiên lượng.
1. Tại sao sàng lọc ung thư vú lại quan trọng?
Ung thư vú càng được phát hiện sớm thì càng được điều trị sớm, mang lại kết quả và tiên lượng tốt hơn hẳn so với việc phát hiện và điều trị muộn, do đó sàng lọc ung thư vú mang ý nghĩa rất quan trọng, trong đó bao gồm việc thực hiện chụp nhũ ảnh, tự khám vú và thăm khám lâm sàng định kỳ.
- Nguy cơ mắc ung thư vú đang gia tăng: Nguy cơ mắc ung thư vú ở phụ nữ Hoa Kỳ năm 1940 là khoảng 5% (tức là cứ 20 phụ nữ sẽ có 1 người mắc), đến nay đã tăng lên mức 12% (tức là chưa đến 9 phụ nữ sẽ có 1 người bị ung thư vú).
- Phát hiện sớm ung thư vú làm tăng tỉ lệ sống sót: Những phụ nữ thực hiện sàng lọc ung thư vú bằng chụp nhũ ảnh sẽ có nguy cơ tử vong liên quan tới ung thư vú thấp hơn, tuy nhiên điều này còn phụ thuộc vào chất lượng chụp nhũ ảnh, tần suất thực hiện chụp nhũ ảnh và mức độ tuân thủ yêu cầu của bác sĩ.
2. Tự thăm khám vú và thăm khám lâm sàng định kỳ
Chỉ có bản thân mới có thể biết rõ sự thay đổi của cơ thể mình, do đó tự thăm khám vú là một hoạt động quan trọng nhằm phát hiện những biến đổi bất thường để kịp thời thăm khám bác sĩ. Bên cạnh đó việc thăm khám lâm sàng định kỳ cũng quan trọng không kém.
3. Chụp nhũ ảnh
Chụp nhũ ảnh có thể phát hiện khối bất thường tại vú trước khi nó biểu hiện dấu hiệu lâm sàng lên tới 2 năm. Các kĩ thuật khác có thể xác định khối bất thường đó có phải là ung thư hay không.
Thời điểm chụp nhũ ảnh hiện chưa thống nhất giữa các chuyên gia. Khuyến cáo của mỗi tổ chức y khoa khác nhau là khác nhau:
- Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (American Cancer Society - ACS) với khuyến cáo mới nhất cho rằng, thời điểm chụp nhũ ảnh đầu tiên nên thực hiện ở tuổi 45, tuy nhiên tùy vào ý muốn cá nhân mà có thể thực hiện lần đầu trong khoảng từ 40 tới trước 45 tuổi; và mọi phụ nữ trong độ tuổi từ 45 tới 54 nên thực hiện chụp nhũ ảnh hàng năm, sau độ tuổi trên thì có thể chụp mỗi 1 - 2 năm/lần.
- Đại học Sản phụ khoa Hoa Kỳ (American College of Obstetricians and Gynecologists - ACOG) lại khuyến cáo lần chụp nhũ ảnh đầu tiên tốt nhất là khi 40 tuổi, và nên thực hiện chụp hàng năm.
- Lực lượng đặc nhiệm các dịch vụ phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (The United States Preventive Services Task Force - USPSTF) khuyến cáo thời điểm chụp nhũ ảnh lần đầu tiên có thể thực hiện khi 50 tuổi, và nên tiến hành chụp 2 năm/lần cho tới khi 74 tuổi. Không khuyến cáo chụp nhũ ảnh sau tuổi 74. Việc có thực hiện chụp nhũ ảnh hay không trước tuổi 50 hoàn toàn dựa vào ý muốn và quyết định cá nhân.
Tốt nhất hãy tham vấn ý kiến của bác sĩ về vấn đề chụp nhũ ảnh, bởi các tổ chức đưa ra khuyến cáo chung, còn bác sĩ sẽ trực tiếp xem xét, cân nhắc các yếu tố riêng biệt của từng trường hợp, chẳng hạn như độ tuổi, tiền sử bản thân, tiền sử gia đình,... để đưa ra chỉ định phù hợp nhất.
4. Chụp cộng hưởng từ vú
Chụp cộng hưởng từ vú là một kĩ thuật hình ảnh có thể thực hiện bổ sung bên cạnh chụp nhũ ảnh trong trường hợp:
- Có nguy cơ cao ung thư vú.
- Tiền sử gia đình có người mắc ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng.
- Mật độ vú dày (vú có nhiều mô tuyến và mô liên kết trong khi có ít mô mỡ) và kết quả chụp nhũ ảnh không phát hiện được ung thư vú trước đó.
- Có mật độ vú dày, có tiền sử gia đình mắc ung thư vú mạnh, và bản thân đã xuất hiện các biến đổi tiền ung thư (chẳng hạn như loạn sản không điển hình, carcinoma thùy tại chỗ,...).
- Có biến đổi gen BRCA1 hoặc BRCA2.
- Đã từng có xạ trị tại vùng ngực trước năm 30 tuổi.
5. Siêu âm vú
Đối với những phụ nữ có kết quả chụp nhũ ảnh kết luận mật độ vú dày thì bác sĩ có thể chỉ định tiến hành thêm siêu âm vú, và nó cũng được lựa chọn đối với phụ nữ có nguy cơ cao mắc ung thư vú mà không thực hiện được chụp cộng hưởng từ vú, hoặc với phụ nữ đang mang thai không thể chụp nhũ ảnh (do phơi nhiễm với tia X khi chụp nhũ ảnh).
6. Chẩn đoán xác định ung thư vú như thế nào?
Chỉ có một phương pháp duy nhất để có thể chẩn đoán xác định ung thư vú, đó là làm giải phẫu bệnh. Bệnh phẩm để làm giải phẫu bệnh có thể lấy qua sinh thiết chọc hút bằng kim nhỏ, hoặc lấy qua phẫu thuật.
Nếu không may kết quả giải phẫu bệnh là ung thư vú, bệnh nhân sẽ được bác sĩ chỉ định làm thêm một số bước nhằm xác định loại ung thư, mức độ tiến triển của ung thư,... với mục đích đưa ra được phác đồ điều trị thích hợp nhất và có tiên lượng phù hợp nhất với tình trạng cụ thể của bệnh nhân.
Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện có Gói tầm soát ung thư vú giúp phát hiện sớm các bệnh: ung thư vú ngay cả khi chưa có triệu chứng.
Gói tầm soát ung thư vú tại Vinmec dành cho các đối tượng:
- Khách hàng nữ, trên 40 tuổi.
- Khách hàng có nhu cầu có thể sàng lọc bệnh lý về ung thư vú
- Khách hàng có nguy cơ cao mắc các bệnh về ung thư – đặc biệt là khách hàng tiền sử gia đình có bệnh lý ung thư vú.
- Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, tiền mãn kinh và mãn kinh.
- Phụ nữ đang có triệu chứng nghi ngờ ung thư vú như : đau ở vú, có cục u ở vú, vv
Với gần 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chẩn đoán và phẫu thuật ung thư vú, PGS.TS.BS. Mikael Hartman hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng Ung thư, kiêm Giám đốc Chương trình Ung thư Vú tại Hệ thống Y tế Vinmec sẽ trực tiếp thăm khám và phẫu thuật cho bệnh nhân.
Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.
Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com
XEM THÊM
- Thiết bị siêu âm ưu việt, phát hiện ung thư vú từ ‘trứng nước’ - máy siêu âm ABUS
- Vinmec sử dụng máy siêu âm hiện đại nhất của GE Healthcare phát hiện sớm ung thư vú
- Khi nào bạn nên bắt đầu sàng lọc ung thư vú?