Bài viết được viết bởi Bác sĩ cao cấp Nguyễn Thị Tân Sinh - Phó Giám đốc Trung tâm Sức khỏe Phụ nữ - Trung tâm Sức khỏe Phụ nữ - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Sa tạng chậu là bệnh thường xuất hiện ở các chị em phụ nữ sau độ tuổi mãn kinh, mang thai, sinh con nhiều lần, từng phẫu thuật vùng chậu, mắc chứng táo bón mạn tính và có bệnh lý về hô hấp. Bệnh không chỉ khiến người bệnh phải chịu tổn thương về sức khỏe mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt tâm lý.
1. Sa tạng vùng chậu là gì?
Sa tạng chậu là tình trạng sa xuống của một hay nhiều cơ quan vùng chậu khỏi vị trí giải phẫu bình thường qua âm đạo hoặc hậu môn như: Sa bàng quang, tử cung, âm đạo, trực tràng, ruột và các mô liên kết do sự tổn thương và suy yếu các cấu trúc cân cơ và dây chằng nâng đỡ sàn chậu, gây ra các triệu chứng rối loạn tiểu, đại tiện
Các cơ quan vùng chậu bao gồm âm đạo, tử cung, bàng quang, niệu đạo và trực tràng. Những bộ phận cơ thể này được giữ cố định bằng hệ thống cân cơ, dây chằng và các tổ chức liên kết của sàn chậu.
2. Nguyên nhân của sa tạng vùng chậu là gì ?
Nguyên nhân chính của sa tạng vùng chậu là do quá trình mang thai, sinh đẻ nhiều lần và đến thời điểm mãn kinh, lão hóa.
Ngoài ra, còn các nguyên nhân khác dẫn đến sa tạng vùng chậu như: Thừa cân hoặc béo phì, táo bón và phải rặn nhiều để đi tiêu, ho mãn tính do hút thuốc, hen suyễn tạo ra áp lực lên bụng có thể gây ra sa tạng vùng chậu. Sa tạng vùng chậu có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng hầu hết các triệu chứng ở phụ nữ trở nên trầm trọng hơn sau khi mãn kinh.
3. Triệu chứng của sa tạng vùng chậu?
Các triệu chứng xuất hiện dần dần và ban dầu có thể không được nhận biết. Ở mức độ nhẹ của sa tạng vùng chậu, đôi khi người bệnh có thể cảm thấy khối phình ra bên trong âm đạo.
Đối với các trường hợp nghiêm trọng của sa tạng vùng chậu, các cơ quan có thể đẩy ra khỏi cửa âm đạo. Triệu chứng có thể gặp phải như sau:
- Cảm giác nặng hoặc chằng trong âm đạo;
- Các cơ quan lồi ra từ âm đạo
- Rỉ nước tiểu (tiểu không tự chủ)
- Khó tiểu hết nước tiểu trong bàng quang
- Khó đi đại tiện
4. Các dạng sa tạng vùng chậu
Có rất nhiều dạng sa tạng vùng chậu và có tên gọi khác nhau tùy vào bộ phận bị sa: Sa bàng quang, ruột non, trực tràng, tử cung, vòm âm đạo.
Các hình bên dưới minh họa trạng thái sa tử cung ( Hình 1) , sa bàng quang, trực tràng và tử cung ( Hình 2)
5. Sa tạng vùng chậu được chẩn đoán như thế nào?
Bác sĩ chuyên khoa sẽ hỏi các dấu hiệu, thăm khám âm đạo hoặc trực tràng để xác định sa tạng nào, đơn thuần hay phối hợp ( ví dụ sa tử cung kéo theo sa bàng quang hoặc trực tràng, sa tử cung kèm són tiểu ).
6. Điều trị sa tạng vùng chậu?
Nhiều phụ nữ không cần điều trị ngay nếu sa mức độ nhẹ. Cần thay đổi chế độ ăn và lối sống có tác dụng giảm một số triệu chứng. Nếu thừa cân hoặc béo phì, việc giảm cân sẽ cải thiện sức khỏe toàn diện và có thể cả triệu chứng sa tạng.
6.1 Tập phục hồi chức năng cơ sàn chậu
Tập phục hồi chức năng cơ sàn chậu để các cơ trở nên chắc hơn, tránh sa nhiều hơn. Các bài tập vùng sàn chậu, còn gọi là Kegel, nhằm tăng cường các cơ xung quanh lỗ niệu đạo, âm đạo và trực tràng. Tập các bài tập này thường xuyên có thể cải thiện chứng tiểu dắt và kéo chậm diễn tiến của sa tạng. Bác sĩ chuyên khoa và chuyên gia vật lý trị liệu sẽ giúp bạn tập đúng phương pháp.
6.2 Điều trị phẫu thuật
Nếu các triệu chứng trở nên phiền toái, điều trị phẫu thuật là cần thiết. Có hai loại phẫu thuật chính: phẫu thuật vùng sàn chậu và phẫu thuật thu hẹp hoặc đóng âm đạo.
Phẫu thuật sàn chậu đưa các cơ quan về gần vị trí cũ. Phẫu thuật thu hẹp tạo sự nâng đỡ cho cơ quan bị sa, giúp âm đạo được se khít hơn thường áp dụng cho các trường hợp sa ít. Phẫu thuật hoặc đóng âm đạo chỉ áp dụng cho những người lớn tuổi, bị các bệnh nghiêm trọng khác và không mong muốn quan hệ tình dục nữa.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong các bệnh viện quốc tế đi đầu trong lĩnh vực chẩn đoán điều trị nhiều bệnh tiết niệu sỏi thận (tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi nội soi ngược dòng, lấy sỏi thận qua da, phẫu thuật nội soi lấy sỏi...). Cùng với đội ngũ y bác sĩ, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại; nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa giúp quá trình phục hồi đạt hiệu quả cao.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
XEM THÊM